Đó là thông tin được đưa ra trong Hội thảo “Giải pháp thúc đẩy quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập và thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp” được tổ chức tại Hà Nội vào sáng ngày 17/05/2022.

Hội thảo do Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính tổ chức. Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đề nghị các đại biểu tham vấn, đóng góp ý kiến để tìm ra các giải pháp đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Cơ cấu lại DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021 - 2025

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Phạm Văn Hoành - Tổng Biên tập Tạp chí Tài chính cho biết, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là một trong những chủ trương lớn của Đảng, được đặt ra ngay từ khi đất nước thực hiện công cuộc Đổi mới và được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các cấp, các ngành, các địa phương và của DNNN. "Đóng góp vào quá trình hoàn thiện khung khổ pháp lý để đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN, Bộ Tài chính cùng các bộ, ngành, địa phương, các DNNN liên quan đã tham mưu, trình Chính phủ ban hành nhiều văn bản điều chỉnh hoạt động, cơ cấu lại DNNN, cổ phần hóa (CPH) DN, đơn vị sự nghiệp công lập, thoái vốn Nhà nước tại DN...", Tổng Biên tập Phạm Văn Hoành nhấn mạnh.

Ông Phạm Văn Hoành - Tổng Biên tập Tạp chí Tài chính phát biểu khai mạc hội thảo.
Ông Phạm Văn Hoành - Tổng Biên tập Tạp chí Tài chính phát biểu khai mạc hội thảo.

Hệ thống các cơ chế chính sách pháp luật phục vụ quá trình CPH DN, đơn vị sự nghiệp công lập, thoái vốn nhà nước tại DN đã được ban hành, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện, đảm bảo chặt chẽ hơn, công khai minh bạch, tối đa hóa lợi ích của Nhà nước, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, hạn chế thất thoát vốn, tài sản nhà nước trong quá trình CPH, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN và DN có vốn nhà nước.

Theo đó, việc cơ cấu lại DNNN thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Với việc thực hiện phương án cơ cấu lại DNNN, trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước và kế hoạch CPH, thoái vốn nhà nước tại DN trong giai đoạn 2016 – 2020 theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, số lượng DNNN đã giảm mạnh so với giai đoạn 2011-2015. Mặc dù số lượng DNNN chỉ còn chiếm khoảng 0,08% tổng số DN đang hoạt động trong cả nước tính đến thời điểm 31/12/2020, nhưng các DNNN vẫn đang nắm giữ nhiều nguồn lực quan trọng của nền kinh tế.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, nhiều mục tiêu cơ cấu lại DNNN giai đoạn 2016 - 2020 chưa đạt được kết quả như mong muốn. Các kết quả thống kê cho thấy, còn nhiều DN chưa hoàn thành CPH và chưa  hoàn thành thoái vốn. Tỷ lệ vốn nhà nước nắm giữ tại các DN sau khi CPH vẫn còn cao, chưa đạt mục tiêu thay đổi phương thức quản trị DN.

DNNN nói chung vẫn chưa đạt được hiệu quả tương xứng với nguồn lực được giao, vẫn còn nhiều DNNN chưa thực sự đổi mới căn bản về quản trị DN, thay đổi tư duy quản lý, hoạt động sản xuất - kinh doanh, chủ động áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất - kinh doanh để giảm chi phí, nâng cao năng suất lao động. Việc công khai minh bạch tình hình tài chính, kết quả hoạt động sản xuất - kinh doanh còn hạn chế; vẫn còn có DNNN và lãnh đạo DNNN thiếu bản lĩnh, có hành động tiêu cực, vi phạm pháp luật trong quá trình hoạt động. Việc xử lý các tồn tại, yếu kém của DNNN và DN có vốn nhà nước vẫn chưa dứt điểm, triệt để...

Trong bối cảnh quốc tế, trong nước có nhiều biến động khó lường… dự báo tác động nhiều mặt đến năng lực sản xuất kinh doanh, sức cạnh tranh và sự phát triển bền vững của cộng đồng DN nói chung và các DNNN nói riêng, để thúc đẩy DNNN phát triển bền vững, phát huy được thế mạnh, tiềm năng của mình, thực sự là “lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế Nhà nước”, chủ trương đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN của Đảng, Nhà nước ta tiếp tục được khẳng định, gần đây nhất là tại Đề án "Cơ cấu lại DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021 - 2025" ban hành cùng Quyết định số 360/QĐ-TTg ngày 17/03/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

Để góp phần đưa ra các định hướng, giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động nhằm huy động nguồn lực của DNNN trong phát triển kinh tế - xã hội, việc đánh giá lại các kết quả đạt được, nhận diện những điểm nghẽn trong quá trình CPH DN, đơn vị sự nghiệp công lập và thoái vốn nhà nước tại DN thời gian qua có ý nghĩa rất quan trọng.

Gỡ các “nút thắt” cho doanh nghiệp đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, việc đổi mới, cơ cấu doanh nghiệp nhà nước là một trong những nhiệm vụ quan trọng của tái cơ cấu nền kinh tế. Nhiều năm qua, Bộ Tài chính đã tham mưu Chính phủ các cơ chế chính sách về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước. Công tác cổ phần hóa, thoái vốn thời gian qua đã đạt nhiều kết quả tích cực. Việc hoàn thiện cơ chế chính sách được triển khai hiệu quả thông qua việc ban hành, sửa đổi, bổ sung các Nghị định liên quan đến cổ phần hóa, thoái vốn…

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu chỉ đạo Hội thảo.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu chỉ đạo Hội thảo.

Những nút thắt về cơ chế chính sách đã được cơ quan quản lý Nhà nước nỗ lực tìm cách tháo gỡ cho doanh nghiệp, tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được thì vẫn tồn tại nhiều hạn chế, vướng mắc. Do đó, cần phải có sự tham vấn ý kiến của các đại biểu, đặc biệt là lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, các địa phương để Bộ Tài chính tiếp thu, phối hợp với các bộ, ngành trình Chính phủ các giải pháp tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước, tái cơ cấu hiệu quả. Đây là mục tiêu dài hạn cần đạt tới.

“Các tồn tại vướng mắc trong quá trình cổ phần hóa, thoái vốn hiện nay như: tiến độ chậm, chưa đạt kết quả đề ra theo đề án mà Chính phủ đã ban hành; nguồn thu cổ phần hóa chưa đạt yêu cầu. Riêng năm 2021, Quốc hội giao Chính phủ thu từ cổ phần hóa 40.000 tỷ đồng, nhưng hết năm thu chưa đầy 2.000 tỷ đồng, tức là cổ phần hóa rất chậm, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc chỉ rõ.

Theo Bộ trưởng, việc xác định giá trị doanh nghiệp có vai trò rất quan trọng. Tuy nhiên, việc xác định giá trị của doanh nghiệp thời gian qua còn chưa chính xác, thường thấp hơn giá trị thực tế, gây thất thoát, lãng phí. Sau khi kiểm toán thì giá trị tăng lên nhiều lần, bình quân tăng 2,8 lần. Điều này cho thấy xác định giá trị doanh nghiệp chưa chính xác mà rủi ro lớn nhất là vấn đề xác định giá trị quyền sử dụng đất.

"Việc tính giá trị một lần không sát giá thị trường; ngoài ra, dù có sát thị trường thì sau 10 năm, 20 năm, giá trị lại khác… Đây là lỗ hổng gây thất thoát, chưa nói đến việc nộp tiền thuê đất một lần thì doanh nghiệp cổ phần hóa có thể chuyển quyền sử dụng đất để làm nhà đô thị, hay công trình khác… Chuyển mục đích sử dụng đất dẫn đến xác định giá trị sử dụng đất không chính xác, dẫn tới thất thoát" - Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đề nghị các đại biểu nghiên cứu cho ý kiến một số vấn đề về sửa Luật Quản lý sử dụng vốn Nhà nước vào quản lý sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; phương pháp xác định giá trị doanh nghiệp một cách chính xác; xác định giá trị quyền sử dụng đất,...

Bộ Tài chính sẽ tổng hợp các ý kiến, nghiên cứu để trình Chính phủ ban hành các quy định phù hợp để thúc đẩy quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, thúc đẩy tái cơ cấu kinh tế của đất nước, tăng năng lực sản xuất kinh doanh, phát triển doanh nghiệp một cách bền vững, thực chất.

Minh An (T/h)