(Ảnh minh họa)
Theo Bộ trưởng, thép bị Mỹ áp thuế từ các thị trường như Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc).
"Ta nhập khẩu thép cán nóng từ các nước rồi có quá trình biến đổi. Trước đây, Mỹ chấp nhận quá trình biến đổi này nhưng bây giờ họ cho là quá trình đó không đáng kể, thuế phải tăng, lên tới hơn 400%," Bộ trưởng Trấn Tuấn Anh chia sẻ.
Bộ trưởng cũng cho biết thêm rằng cơ quan chức năng đang có kế hoạch cụ thể để phối hợp đánh giá các sản phẩm nhập khẩu từ nước khác.
Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, các cơ quan sẽ làm việc thống nhất với các đối tác để có hướng dẫn cho doanh nghiệp, tránh cho các sản phẩm từ Việt Nam thành đối tượng bị trừng phạt thương mại.
Ở hướng khác, Bộ trưởng cho biết việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) sẽ được siết chặt lại quy trình với nhiều sản phẩm.
Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương) cũng đã chính thức lên tiếng về vấn đề này.
Theo đó, Cục này cho biết Bộ Thương mại Mỹ (DOC) ngày 2/7 đã ban hành kết luận sơ bộ trong vụ việc điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với thép cuộn cán nguội (CR) và thép chống ăn mòn (CORE) của Việt Nam sử dụng nguyên liệu thép cán nóng nhập khẩu từ Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc.
Vụ việc này được Mỹ khởi xướng điều tra từ ngày 2/8/ 2018, sau khi nước này áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp với thép CR, CORE của Đài Loan và Hàn Quốc từ năm 2016.
Theo DOC, việc sản xuất thép CR, CORE từ thép cán nóng nhập khẩu từ Đài Loan và Hàn Quốc là chuyển đổi không đáng kể, giúp lẩn tránh thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp của chính phủ Mỹ.
Căn cứ kết luận sơ bộ, DOC sẽ áp dụng biện pháp chống lẩn tránh thuế tạm thời với sản phẩm thép CR và thép CORE nhập khẩu từ Việt Nam thông qua việc thu tiền ký quỹ khi nhập khẩu, mức ký quỹ sẽ phụ thuộc vào từng loại sản phẩm nhập khẩu từ Hàn Quốc và Đài Loan.
"Tuy nhiên, đây là vụ việc điều tra xác định hành vi lẩn tránh thuế với nguyên liệu từ Hàn Quốc và vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc), trong trường hợp thép CR, CORE được sản xuất từ nguyên liệu của Việt Nam hoặc các nước, vùng lãnh thổ khác sẽ không bị áp thuế trong vụ việc này", Cục này cho biết.
Trong quá trình điều tra, Bộ Công Thương đã phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội thép, các doanh nghiệp liên quan của Việt Nam để hợp tác, cung cấp đầy đủ thông tin theo yêu cầu của cơ quan điều tra Mỹ về quá trình sản xuất tại Việt Nam, mức độ giá trị gia tăng của sản phẩm...
Bộ Công Thương cũng đã cảnh báo, khuyến nghị các doanh nghiệp về việc các cơ quan điều tra của nước nhập khẩu có thể thay đổi quy định, đề ra các yêu cầu khắt khe hơn trong các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại để các doanh nghiệp nghiên cứu, đề ra chiến lược kinh doanh phù hợp, đặc biệt là chuyển sang sử dụng nguồn nguyên liệu sản xuất trong nước hoặc các nguồn khác.
Dự kiến, DOC sẽ thông báo quyết định cuối cùng về cuộc điều tra này vào tháng 9/2019.
Bộ Công Thương cho biết sẽ tiếp tục phối hợp cùng các cơ quan liên quan, các Hiệp hội doanh nghiệp và phía Mỹ trong các giai đoạn tiếp theo của vụ việc để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của doanh nghiệp phù hợp với quy định pháp luật và và các Hiệp định của WTO, đồng thời ngăn chặn các hành vi lẩn tránh bất hợp pháp, gian lận xuất xứ.
Lê Anh T/h