Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã trả lời chất vấn về các nội dung ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý nhà nước, xây dựng Chính phủ số, chính quyền số.

Kiểm soát thông tin xấu độc

Tại phiên chất vấn, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (đoàn Phú Yên) cho rằng ngăn chặn tác hại của thông tin xấu độc trên không gian mạng là việc không dễ dàng. Xử lý một trường hợp đưa tin thất thiệt rất vất vả, khó khăn nhưng nếu không xử lý cẩn thận thì có nguy cơ PR cho người vi phạm.

Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (Phú Yên).
Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (Phú Yên)

Từ đó, ông Nghĩa đặt câu hỏi về giải pháp căn cơ nhất để xử lý tình trạng này trong bối cảnh lực lượng ngành thông tin và truyền thông còn mỏng, số tài khoản mạng xã hội lên đến hàng chục triệu và có những tài khoản ở nước ngoài.

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhận định việc kiểm soát thông tin xấu độc ở Việt Nam thực sự khó khăn bởi lực lượng mỏng, trong khi đó một người Việt Nam hiện có gần 4 tài khoản trên các mạng xã hội khác nhau. "Đây là con số cao" - ông nhận định.

Về giải pháp căn bản, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng thế giới thực ra sao, lên mạng cũng vậy. Ai quản lý cái gì ở thế giới thực thì sang không gian mạng quản lý cái đó.

Theo Bộ trưởng, tất cả bộ ngành, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp, nhà trường cần quản lý lĩnh vực của mình trên không gian mạng. Thậm chí đến mức tế bào là gia đình cũng cần quản lý con cái trên không gian này.

“Toàn xã hội vào cuộc mới có thể giải quyết căn cơ vấn đề trên không gian mạng. Chỉ Bộ TT&TT và Bộ Công an không xuể” - Bộ trưởng Hùng nói.

Trong năm 2020, Bộ TT&TT đã rà quét và ngăn chặn 1.700 trang web có dấu hiệu lừa đảo. Nếu không ngăn chặn, sẽ có 3,1 triệu người truy cập vào các trang web này, từ đó dẫn đến xác suất bị lừa đảo là rất lớn.

Đối với vấn đề lừa đảo qua số điện thoại, Bộ TT&TT đang tập trung xử lý vấn đề SIM rác. Đây là một trong những phương tiện thực thi hoạt động lừa đảo.

Bộ TT&TT có 3 công đoạn lớn để xử lý vấn đề này. Thứ nhất, tất cả các thuê bao không có đầy đủ thông tin sẽ bị xóa khỏi hệ thống. Năm 2018, Việt Nam vẫn còn 22 triệu thuê bao không có thông tin đầy đủ. Tuy nhiên đến năm 2022, điều này đã không còn.

Đối với việc thông tin thuê bao có chính xác hay không, các nhà mạng đang tiến hành đối soát với Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư. Hiện đã đối soát được khoảng 25% lượng thuê bao. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo cơ bản trong năm nay, muộn nhất là đến đầu năm 2023 các dữ liệu này phải chính xác.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn tại nghị trường Quốc hội
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn tại nghị trường Quốc hội

Vấn đề thứ ba là xử lý SIM chính chủ. Nếu xử lý xong vấn đề này, Việt Nam sẽ ngăn chặn được đáng kể việc dùng số điện thoại để lừa đảo.

Theo Bộ trưởng, không gian mạng giống như không khí, tin xấu độc mà nhiều như không khí bị vấy bẩn. “Không khí đầu độc phổi, thông tin đầu độc não”- ông Hùng nói.

Bộ trưởng cũng bày tỏ “Chúng tôi luôn luôn nghĩ rằng không gian mạng là của chúng ta, mỗi chúng ta phải có trách nhiệm làm cho không gian đấy lành mạnh”.

Năm 2023 giải quyết căn cơ vấn đề báo hóa trang tin, tạp chí

Trả lời câu hỏi về vấn đề báo hóa tạp chí, báo hóa trang thông tin, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết hiện nay đã công khai dấu hiệu, biểu hiện thế nào là một tạp chí báo hóa, một trang thông tin báo hóa để toàn dân cùng giám sát, thay vì chỉ một mình Bộ TT&TT.

Trong số 650 tạp chí, những tạp chí có dấu hiệu mà bộ TT&TT phát hiện là 30, số này không lớn. Về trang tin hiện có khoảng 2.000 trang và có khoảng 30 trang có dấu hiệu báo hóa. Đảng, Nhà nước cũng đã chỉ đạo rất quyết liệt để rà soát, kiểm tra, thanh tra, xử lý, xử phạt, nhắc nhở, yêu cầu đối với nhiều cơ quan để đảm bảo từng bước giải quyết vấn đề này.

“Chúng tôi có một niềm tin là vào năm 2023 vấn đề báo hóa trang tin, tạp chí sẽ được giải quyết căn cơ” - ông Hùng nói.

Trang Nguyễn (t/h)