Đây là vòng mở rộng thứ hai sau Nam Phi vào năm 2010. Trước đó, vào năm 2009, Liên minh BRIC được thành lập bởi các quốc gia Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc.

Mở rộng tầm ảnh hưởng và tăng sức hấp dẫn

Với trọng tâm là thúc đẩy hợp tác kinh tế, tăng cường thương mại, phát triển bền vững và cải cách các hệ thống đa phương, BRICS đang ngày càng thu hút sự quan tâm của nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới.

Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu trực tuyến tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS tại Nam Phi hồi năm 2023. Ảnh: TASS
Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu trực tuyến tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS tại Nam Phi hồi năm 2023. Ảnh TASS.

Bloomberg nhận định, "hiện tại, số lượng các quốc gia ứng cử viên muốn gia nhập khối BRICS+ đang tăng một cách chóng mặt. Sự phát triển nhanh chóng về quy mô của BRICS là công lao của Trung Quốc và Nga, đồng thời là thất bại ngoại giao của Mỹ".

Giới phân tích bình luận, nhiều quốc gia ở Nam bán cầu không hài lòng với áp lực từ phía Washington nên muốn gia nhập BRICS, khi coi việc liên kết là một biện pháp phòng thủ chống lại các thể chế do phương Tây lãnh đạo.

Trong khi đó, các thành viên mới đang tăng cường vai trò quan trọng của họ với tư cách là nhà cung cấp trong lĩnh vực năng lượng và nguyên liệu thô, đặc biệt là dầu thô, magie và than chì. Tầm quan trọng toàn cầu này của nhóm BRICS có thể sẽ tăng lên trong tương lai khi nhiều quốc gia đã bày tỏ sự quan tâm đến việc tham gia.

Đưa ra nhận định về xu hướng mở rộng của BRICS, Tổ chức phi chính phủ Đức Friedrich Naumann Foundation for Freedom cho rằng, đây là một chiến thắng trước phương Tây, "không phải chỉ là một sự kiện" hay một giai đoạn của nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới này.

Giới chuyên gia chính trị quốc tế nhìn nhận, sự lớn mạnh của BRICS đang đặt ra thách thức cho trật tự thế giới, được xem là đối thủ “đáng gờm” của G7 và các tổ chức quốc tế khác. BRICS đang tạo ra một hiện trạng kinh tế, xã hội và tiền tệ mới nổi, đảo ngược những gì thế giới đã chấp nhận là bình thường trong gần 8 thập niên qua.

Giới chuyên gia còn cho rằng, rất có khả năng, toàn cầu sẽ được chia thành 2 khối kinh tế, gồm BRICS và Nhóm các nền công nghiệp hàng đầu thế giới (G7). Sự phân chia này tất yếu sẽ tạo ra nhiều rào cản thương mại hơn, đồng thời gia tăng căng thẳng địa chính trị.

Vậy, những người trong cuộc kỳ vọng gì? Chẳng hạn, Nga đang theo đuổi hai mục tiêu chiến lược quan trọng với tư cách thành viên BRICS, cả hai mục tiêu này đều có khả năng tác động nghiêm trọng đến trật tự thế giới do phương Tây thống trị hiện nay. Một mặt, Điện Kremlin đang tìm cách mở ra các nguồn bán hàng mới sau khi mất đi khách hàng chính - Châu Âu, đối với mặt hàng xuất khẩu duy nhất có thể bán được trên thị trường - cụ thể là năng lượng hóa thạch dưới dạng khí đốt tự nhiên và dầu.

Để mắt đến Trung Quốc và Ấn Độ, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có được những khách hàng đáng kể theo cách này. Việc phương Tây kêu gọi Trung Quốc và Ấn Độ - những nước công nghiệp hóa mới nổi lớn nhất ở phương Đông, không nhập khẩu năng lượng từ Nga dường như sẽ không hiệu quả lắm. Cả hai nền kinh tế hàng đầu Châu Á đều đặt lợi ích kinh tế lên hàng đầu. Cả hai cũng vẫn đang phải đối mặt với nhiệm vụ đưa hàng triệu người thoát khỏi cảnh nghèo đói cùng cực.

Với Trung Quốc, dù nước này gần đây không còn là quốc gia đông dân nhất trong BRICS, nhưng cho đến nay vẫn là nền kinh tế mạnh nhất. Nền kinh tế Trung Quốc lớn hơn Nga, Ấn Độ, Nam Phi và Brazil cộng lại. Cho đến nay, Bắc Kinh cũng có sức ảnh hưởng lớn nhất trên trường quốc tế. Sự thống trị của Trung Quốc trong nhóm cũng không thay đổi do sự mở rộng.

Ngược lại, các quốc gia như: Ethiopia, Ai Cập và Iran phụ thuộc Bắc Kinh về kinh tế và trong một số trường hợp cả về tài chính. Mối quan hệ phụ thuộc này có thể còn trở nên mạnh mẽ hơn nhờ mối quan hệ chặt chẽ hơn với BRICS.

Ảnh
Ảnh BRICS TV.

Lợi ích nhìn thấy rõ đối với Trung Quốc - là các quốc gia chống Mỹ đang chiếm đa số trong BRICS mở rộng. Trong khi, Bắc Kinh vẫn đang trong quá trình đối đầu với Washington và phương Tây. Nếu xung đột với Mỹ leo thang hơn nữa, Trung Quốc coi BRICS như một loại "chính sách bảo hiểm" chống lại sự cô lập quốc tế. Điều này đã được chứng minh đối với trường hợp của Nga.

Ngoài việc củng cố vị thế, Trung Quốc còn đang theo đuổi một mục tiêu dài hạn hơn nữa với việc mở rộng BRICS là trở nên ít phụ thuộc hơn vào đồng USD và các hệ thống thanh toán và thanh toán bù trừ của Mỹ như SWIFT.

Vậy, còn các quốc gia thành viên mới mong đợi gì từ BRICS? Ai Cập hy vọng sẽ đạt được cả lợi ích kinh tế và địa chiến lược khi gia nhập khối.

Là quốc gia lớn nhất và đông dân nhất ở Trung Đông, xét về vị trí địa lý là giao điểm giữa Châu Phi và Châu Á cũng như Địa Trung Hải và Biển Đỏ, bao gồm cả tuyến thương mại toàn cầu Kênh đào Suez, Ai Cập bị ảnh hưởng đặc biệt bởi những diễn biến địa chính trị.

Do đó, việc gia nhập BRICS cũng được thúc đẩy bởi nỗ lực truyền thống của Cairo về đa cực địa chiến lược và mức độ tự chủ về chính sách đối ngoại ở mức cao nhất có thể, tương tự vai trò lãnh đạo của Ai Cập trong Phong trào Không liên kết ở đỉnh điểm của xung đột Đông-Tây.

Hơn nữa, quốc gia Bắc Phi này mắc nợ nhiều, đang ở giữa cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính sâu sắc, hy vọng rằng việc gia nhập BRICS sẽ có tác động kinh tế tích cực. Tư cách thành viên BRICS được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho Ai Cập tiếp cận các cơ hội tài chính thuận lợi và đầu tư mới, đặc biệt trong các lĩnh vực cơ sở hạ tầng và phát triển kinh tế. Cairo cũng kỳ vọng về trao đổi công nghệ và xây dựng năng lực thông qua hợp tác với các thành viên BRICS trong lĩnh vực năng lượng tái tạo...

BRICS đang lớn mạnh?

Liệu BRICS có thể tạo ra một khối mới có khả năng cạnh tranh, thậm chí vượt qua phương Tây?

Trong bài phỏng vấn cựu Chủ tịch Ủy ban Kinh tế và xã hội Châu Âu (giai đoạn 2013-2015) Henri Malosse, Chủ tịch đương nhiệm Tổ chức tư vấn Hiệp hội Jean Monnet (từ năm 2021) của Pháp, vị Giáo sư tại Đại học Corsica và Đại học Sciences-po Paris phân tích, kể từ khi được thành lập cách đây 15 năm, mục tiêu ban đầu của BRICS là gì và họ đã phát triển như thế nào để trở thành một chủ thể quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu ngày nay, đặc biệt với sự xuất hiện của các thành viên mới "chất lượng", như Saudi Arabia hay Ai Cập?

BRICS+ ‘đắt khách’ có thách thức phương Tây? (Nguồn: kas.de)
BRICS+ ‘đắt khách’ có thách thức phương Tây? Nguồn kas.de.

Số lượng thành viên hiện nay đã là 10. Ngoài ra, còn có các quốc gia ứng cử viên khác, có tầm quan trọng đáng kể về kinh tế và chính trị, vẫn chưa được chấp nhận do tầm cỡ của họ hay những cân nhắc nào đó, như: Nigeria, Algeria hay Indonesia...

BRICS ra đời bất chấp những khác biệt trong cách tiếp cận, đặc biệt giữa các nước lớn như: Ấn Độ và Trung Quốc, trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế và chiến lược. Không giống như Liên minh Châu Âu (EU), BRICS không có quy trình hội nhập phức tạp hoặc hiến chương cụ thể. Đó là một liên minh kinh tế hơn là một liên minh chính trị.

Hành động có ý nghĩa đầu tiên của họ là thành lập một ngân hàng phát triển để tài trợ cho các dự án mà không cần nhờ đến Ngân hàng Thế giới (WB) hay sự thống trị của đồng USD. Sáng kiến này đã thắt chặt mối liên kết giữa các quốc gia mới nổi đó nhằm đóng một vai trò quan trọng trên trường thế giới, cả về kinh tế và chính trị.

Trong suốt 15 năm qua, các quốc gia này đã có tốc độ tăng trưởng kinh tế đáng lưu ý, cùng trở nên hùng mạnh hơn các thành viên G7 về sức mạnh kinh tế.

Vào năm 2023, GDP tổng hợp chiếm 31,5% tổng GDP toàn cầu, vượt qua G7 (30,7%). Sự thay đổi động lực này đã làm tăng tầm quan trọng chính trị của BRICS, nhất là trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga và Mỹ đang trầm trọng hơn do xung đột ở Ukraine, cũng như những căng thẳng thương mại Trung-Mỹ.

Do đó, liên minh này ngày càng trở nên quan trọng, mở rộng ảnh hưởng và sức hấp dẫn của nó. Từ ngày 1/1/2024, tổ chức này có 10 thành viên và khoảng 20 quốc gia bày tỏ quan tâm tham gia. Vì vậy, có thể trong 10 năm tới, liên minh này sẽ tập hợp khoảng 50 quốc gia và do đó có thể nắm giữ 50% nền kinh tế thế giới. Từ một sáng kiến lúc đầu nhằm đối đầu với quyền bá chủ, nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu có thể sẽ chuyển sang một tập hợp quan trọng hơn nhiều về mặt chính trị và kinh tế.

Nhóm BRICS hiện chiếm gần 46% dân số thế giới (riêng dân số Trung Quốc và Ấn Độ chiếm 86% BRICS), 36% GDP toàn cầu (riêng Trung Quốc chiếm 65% BRICS) và 25% thương mại thế giới tính theo kim ngạch xuất khẩu.

Theo Bloomberg/baoquocte.vn