Điểm sáng là các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, Châu Âu, Nhật Bản... tăng trưởng tốt; trong khi các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển tăng trưởng có sự khác biệt giữa các nước phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu tăng trưởng chậm (do giá hàng hóa vẫn ở mức thấp) và các nước phụ thuộc vào nhập khẩu tăng trưởng tốt hơn (hưởng lợi nhờ tận dụng yếu tố đầu vào giảm).
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2017 có thể đạt mức 3,5% so với năm 2016, cao hơn mức đã dự báo hồi tháng 3 năm 2017 là 3,3%. Thương mại toàn cầu phục hồi và tăng trưởng khá, dự báo có thể tăng từ mức 2,2% năm 2016 lên 4% trong năm 2017.
Giá dầu Brent cuối tháng 6/2017 ở quanh mốc 46 USD/ thùng, giảm 21% so với thời điểm cuối năm 2016 do lo ngại dư thừa nguồn cung. Trong khi đó, thị trường tài chính toàn cầu tiếp tục ổn định và tăng trưởng nhờ niềm tin vào triển vọng tăng trưởng tăng lên, khiến chỉ số chứng khoán tại Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản tăng lên mức cao nhất kể từ cuối năm 2007.
Kinh tế Mỹ tiếp tục đà tăng trưởng tốt với nhu cầu nội địa tăng mạnh, thị trường lao động, thu nhập cá nhân và chi tiêu cá nhân tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực. WB (tháng 6/2017) và OECD (tháng 6/2017) đều dự báo kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng 2,1% trong năm 2017, và sẽ tăng lên mức 2,2% trong năm 2018 nhờ chính sách giảm thuế và chương trình mở rộng đầu tư vào cơ sở hạ tầng của Tổng thống Do- nald Trump.
Kinh tế Châu Âu trong 6 tháng đầu năm 2017 tiếp tục phục hồi khi tốc độ tăng trưởng và lạm phát có xu hướng tăng lên, đồng thời tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) (tháng 6/2017) nhận định kinh tế khu vực châu Âu vẫn cần sự hỗ trợ, nhất là khi lạm phát vẫn thấp, cách xa so với mức mục tiêu (2%). IMF (tháng 4/2017) và WB (tháng 6/2017) cùng dự báo kinh tế khu vực tăng trưởng 1,7% trong năm 2017 nhờ sự phục hồi của đầu tư tư nhân và hoạt động xuất khẩu.
Kinh tế Trung Quốc (TQ) phục hồi nhẹ khi tăng trưởng GDP Q1/2017 của TQ đạt 6,9%, cao hơn mức 6,8% của quý 4/2016 và mức 6,7% cùng kỳ năm trước và là mức tăng GDP theo quý cao nhất kể từ quý 3/2015. Mặc dù số liệu tăng trưởng GDP Q1/2017 khá lạc quan, nhưng nhiều nhà phân tích nhận định kinh tế Trung Quốc sẽ mất đà tăng trưởng vào cuối năm 2017 khi ảnh hưởng của các biện pháp kích thích trước đó bắt đầu yếu đi và Chính phủ phải thực hiện các biện pháp kiểm soát nhằm kìm hãm đà tăng trưởng quá nóng của thị trường nhà ở. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) (tháng 4/2017) và Tổ chức OECD (tháng 6/2017) cùng dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc năm 2017 đạt 6,6%, cao hơn mục tiêu tăng trưởng 6,5% của Chính phủ Trung Quốc nhờ sự phát triển của sản xuất sản phẩm công nghệ cao và sự mở rộng của ngành dịch vụ trong khi sự dư thừa sản lượng trong sản xuất công nghiệp vẫn tiếp diễn khiến cho quy mô lĩnh vực này tiếp tục thu hẹp.
Mặc dù vậy, các tổ chức quốc tế cùng chung nhận định cho rằng, những yếu tố tích cực của kinh tế thế giới vẫn là trong ngắn hạn, sự cải thiện theo chu kỳ vẫn ở mức khiêm tốn và chưa thực sự bền vững trong dài hạn. Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn như chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa bảo hộ sản xuất, bảo hộ mậu dịch có chiều hướng gia tăng; nhiều hiệp định thương mại đã được ký kết chuẩn bị có hiệu lực, theo đó nhiều loại hàng rào thuế quan sẽ phải xóa bỏ./.
Lam Anh