Thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn nhiều dư địa phát triển

Tốc độ tăng trưởng bình quân của thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam trong 5 năm gần đây được ghi nhận là 45%/năm. Riêng năm ngoái, tăng trưởng đạt mức hơn 41% (ước tính của Hiệp hội Trái phiếu Việt Nam VBMA). Mặc dù vậy thì quy mô thị trường chỉ chiếm khoảng 15% GDP, trong khi đó của Malaysia đạt 56% GDP, Singapore là 38% GDP và Thái Lan là 25% GDP. Do vậy, giới phân tích cho rằng thị trường vẫn còn nhiều dư địa phát triển.

Sau những biến động, thị trường trái phiếu vẫn có điểm sáng. Ảnh minh họa.
Sau những biến động, thị trường trái phiếu vẫn có điểm sáng. Ảnh minh họa..

Theo quan điểm của ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó vụ trưởng, Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính, Bộ Tài chính thì mặc dù từ năm 2019 thị trường tăng trưởng nhanh nhưng lại tồn tại một số lỗ hổng trong quá trình vận hành nên sự phát triển bền vững của thị trường đã bộc lộ có thể bị ảnh hưởng.

Nghị định 65/2022/NĐ-CP được ban hành nhằm chấn chỉnh lại hoạt động thị trường. "Nghị định mới đã có quy định rất rõ ràng để đảm bảo tất cả các thành phần tham gia thị trường có trách nhiệm minh bạch hóa thông tin và chịu trách nhiệm với việc tham gia thị trường, khi đã nắm rõ và có thông tin một cách đầy đủ. Trong những giai đoạn trước, chúng ta đã có những nghị định khá thận trọng trong việc bảo vệ nhà đầu tư, cho nên chúng ta quy định rất chặt điều kiện đối với tổ chức phát hành", thông tin từ ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam.

Không phải trái phiếu nào cũng rủi ro vỡ nợ cao

Nhà đầu tư không nên vì ‘trào lưu’ mà hàng thực hiện "bond-run" (yêu cầu tất toán/ mua lại trái phiếu ngay lập tức) vì đó chính là lý do khiến trái phiếu của doanh nghiệp từ tốt cũng thành xấu, hoặc rơi vào trạng thái vỡ nợ vì bị rút đột ngột trước hạn chứ hoàn toàn không phải do doanh nghiệp yếu dòng tiền hoặc kinh doanh kém.

Việc phát triển kênh trái phiếu vừa giúp doanh nghiệp có thể huy động vốn từ đa dạng nguồn, giảm phụ thuộc vào tín dụng truyền thống, vừa tạo kênh đầu tư hấp dẫn hơn thu hút tiền nhàn rỗi từ nhà đầu tư; từ đó, nâng cao tính hiệu quả của nền kinh tế.

Môi trường đầu tư đang bắt đầu trở nên minh bạch và bớt rủi ro hơn nhờ việc loại bỏ ‘những con sâu làm rầu’ thị trường bất động sản, tài chính. Theo đánh giá từ TS.Ngô Ngọc Quang, Đại học Ngân hàng TP.HCM: “Tất cả các thị trường đang vào giai đoạn điều chỉnh mạnh, rủi ro và cơ hội đan xen lẫn nhau. Trong ngắn hạn, nhu cầu đầu tư vào các tài sản tài chính vẫn sẽ sụt giảm và kênh đầu tư trở nên hấp dẫn nhất lúc này là trái phiếu và gửi tiết kiệm".

Trên thực tế, không phải trái phiếu nào cũng có rủi ro vỡ nợ cao. Các sự việc có dấu hiệu vi phạm như Tân Hoàng Minh hay An Đông của Vạn Thịnh Phát là những sự kiện đơn lẻ. Theo ý kiến từ chuyên gia tài chính Nguyễn Quang Thuân thì các nhà đầu tư cá nhân hiện đang sở hữu trái phiếu doanh nghiệp nên tìm hiểu chất lượng trái phiếu mình đang có. Bởi lẽ dù lãi suất hiện nay đang gia tăng thì nhiều doanh nghiệp phát hành trái phiếu, kể cả trong ngành bất động sản, có tỷ lệ đòn bẩy nợ rất thấp, một số còn đa dạng hóa được nguồn thu, có chất lượng quản trị doanh nghiệp tốt và dòng tiền trả nợ được đánh giá là có thể đáp ứng được trước áp lực đáo hạn trái phiếu.

Nếu nhà đầu tư không tìm hiểu kỹ mà tìm cách bán trái phiếu bằng mọi giá thì sẽ gây ra tổn thất cho chính minh, đồng thời là điều đáng tiếc cho thị trường.

Rủi ro từ tác động dây chuyền của trái phiếu ở mức thấp

Mặc dù sẽ có thể có thêm một vài trường hợp chậm trả lãi hoặc gốc trái phiếu nhưng theo chuyên gia Nguyễn Quang Thuân thì những tác động dây chuyền từ trái phiếu có mức độ rủi ro là rất thấp.

Hoạt động mua trái phiếu gia tăng và hoạt động phát hành mới ở mức thấp đã đẩy số dư trái phiếu doanh nghiệp vào cuối tháng 9/2022 giảm còn khoảng 1,3 triệu tỷ đồng. Nếu trừ đi số trái phiếu do ngân hàng phát hành, vốn có rủi ro thấp hơn nhiều, thì trái phiếu doanh nghiệp do các đơn vị phi ngân hàng phát hành chỉ còn hơn 909 nghìn tỷ đồng, trong đó trái phiếu của ngành bất động sản chỉ chiếm khoảng 4% tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống ngân hàng, tương đương khoảng 455 nghìn tỷ đồng.

Các ngân hàng nắm giữ lượng trái phiếu lớn vẫn đang hoạt động ổn định. Theo báo cáo của công ty chứng khoán Mirae Asset (MAS), Ngân hàng Techcombank (mã chứng khoán: TCB) có tài sản và thu nhập tăng trưởng tốt. Theo kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2022, Techcombank có lợi nhuận trước thuế (LNTT) đạt 20,8 nghìn tỷ đồng, tăng 21,8% so với cùng kỳ năm trước. Tổng thu nhập hoạt động tăng 16,9% so với cùng kỳ, đạt 31,5 nghìn tỷ đồng.

Dù thị trường trái phiếu từ đầu năm có nhiều biến động, Công ty con của Techcombank là Công ty Cổ phần Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS), đơn vị chiếm thị phần lớn nhất về cả tư vấn phát hành lẫn môi giới trái phiếu liên tiếp trong 6 năm (2017 – 2021), tiếp tục báo lãi và ghi nhận tăng trưởng. Trong giai đoạn thị trường trái phiếu nhạy cảm, các trái phiếu mà TCBS phân phối vẫn được thanh toán đều đặn từ đầu năm đến nay.

Hồng Nhung (t/h)