THCL Gần 200 trường đã công bố phương án tuyển sinh riêng. Thế nhưng, sự “nhốn nháo” tại các trường ĐH, CĐ - đã khiến bất kỳ ai khi nhắc tới kỳ tuyển sinh năm nay đều phải lắc đầu ngao ngán.

Khốn khổ vì rút - nộp hồ sơ

Những ngày qua, nhiều thí sinh đổ về các thành phố lớn để rút hồ sơ đăng ký xét tuyển tại các trường, gây ra tình trạng quá tải...

Nhiều phụ huynh và học sinh, thậm chí đã phải tới trường từ 6 giờ sáng hôm trước, song vẫn phải xếp hàng dài chờ tới lượt. Nhưng kết quả chỉ nhận được giấy hẹn “sẽ trả vào hôm sau”. Theo nhiều phụ huynh, việc rút - nộp hồ sơ còn khổ hơn cả đi thi. Có những thí sinh đạt tổng điểm khá cao từ 21 - 24 điểm, song vẫn vô cùng hoang mang vì “không biết nên nộp hồ sơ vào trường nào?”.

Một thí sinh phản ánh, dù rằng, Bộ GD&ĐT đã cho phép các thí sinh được rút, nộp hồ sơ tại địa phương hoặc trên mạng Internet, nhưng lo ngại nếu thao tác sai sẽ bị lỡ, bị chậm ngày nộp hồ sơ nên hầu hết thí sinh đều đến rút hồ sơ trực tiếp tại các trường.

Điều này đã dẫn đến ùn tắc, quá tải. Bởi với nhân lực và hạ tầng công nghệ thông tin hạn chế như hiện nay, việc tiếp đón cùng lúc hàng nghìn thí sinh, khó có thể diễn ra suôn sẻ. Các trường ĐH, CĐ cũng đang rối như tơ vò, do càng ngày số lượng thí sinh điểm cao nộp đơn càng nhiều.

PGS. Đỗ Văn Xê, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ cho biết: “Bộ GD&ĐT gọi đợt xét tuyển này là "đợt xét tuyển NV1". Điều này làm cho vấn đề đã khó hiểu lại càng khó hiểu hơn. Bộ không lường trước được những khó khăn từ các nguyện vọng ảo, ảnh hưởng tới tâm lý của thí sinh. Bộ cũng không ngờ rằng, cho phép thí sinh chọn 4 ngành đã gây tác hại ngay từ khi nộp hồ sơ, chứ không chỉ tạo nên thí sinh trúng tuyển ảo. Việc theo dõi từng ngày để chứng kiến thứ tự của mình dần bị tụt qua định mức chỉ tiêu của trường - khiến cho những thí sinh có điểm trung bình - thấp hoang mang. Trong khi số thí sinh điểm cao nộp đơn càng nhiều đến các trường vào phút chót khiến sự lo lắng của thí sinh càng gia tăng”.

Dưới một góc nhìn khác, các chuyên gia giáo dục cho rằng, việc gộp 2 kỳ thi làm một sẽ gây ra sự xáo trộn về chất lượng học sinh ở các trường. Khi các trường top trên lấy điểm quá cao, các trường top dưới điểm lại thấp, ảnh hưởng đến chất lượng học sinh đầu vào. Như thế, sẽ kéo theo vị trí của các trường có thể đi xuống. Tình trạng này kéo dài - sẽ dẫn đến sự phân chia sâu sắc về mặt chất lượng và uy tín của các trường ĐH.

“Hậu cần” cho cuộc cải cách lớn

Theo GS. Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT: “Có đến gần 200 trường ĐH, CĐ công bố phương án tuyển sinh riêng. Như thế, chẳng hóa ra “ghép hai thành một” giờ lại trở về hai? Và mục đích ban đầu của kỳ thi hoàn toàn không đạt được?

Theo GS. Phạm Minh Hạc thì nên để kỳ thi tốt nghiệp cho các trường THPT tự tổ chức. Họ có thể đào tạo thì cũng có thể tổ chức thi tốt nghiệp. Đề thi của Bộ GD&ĐT, các sở GD&ĐT sẽ quản lý thi nơi mình phụ trách. Học sinh thi tại các trường mình học, giấy chứng nhận sẽ ghi rõ tên trường. Với kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ, Bộ nên có tiêu chí về chỉ tiêu và giao cho các trường tự tuyển sinh sẽ đỡ tốn kém hơn. Các trường tuyển sinh theo nhu cầu của mình, cũng như chủ động trong đào tạo.

Trong khi đó, theo GS. Ngô Bảo Châu thì nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp phổ thông. Bởi thực tế, đã xảy ra những biểu hiện thiếu trung thực ở kỳ thi này trong những năm gần đây. Việc kiểm tra chất lượng của học sinh dựa vào một quá trình – sẽ tốt hơn là vào một cuộc thi; học bạ, điểm học trong năm là đủ để quyết định việc lên lớp và việc tốt nghiệp.

“Việc gộp 2 kỳ thi làm một, cá nhân tôi ghi nhận sự nỗ lực của Bộ GD&ĐT trong việc bảo đảm sự trung thực của kỳ thi năm nay. So sánh với những năm trước, có thể coi đây là một thành tích đáng kể. Thế nhưng, chính việc thông báo điểm, cách chọn trường của các thí sinh, tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ gặp một số trục trặc đã gây ra tâm lý hoảng loạn ở trong thí sinh và phụ huynh. Trong những năm tới, Bộ cần cải tiến nền tảng công nghệ, phương án kỹ thuật nếu tiếp tục duy trì việc sử dụng kết quả kỳ thi quốc gia cho việc tuyển sinh ĐH, CĐ”, GS. Ngô Bảo Châu chia sẻ.

Trước những bất cập của mùa tuyển sinh năm nay, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho rằng, đây là năm đầu tiên, chúng ta tổ chức kỳ thi THPT quốc gia với 2 mục đích xét tốt nghiệp và xét tuyển vào ĐH, CĐ, vì vậy, khó có thể tránh khỏi những vướng mắc. Bộ rất chia sẻ với sự lo lắng của thí sinh và các bậc phụ huynh phải vất vả đến trường để rút, nộp hồ sơ. Tuy nhiên, việc này thực hiện ở Sở GD&ĐT sẽ an toàn và thuận lợi hơn rất nhiều. Vừa qua, đã có gần 10.000 thí sinh đến các sở GD&ĐT làm thủ tục điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển, không phải trực tiếp đến trường. Việc rút, nộp hồ sơ trong đợt xét tuyển chỉ tập trung ở một số ít trường lớn có uy tín. Thực tế, chỉ có khoảng 40 trường/tổng số hơn 400 trường ĐH, CĐ có sức hút mạnh thí sinh…

Huyền Cao (Thương hiệu & Công luận)