Vì sao,cổ phần hóa doanh nghiệp vẫn “giậm chân tại chỗ”?
Ngày 29/11/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định phê duyệt Kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước giai đoạn 2022-2025 và quyết định phê duyệt Kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước trực thuộc Bộ Y tế, UBND thành phố Hồ Chí Minh và UBND tỉnh Hải Dương đến hết năm 2025 vào ngày 20/2/2024.
Theo Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), có 30 doanh nghiệp được cổ phần hóa trong giai đoạn nêu trên; bao gồm một số doanh nghiệp lớn là Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Tổng công ty Thương mại Sài Gòn, Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn, Tổng công ty Bến Thành, Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn, Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn, Tổng công ty Văn hóa Sài Gòn... Trong năm 2023 và 7 tháng năm 2024, các đơn vị tiếp tục triển khai cổ phần hóa theo kế hoạch giai đoạn 2022-2025, song chưa có doanh nghiệp nào được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa. Như vậy, việc cổ phần hóa doanh nghiệp vẫn “giậm chân tại chỗ”.
“Việc thực hiện của cơ quan đại diện chủ sở hữu và các doanh nghiệp thuộc danh mục cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước chưa quyết liệt. Chỉ riêng việc phê duyệt phương án cổ phần hóa, xử lý các tồn tại về tài chính, sắp xếp cơ sở nhà, đất theo quy định mất khá nhiều thời gian và không đơn giản, do vừa phải bảo đảm tính khả thi của phương án, vừa bảo đảm tính đúng, tính đủ không làm thất thoát tài sản nhà nước...”, Cục Tài chính doanh nghiệp nêu ra nguyên nhân.
Đồng thời chỉ ra rằng, việc triển khai cổ phần hóa còn phụ thuộc nhiều vào tình hình thị trường. Lựa chọn thời điểm bán cổ phần hợp lý sẽ đem lại hiệu quả, bảo đảm tính khả thi, song do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 (giai đoạn 2021-2022), cũng như kinh tế thế giới bất ổn, chậm phục hồi, nên việc cổ phần hóa, thoái vốn gặp không ít khó khăn...
Cùng nhìn nhận vấn đề nêu trên, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho biết: Nguyên nhân còn bởi chưa phát huy triệt để vai trò của cơ quan quản lý trực tiếp và sự quyết liệt trong chỉ đạo, đôn đốc doanh nghiệp cổ phần hóa. Bên cạnh đó, thực tế có không ít trường hợp quá trình doanh nghiệp cổ phần hóa gây thất thoát tài sản nhà nước hoặc sau cổ phần hóa chỉ là “bình mới rượu cũ”, sản xuất, kinh doanh không hiệu quả.
Cần giải pháp mạnh mẽ để tăng tốc và hoàn thiện thủ tục liên quan
Theo Bộ Tài chính, để thúc đẩy tiến độ cổ phần hóa thì Bộ sẽ tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các cơ chế liên quan đến sắp xếp, xử lý các cơ sở nhà, đất khi cổ phần hóa. Đây là một trong những vướng mắc lớn khi xác định giá trị doanh nghiệp.
Cùng với đó, Bộ Tài chính đã đề nghị các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các thủ tục để phê duyệt phương án cổ phần hóa, theo chỉ đạo của Chính phủ.
Đối với các cơ quan đại diện chủ sở hữu, Cục Tài chính doanh nghiệp đề nghị đánh giá thận trọng khi xây dựng kế hoạch, phương án cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, bảo đảm phương án phù hợp, khả thi, không thất thoát, mất vốn, tài sản của Nhà nước.
Đặc biệt, cơ quan đại diện chủ sở hữu phải đôn đốc các doanh nghiệp báo cáo, lập phương án sắp xếp lại các cơ sở nhà, đất theo quy định để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tương tự, UBND các tỉnh, thành phố sớm có ý kiến về phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của các doanh nghiệp trung ương đóng trên địa bàn theo đề nghị của các bộ, ngành, để bảo đảm tiến độ phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất phục vụ cổ phần hóa.
Đánh giá tình hình thực tế, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng: Giải pháp khác là xử lý nghiêm trường hợp làm chậm, vi phạm quy định về cổ phần hóa; xác định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan, nhất là người đứng đầu trong cổ phần hóa doanh nghiệp.
"Phải coi việc thực hiện nhiệm vụ và kết quả sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước là một tiêu chí đánh giá tập thể, cá nhân liên quan trong thực hiện công việc được giao", ông Nguyễn Minh Phong nêu.
Cũng theo chuyên gia Đinh Trọng Thịnh, cần tăng cường công khai, minh bạch thông tin về tình hình tài chính, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước để tạo niềm tin, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trước khi cổ phần hóa, thoái vốn; đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
“Cần đánh giá lại chương trình, kế hoạch cổ phần hóa, xem những loại hình, ngành nghề nào cần thay đổi, từ đó có chương trình cổ phần hóa phù hợp và hiệu quả hơn”, ông Đinh Trọng Thịnh góp ý.
X.Hải (t/h)