Thuốc tây là hàng hóa đặc biệt, có liên quan đến tính mạng con người. Tuy nhiên, ở nhiều vùng nông thôn bà con thường... ra chợ mua thuốc và “khám” tại sạp. Đã có nhiều biến chứng xảy ra.


Cảnh mua bán thuốc Tây tại chợ Sặt

Mua rau, tiện tay… mua thuốc

Có mặt tại chợ Sặt (xã Tân Phong, Bình Giang, Hải Dương) cuối tháng 3/2014, chúng tôi bắt gặp hình ảnh người dân (chủ yếu là người già và trung tuổi) “quây kín” một “quán thuốc” của người bán tên M.

Nhiều loại thuốc được bày bán trên chiếc bàn gỗ nhỏ, cũ kỹ. Số còn lại được chủ quán đặt la liệt dưới nền đất ẩm. Không cần toa thuốc của bác sĩ, người bán và người mua trao đổi thuốc chữa bệnh như mua... bó rau.

Trong vai một người bệnh, tôi vờ hỏi mua thuốc trị đau bụng, đi ngoài, chị M. nhanh nhảu lấy ra một số viên gồm bisepton, berberin, tetracyclin, với giá 9 nghìn đồng, kèm lời dặn chia làm ba lần, uống sau bữa ăn.

Một cụ già hỏi mua thuốc tăng huyết áp, người bán cũng lấy luôn 2 hộp trafedin (thành phần chính: nifedipin) với giá 40 nghìn đồng, dặn cụ uống sau bữa ăn, mỗi bữa một viên mà không hỏi cụ thể xem cụ bị bệnh lâu chưa, huyết áp có ổn định hay cao thấp thất thường thế nào...

Hỏi thăm một số người mua thuốc tại sao không đến khám tại trung tâm y tế hoặc bệnh viện để được chữa trị an toàn, chúng tôi nhận được các câu trả lời giống hệt nhau, kiểu như: “Nhà tôi mua và uống thuốc ở đây quen rồi, hết bệnh ngay, có sao đâu, với lại thuốc ở đây rẻ hơn ở hiệu thuốc...”.

Cẩn trọng với “thuốc tây” bán ở... chợ

Dạo vòng chợ Sặt, chúng tôi thấy có hai hàng thuốc như vậy bày bán, hàng nào cũng đông “bệnh nhân” đứng mua, trong khi đó người bán không mặc áo chuyên dụng, bán thuốc theo yêu cầu... khách hàng chứ không bán thuốc theo đơn. Cách đó không xa, chợ Gọc (xã Kiến Quốc, Ninh Giang) có đến 5 - 6 hàng thuốc bán rải rác bên trong và cũng... đông khách không kém.

Cách bán hàng của các “hiệu thuốc mini” này là bán thuốc theo nhu cầu người mua hoặc người mua trình bày tình trạng sức khỏe, sau đó người bán sẽ lấy thuốc mà không hỏi bệnh nhân đã từng khám chữa ở đâu, tiền sử có mắc bệnh gì, có bị đau dạ dày, tăng huyết áp, đái tháo đường,... hay không.

“Gốc rễ” của thuốc không rõ nguồn gốc

Trong thời gian qua, trên phạm vi cả nước đã có tình trạng người dân mua, sử dụng những loại thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc, trong đó, nguy hiểm nhất là đã xảy ra các hiện tượng ngộ độc, dị ứng thuốc. Thuốc giả có “thị trường tiêu thụ” mạnh nhất chính là ở những “tiệm thuốc” tràn lan kiểu này, trong khi cơ quan quản lý chưa kiểm soát hết...

Còn nhớ năm ngoái, chị Trần Thị Diễm Phương (SN 1973, ngụ P.3, Q.8, TP.HCM) làm nghề bán cá, tình cờ gặp một người "đặt hàng" gia công một số loại tân dược giả và sẽ trả công hậu hĩnh. Sau đó người này hướng dẫn cho Phương cách làm 2 loại tân dược giả hiệu k-cort và hiệu bar, đồng thời cung cấp toàn bộ máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu để Phương thực hiện. Phương bỗng dưng trở thành "dược sĩ".

Mỗi tuần, xưởng "sản xuất" của Phương cho ra "lò" từ 900 - 1.500 hộp. Thuốc được người đặt hàng đem đi khắp các vùng miền tiêu thụ. Sau khi thành công với 2 loại tân dược giả trên, Phương còn “mở rộng sản xuất” các loại tân dược: di-antalvic, docecavit, fugaca, nimis... và đã bị cơ quan CSĐT Công an TP.HCM (PC 46) phát hiện, bắt giữ.

Rồi lại đến vụ sản xuất tân dược giả của Trịnh Thị Kim Ngân (SN 1980, phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân). Khác với Phương, Ngân tự tìm mua các loại tân dược giá rẻ, sau đó đem về tráo vỏ, tráo ruột để "lên đời" thành loại tân dược có giá trị cao để tiêu thụ. Thuốc kháng viêm thì Ngân "sản xuất" từ thuốc bổ tổng hợp, thuốc kháng sinh thì chế biến từ viên nang con nhộng amoxicillin... Ngân cũng đã bị công an bắt và xử lý.

Không còn là cảnh báo

Hàng ngày, BV Tai Mũi Họng Trung ương phải tiếp nhận hàng trăm ca cấp cứu, khám và điều trị bệnh, đặc biệt, có đến 60% trong số này mua và dùng thuốc mà không cần có đơn của bác sĩ.

Chị Nguyễn Hoàng Y. (Hà Nội) thấy con trai bị ho kéo dài, đã tự ý mua thuốc và thuê người tiêm cho con mình. Sau một thời gian dài điều trị theo cách này, tình trạng của con chị vẫn không có dấu hiệu thuyên giảm, thậm chí bệnh tình còn diễn biến nặng hơn, nôn, ho, tiêu chảy kéo dài. Chỉ khi ấy, mẹ con chị mới chịu đến BV Tai Mũi Họng Trung ương để các bác sĩ điều trị.

Còn chị Đoàn Hồ Đ. (Chí Linh, Hải Dương) cũng theo thói quen ra quầy thuốc trong chợ gần nhà để “khám, chữa” cho con trai bị đau chân. Được tư vấn một loại kháng viêm, nhưng cháu bị biến chứng phải lên BV chữa trị vì dùng thuốc chỉ dành cho người lớn.

Theo BS. Nguyễn Tuyết Mai, Trưởng khoa Khám bệnh, BV Tai Mũi Họng Trung ương, khi dùng thuốc tùy tiện có thể gặp phải những tác dụng phụ, gây ảnh hưởng đến sự phát triển của cơ, xương, khớp hoặc có những thuốc có thể ảnh hưởng đến dạ dày, chảy máu dạ dày. Ngoài ra, khi dùng những thuốc tim mạch có thể ảnh hưởng đến nhịp tim, về lâu dài có thể gây nên suy thận.

Những trường hợp tự ý mua và sử dụng thuốc đang diễn ra khá phổ biến trong cuộc sống hàng ngày. Thói quen kể bệnh, mua thuốc dễ dãi cũng như tự “kê đơn, bán thuốc” khá tùy tiện của chủ quầy thuốc khiến cho không ít người lâm vào tình cảnh tiền mất bệnh nặng thêm.

Theo Sức khỏe và Đời sống