Báo cáo tại cuộc họp về tiến độ thực hiện dừng, chấm dứt hoạt động và giải tỏa bến bãi trong 6 tháng đầu năm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương Lương Văn Cảnh cho biết, kết quả bến bãi dừng, chấm dứt hoạt động, xử lý vi phạm tồn tại đạt tỷ lệ chưa cao.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, UBND các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh chủ trì, phối hợp các Sở, ngành, đơn vị liên quan thực hiện rà soát, tổng hợp, phân loại, lập danh mục bến bãi trên địa bàn.

Đến nay, còn 60 bến bãi không phù hợp quy hoạch vẫn chưa chấm dứt hoạt động (nhiều nhất là Kinh Môn với 29 bến bãi, Tứ Kỳ 10 bến bãi, Ninh Giang 8 bến bãi); còn 7 bến bãi không phù hợp quy hoạch nhưng có thủ tục pháp lý chưa dừng, chưa thực hiện thu hồi thủ tục liên quan.

Một bãi tập kết, kinh doanh vật liệu xây dựng sai quy định tại xã Thanh Quang, huyện Nam Sách
Một bãi tập kết, kinh doanh vật liệu xây dựng sai quy định tại xã Thanh Quang, huyện Nam Sách

Hiện còn 158 bến bãi phù hợp quy hoạch, chưa đủ thủ tục pháp lý vẫn hoạt động. Các bến bãi hoạt động vi phạm chất tải vật liệu khối lượng lớn, chưa giải tỏa trong mùa lũ năm 2024 tập trung tại địa bàn thị xã Kinh Môn, huyện Kim Thành, thành phố Hải Dương. Các bến bãi còn vi phạm tồn tại chủ yếu gồm 131 trường hợp tồn tại vi phạm lĩnh vực đầu tư, 152 trường hợp tồn tại vi phạm lĩnh vực đất đai, 112 trường hợp tồn tại vi phạm lĩnh vực môi trường, 306 trường hợp tồn tại vi phạm lĩnh vực đê điều, thủy lợi, 192 trường hợp vi phạm lĩnh vực giao thông, 5/10 bến bãi tồn tại vi phạm lĩnh vực khác.

Liên quan đến việc quản lý, xử lý các bến bãi, ông Lưu Văn Bản, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương yêu cầu việc xử lý bến bãi vi phạm không được triển khai một chiều mà phải xem xét, cân nhắc dựa trên nhiều điều kiện, yếu tố, nhằm bảo đảm không thất thoát tài sản nhà nước và bảo vệ lợi ích hợp pháp của chủ bến bãi. Những bến bãi tồn tại không phù hợp với mục tiêu phát triển của địa phương cần kiên quyết xử lý, giải tỏa.

Trái ngược với những chỉ đạo quyết liệt từ lãnh đạo UBND tỉnh, trên địa bàn xã Thanh Quang của huyện Nam Sách và phường Cẩm Thượng, thành phố Hải Dương vẫn còn tình trạng tập kết vật liệu xây dựng tại hành lang thoát lũ trong mùa mưa bão. Chỉ cần đi dọc tuyến đê của sông Kinh Thầy, sông Thái Bình không khó để nhận thấy nhiều công trình xâm phạm pháp luật đê điều.

Mặc dù đang mùa mưa bão nhưng bãi tập kết cát vẫn chất cao nhiều mét.
Mặc dù đang mùa mưa bão nhưng bãi tập kết cát vẫn chất cao nhiều mét.

Đáng lo nhất là các công trình ảnh hưởng đến công tác phòng, chống thiên tai, tiềm ẩn nguy cơ sạt lở bờ, bãi sông, công trình bảo vệ bờ và gây ô nhiễm môi trường khu vực lân cận. Một số địa phương còn để xảy ra tình trạng đổ đất thải san lấp mặt bằng, lấn chiếm lòng sông, đóng cọc cừ thép, đắp bờ quây sát mét bờ sông, gây cản trở trực tiếp đến dòng chảy, thoát lũ…

Sau những ngày khảo sát thực địa tại khu vực bến bãi ngoài đê sông Kinh Thầy, sông Thái Bình trên địa bàn xã Thanh Quang, huyện Nam Sách và phường Cảm Thượng, thành phố Hải Dương, chúng tôi nhận thấy, nhiều khu đất bãi ven sông được kè lấn ra lòng sông để làm bến đỗ cho các con tàu cát, lập nên bến thủy nội địa, trên bờ sông trở thành nơi tập kết cát, đá và trung chuyển đi các công trình trong khu vực. Dưới sông các tàu tấp nập “nhả” cát, đá để trên bờ các đoàn xe xếp hàng nhận cát, đá chở đi tới nhiều công trình tại tỉnh Hải Dương.

Theo danh sách thống kê, trên địa bàn xã Thanh Quang có 6 bến bãi tập kết vật liệu xây dựng, bãi than và bốc xếp hàng hóa bao gồm: Bãi bốc xếp hàng hóa của Công ty cổ phần An Minh; bãi tập kết than của 3 công ty là Công ty cổ phần Tùng Lộc, Công ty TNHH Hưng Thịnh Phát và Công ty TNHH MTV sản xuất thương mại Hoành Sơn. Bãi tập kết vật liệu xây dựng của Doanh nghiệp tư nhân Thanh Tùng và hộ kinh doanh của bà Nguyễn Thị Liền.

Qua quan sát, bên bờ sông Kinh Thầy, điểm cách không xa khu dân cư là nơi tập kết rất nhiều xe ô tô có trọng tải lớn. Các xe nối đuôi nhau vào lấy cát được múc từ các tàu neo đậu dưới lòng sông Kinh Thầy. Sau khi “ăn hàng” xong, những chiếc xe tải trọng này nối đuôi nhau chạy rầm rập trên bờ đê sau đó đi xuyên qua khu dân cư để ra Quốc lộ 37.

“Xe chở vật liệu chạy ngày, chạy đêm qua khu dân cư với tần suất liên tục khiến chúng tôi vô cùng bất an vì nỗi lo mất an toàn giao thông và ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, mỗi ngày có hàng trăm lượt xe tải hạng nặng như thế thì khiến con đường dân cư của chúng tôi nhanh chóng bị tan nát”, một người dân xã Thanh Quang bức xúc nói.

Bất chấp biển cấm mùa mưa bão nhưng nhiều điểm kinh doanh vật liệu xây dựng vẫn ngang nhiên hoạt động
Bất chấp biển cấm mùa mưa bão nhưng nhiều điểm kinh doanh vật liệu xây dựng vẫn ngang nhiên hoạt động. Ảnh: Ngọc Linh

Có thể thấy, hệ thống đê được xây dựng qua nhiều thời kỳ với phương pháp, vật liệu khác nhau nên tiềm ẩn trong thân đê rất nhiều điểm xung yếu như: tổ mối, rỗng thân đê, vật liệu đắp đê không đồng nhất…, dẫn đến việc rất nhiều khu vực đê xung yếu có nguy cơ bị thẩm thấu, đùn sủi, sạt trượt trong mùa mưa bão. Chính vì vậy, trên tuyến đê Hữu sông Kinh Thầy, cơ quan chức năng đã cho cắm biển giới hạn trọng tải 12 tấn, tuy nhiên, đa phần những chiếc xe tải chở vật liệu xây dựng đều có dấu hiệu quá tải so với giới hạn tải trọng của mặt đê.

Theo quy định, thời điểm mùa mưa lũ từ ngày 15/6 - 30/10, các bến bãi phải dừng hoạt động, di dời máy móc, thiết bị. Tuy nhiên, tại đây nhiều bến bãi vẫn tập kết, kinh doanh vật liệu xây dựng, xe quá tải trọng đi trên mặt đê thì trước hết thuộc trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có bến bãi, phương tiện vận tải và tiếp đến là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền xã Thanh Quang và huyện Nam Sách vẫn chưa quyết liệt chỉ đạo, xử lý nghiêm tình trạng vi phạm pháp luật về đê điều. Bên cạnh đó, là trách nhiệm quản lý nhà nước của Hạt quản lý Đê điều khi các tổ chức, cá nhân vẫn tập kết, kinh doanh vật liệu xây dựng ven sông trong mùa mưa bão.

Không chỉ trên địa bàn huyện Nam Sách, ngay trên địa bàn phường Cẩm Thượng, thành phố Hải Dương cũng vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều và phòng chống thiên tai trong mùa mưa lũ.

Hàng loạt công trình sai phạm của Cty Phượng Hoàng đe doạ sự an toàn tuyến đê sông Thái Bình
Hàng loạt công trình sai phạm của Công ty Phượng Hoàng đe doạ sự an toàn tuyến đê sông Thái Bình. Ảnh: Ngọc Linh

Theo ghi nhận của phóng viên, cách khu vực chân cầu Hàn, đoạn qua phường Cẩm Thượng, thành phố Hải Dương, hàng loạt các hoạt động sản xuất, kinh doanh với diện tích sử dụng đất lên đến hàng chục nghìn m2 nằm ngoài đê sông Thái Bình của Công ty cổ phần Xây dựng và Thương mại Phượng Hoàng (Công ty Phượng Hoàng) như: Tập kết vật liệu xây dựng, sản xuất bê tông thương phẩm, gạch với công suất lớn... vẫn hoạt động rầm rộ.

Hoạt động tại Công ty Phượng Hoàng đã và đang diễn ra trong suốt mùa mưa bão, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, sức khỏe người dân tại khu vực cũng như tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông khi mỗi ngày có tới hàng chục lượt xe trộn bê tông, xe tải di chuyển qua các khu dân cư, trường học.

Bên cạnh đó, các xe bê tông của Công ty Phượng Hoàng còn có dấu hiệu hoạt động vận tải quá khổ quá tải dù ngay trên tuyến đê sông Thái Bình các biển báo trọng tải 12 tấn được đặt ở vị trí rất dễ nhìn thấy, nhưng các xe trộn bê tông, xe tải chở vật liệu xây dựng của Công ty Phượng Hoàng vẫn “ung dung” hoạt động.

Liên quan đến vi phạm này, ngày 18/6/2024, UBND phường Cẩm Thượng đã lập biên bản kiểm tra về giải tỏa vật cản lấn chiếm bãi sông, lòng sông và hoạt động khai thác khoáng sản trong mùa mưa, lũ đối với Công ty cổ phần Xây dựng và Thương mại Phượng Hoàng. Theo đó, tại thời điểm kiểm tra, bãi tập kết vật liệu xây dựng, sản xuất bê tông thương phẩm vẫn hoạt động. Ngay sau đó, UBND phường Cẩm Thượng đã làm văn bản báo cáo lên UBND thành phố Hải Dương xem xét và cho ý kiến chỉ đạo.

Cần kiên quyết xử lý đối với những công trình vi phạm về hành lang thoát lũ trong dịp mưa bão
Cần kiên quyết xử lý đối với những công trình vi phạm về hành lang thoát lũ trong mùa mưa bão. Ảnh: Ngọc Linh

Trước đó, Công ty cổ phần Xây dựng và Thương mại Phượng Hoàng đã bị Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hải Dương chỉ ra hàng loạt sai phạm. Cụ thể, Công ty Phượng Hoàng sử dụng 57.499,5m2 đất ngoài ranh giới được UBND tỉnh cho thuê nằm trên địa bàn 2 phường Cẩm Thượng và Việt Hòa. Trong đó, 15.114m2 đất được Công ty Phượng Hoàng thực hiện xây dựng các công trình như trạm trộn bê tông nhựa, nhà điều hành, nhà ăn, xưởng sửa chữa, băng tải, lán tôn, trạm trộn, lán xe, trạm sàng, trạm xăng dầu, mố cẩu, vật liệu xây dựng và 42.385,5m2 đất hiện trạng tại thời điểm đo đạc chỉ là mặt bằng, không có công trình xây dựng, lắp đặt hoặc tập kết nguyên vật liệu.

Bên cạnh đó, Công ty Phượng Hoàng cũng chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với phần diện tích đất sử dụng vượt ranh giới được thuê.

Hiện nay, tình trạng vi phạm pháp luật về đê điều vẫn tiếp tục diễn ra, những hành vi lấn chiếm hành lang bảo vệ đê, không gian thoát lũ ở bãi sông, lòng sông, tình trạng xe quá tải trọng đi trên đường đê làm hệ thống đường đê hư hỏng, xuống cấp. Chính vì vậy, hơn lúc nào hết, các ngành, các cấp của tỉnh Hải Dương cần tăng cường công tác kiểm tra, rà soát để kịp thời phát hiện các trường hợp vi phạm, cố tình hoạt động trái phép hoặc chây ỳ thực hiện các yêu cầu về an toàn đê điều, kiên quyết thu hồi đối với diện tích đất bãi sông sử dụng sai mục đích, vi phạm pháp luật đê điều, đất đai, xây dựng để phòng ngừa nguy cơ mất an toàn mùa mưa lũ, bảo vệ an toàn cuộc sống của nhân dân.

Nghị định số 03/2022/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai; thủy lợi; đê điều quy định 02 hình thức xử lý vi phạm chính là cảnh cáo và phạt tiền; 02 hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn và tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Mức xử phạt vi phạm hành chính tối đa là 50.000.000 đồng đối với lĩnh vực phòng, chống thiên tai; 100.000.000 đồng đối với lĩnh vực đê điều và 250.000.000 đồng đối với lĩnh vực thủy lợi.

Thiên Trường