Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Người nhà thông tin, bệnh nhân nghịch pháo không rõ nguồn gốc ở tại nhà, pháo nổ vào tay trái, dập nát bàn tay. Ngay sau tai nạn, bệnh nhi K đã được người nhà đưa đến bệnh viện huyện xử trí giảm đau, băng bó vết thương và chuyển lên Bệnh viện Nhi Thái Bình trong tình trạng: vết thương hở bàn tay trái, tổn thương lộ xương, dập nát toàn bộ phần mềm ngón II, mất da nhiều vị trí bẩn khói thuốc nổ, vết thương đầu xa ngón I, 2 vết thương lòng bàn tay, mỗi vết 2 cm, lộ xương ngón trỏ bàn tay trái. Bệnh nhi đã được xử trí cắt lọc tổ chức dập nát, làm sạch vết thương, khâu vết thương hở, tháo bỏ đốt giữa và đốt xa ngón II và tạo mỏm cụt để bảo tồn tối đa chức năng của bàn tay. Sau phẫu thuật, hiện nay tình trạng sức khỏe của người bệnh đã dần bình phục và đang được tiếp tục điều trị.

 Trên thực tế đã có nhiều trường hợp tử vong hoặc phải chịu thương tật suốt đời do pháo nổ tự chế, Bác sỹ Bệnh viện Nhi Thái Bình khuyến cáo: người dân cần chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng pháo nổ, không tự ý chế tạo thuốc nổ, pháo nổ, gây nguy hại cho bản thân và xã hội. Ngày Tết, trẻ em được nghỉ học dài, dễ đối diện với nguy cơ bị tai nạn thương tích. Trong đó, tai nạn pháo nổ rất dễ gặp phải, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng của trẻ cũng như những người xung quanh. Các bậc phụ huynh cần nâng cao cảnh giác và quản lý trẻ chặt chẽ tại nhà. Đồng thời gia đình và nhà trường cần có biện pháp giáo dục, phòng ngừa, nghiêm cấm trẻ em không được tự chế, sử dụng các loại pháo nổ.

 Nếu không may xảy ra tai nạn, cần nhanh chóng đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được xử trí, điều trị đúng cách, tránh nhiễm trùng và các biến chứng, thương tật phát sinh về sau.

Hoàng Thía