Du lịch đi đến đâu môi trường biển bị ảnh hưởng đến đó, nhiều ngư dân mất sinh kế khi ven biển được quy hoạch làm du lịch. Làm sao để canh tác, tận dụng những ao, đìa ven biển đang bỏ hoang vì ô nhiễm môi trường, tổ chức chuyển dịch nuôi trồng, làm tăng giá trị cho sản phẩm nông nghiệp? Tại tỉnh Khánh Hòa, thời gian gần đây xuất hiện những mô hình trồng rong nho trong ao, đìa ven biển kết hợp du lịch tại chỗ rất hiệu quả.
Nói về câu chuyện đưa rong nho Việt Nam ra thị trường thế giới, xin ông cho biết đã bén duyên với rong nho từ khi nào?
Ông Nguyễn Quang Duy: Khi gặp sản phẩm rong nho tôi đã rất mê và từ đó thấy được định hướng phát triển của rong nho và rong biển của Việt Nam nói chung, của Khánh Hòa nói riêng. Tôi nhận thấy đây sản phẩm có thể hướng đến tương lai, bởi những năm gần đây nghề nuôi biển nước ta được định hình rõ ràng, được đầu tư bài bản. Khánh Hòa là một trong những tỉnh duyên hải miền Trung, là mỏ vàng để khai thác tiềm năng, lợi thế kinh tế biển và có thị trường rất lớn.
Chúng tôi trồng rong biển nhắm đến mục tiêu phát triển thêm trên thị trường mới, trong đó ngoài sản xuất xanh, sạch phải đảm bảo được vấn đề môi trường.
Ông đã chuẩn bị như thế nào để đưa sản phẩm rong biển made in Việt Nam vào các thị trường lớn?
Ông Nguyễn Quang Duy: Vào sân chơi lớn chúng ta phải thay đổi tư duy, cách làm. Ngoài vấn đề đầu tư thiết bị công nghệ phải có tư duy đổi mới về sáng tạo, về chế biến như thế nào,... Chúng ta phải đưa khoa học kỹ thuật vào, xuất khẩu đi các nước trên thế giới để thương hiệu made in Việt Nam lan tỏa.
Chúng tôi có định hướng rất rõ ràng, đưa anh em đi học, xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư mua sắm nhiều thiết bị hiện đại để thay thế dần dần cho con người, tạo ra các sản phẩm tốt hơn và cạnh tranh sòng phẳng với những nước tiên tiến. Khi đưa ra sản phẩm phải có đầy đủ những giấy chứng nhận chất lượng, để đáp ứng yêu cầu của thị trường nước bạn cũng như toàn cầu một cách nhanh nhất.
Năm vừa qua, chúng tôi đi rất nhiều nước cùng với các đoàn của UBND tỉnh, của Bộ NN&PTNT để xúc tiến thương mại. Qua đó nhận thấy, chúng ta đang có nhiều thiếu sót cần cải tiến để sản phẩm đạt chất lượng, hạn chế đưa chất bảo quản vào trong sản phẩm, hướng về thức uống sạch. Cùng với đó là cách tổ chức bán hàng, đào tạo chuyên gia, nhà khoa học chúng ta làm cũng chưa chuyên nghiệp.
Ông có thể nói rõ hơn mối quan hệ liên kết, giữa Công ty CP Rong biển DT Khánh Hòa do ông làm chủ với bà con nông dân?
Ông Nguyễn Quang Duy: Hiện nay, chúng tôi đang hợp tác 75 hộ dân trải dài ở 3 tỉnh là Khánh Hòa, Phú Yên, Ninh Thuận với tổng diện tích 75 ha mặt nước biển. Sắp tới, chúng tôi sẽ chuyển dịch cơ cấu vật nuôi, chuyển những ao đìa bỏ hoang, hư hỏng sang nuôi rong biển này; chuyển từ ốc hương, tôm hùm sang nuôi rong biển. Điều đáng mừng 3 năm trở đây, chúng tôi đã nghiên cứu cho ra đời khoảng 10 sản phẩm từ rong biển, là điểm sáng của nông nghiệp tỉnh.
Trước kia, chúng tôi chỉ có thể lấy các sản phẩm loại 1, loại 2 rong tươi để xuất khẩu, còn loại 3 đến loại 5, loại 6 phải bỏ. Bây giờ, chúng tôi mua hết toàn bộ các loại sản phẩm, chính vì thế bà con không bỏ phí, mỗi tháng, thay vì bà con kiếm được 15 triệu đồng nay kiếm thêm 5 triệu đồng. Những sản phẩm đó chúng tôi làm thạch rong nho, snack rong nho, atiso rong nho... Từ đó, bình quân 1 ha, bà con có thu nhập khoảng 35 triệu đồng tiền lãi/tháng.
Tổng diện tích nuôi trồng rong, tảo biển của Việt Nam hiện khoảng 16.500 ha, sản lượng 150.000 tấn/năm, trong đó, rong nho chiếm khoảng 10% sản lượng. 10 năm qua, rong nho của tỉnh Khánh Hòa đã có mặt tại thị trường nhiều nước như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc...
Trong đó, những thị trường như Hàn Quốc, Mỹ rất ưa chuộng. Rong nho đã giúp nông dân có thu nhập ổn định, bền vững hơn. Rong nho không chỉ xuất khẩu, tạo việc làm cho ngư dân ven biển mà còn là sản phẩm du lịch độc đáo.
Lâu nay chúng ta hay dành những sản phẩm tốt để xuất khẩu, vậy ông có bao giờ suy nghĩ, hãy dành những sản phẩm tốt cho việc tiêu thụ trong nước?
Ông Nguyễn Quang Duy: Không những chúng ta sản xuất những sản phẩm tốt phục vụ xuất khẩu, lấy ngoại tệ mà phải nghĩ đến việc bán tại chỗ. Những năm gần đây chúng tôi thấy rằng, cứ làm tốt không nhất thiết phải xuất đi mới bán được hàng, phải cộng hưởng với du lịch để nâng cao giá trị sản phẩm, qua đó bà con nông dân đỡ khổ hơn.
Ví dụ, 1 kg rong nho giá 100.000 đồng, xuất nước ngoài bán được 150.000 đồng, nếu đưa vào bán cho khách du lịch trong và ngoài nước có lúc đến 170.000 đồng. Chúng ta trực tiếp đưa đến người tiêu dùng các sản phẩm xanh, sạch, vừa có sản phẩm cho du lịch, vừa cho doanh nghiệp gia tăng lợi nhuận, đưa đến người tiêu dùng sản phẩm tốt, quảng bá không mất tiền thông qua kênh nông nghiệp kết hợp du lịch. Lúc đó chúng ta mới nghĩ, mới nhắm đến việc thương hiệu Việt Nam lan tỏa khắp toàn cầu.
Trân trọngcảm ơn ông!
Rong nho là một loại tảo biển, có hình dạng giống như chùm nho và còn được mệnh danh là trứng cá muối xanh (caviar hay trứng cá muối). Rong nho được khai thác và sử dụng như một loại rau xanh, có giá trị dinh dưỡng cao hơn nhiều so với các loại rau củ thông thường.
Mùi vị của rong nho khá giống với rong tươi và nước muối. Rong nho có chứa một số hoạt chất như caulerpicin và caulerpin, giúp kích thích ngon miệng và mang lại hiệu quả chữa bệnh.
Rong nho thường được phân bố tự nhiên ở các khu vực biển Đông Nam Á, Nhật Bản và một số đảo ở khu vực Thái Bình Dương. Vào năm 2006, rong nho đã được các nhà khoa học ở Nha Trang tìm thấy ở đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận.
Loại rong nho này lại có kích thước nhỏ hơn so với loại rong nho được tìm thấy ở Nhật Bản và Philippines. Do nhu cầu sử dụng nhiều nên rong nho tự nhiên trở nên khan hiếm, người ta quyết định trồng rong nho để thu hoạch và cung cấp rộng rãi trên thị trường.
Ở Việt Nam, giống rong nho Nhật đã được trồng ở Hòn Khói, Khánh Hòa, Đông Hà và Hải Ninh. Rong nho chứa nhiều khoáng chất và vitamin C, là món tráng miệng đồng thời cũng là món ăn vặt hấp dẫn đối với các bạn trẻ và kể cả người lớn tuổi.
PV/Theo VOV.vn