Quá trình phát triển của thương hiệu Quảng Tây – Ba Vì
Công ty Cổ phần Quảng Tây (Công ty Quảng Tây) tiền thân là Công ty TNHH Quảng Tây (ĐKKD số: 0302000846 do Sở kế hoạch và đầu tư tỉnh Hà Tây cấp ngày 27/4/2004. Đến ngày 15/5/2008, thì chuyển đổi thành Công ty Cổ phần Quảng Tây (ĐKKD số: 0303001212 do Sở kế hoạch và đầu tư tỉnh Hà Tây cấp) và đăng ký thay đổi lần thứ 5 số: 0500448784 do Sở kế hoạch và đầu tư TP Hà Nội ngày 28/2/2017 với mức vốn điều lệ lên đến 500 tỷ đồng, các ngành nghề kinh doanh gồm: Khai thác khoáng sản, cát sỏi, sản xuất sản phẩm từ gỗ, bê tông, đóng tàu, thuyền, thu gom xử lý rác thải, cấp thoát nước, xây dựng nhà ở, hoàn thiện công trình xây dựng,…
Kể từ khi được thành lập, Công ty Quảng Tây đã tham gia xây dựng nhiều công trình với nhiều lĩnh vực khác nhau như: Xây dựng hạ tầng giao thông, thuỷ lợi, công trình phúc lợi,... Qua nhiều năm xây dựng và phát triển, hệ sinh thái Quảng Tây đã từng bước xây dựng được đội ngũ cán bộ kỹ sư có năng lực và giàu kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực, có đội ngũ công nhân kỹ thuật lành nghề, trang thiết bị thi công phong phú, đa dạng với nhiều chủng loại máy móc khác nhau đảm bảo đáp ứng điều kiện thi công các công trình từ đơn giản đến phức tạp. Từng bước công ty đã tạo dựng được thị trường ổn định, có uy tín đối với các chủ đầu tư trong và ngoài nước phù hợp với sự đổi mới, phát triển theo đường lối lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.
Theo tìm hiểu của phóng viên, ban đầu, Công ty Quảng Tây có người đại diện pháp luật là ông Nguyễn Thế Sáng – Người đã sáng lập ra Công ty nước sạch Ba Vì và Phòng khám Đa khoa Quảng Tây, nhân vật được xem là “linh hồn” của Công ty Quảng Tây từ rất nhiều năm về trước cho đến bây giờ. Nhắc đến ông Nguyễn Thế Sáng, giới doanh nhân trên địa bàn huyện Ba Vì không còn quá xa lạ bởi vị doanh nhân này là một trong số những người tiên phong trong hoạt động cung cấp thiết bị và khai thác vàng, cát, sỏi dọc trên địa phận huyện Ba Vì. Sau này, trong quá trình phát triển, ông Nguyễn Thế Sáng đã chuyển giao vai trò người đại diện pháp luật của Công ty Quảng Tây sang người em trai là ông Nguyễn Thế Sang (Chủ tịch hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc của Công ty Quảng Tây theo đăng ký kinh doanh hiện tại).
Con đường “bứt phá” của Công ty Quảng Tây chỉ thực sự bắt đầu từ năm 2015, khi UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định số 6439/QĐ-UBND ngày 27/11/2015 về việc thu hồi 20ha đất tại bãi nổi sông Hồng, đoạn thuộc địa bàn thị trấn Tây Đằng, huyện Ba Vì để giao Công ty cổ phần Quảng Tây khai thác cát làm vật liệu san lấp với thời gian là 10 năm.
Tuy vậy, trước những khó khăn của ngành khai thác khoáng sản, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực này nói chung cũng như công ty Quảng Tây nói riêng cũng đã dần chuyển mình để “lấn sân” sang lĩnh vực mới đó là thi công xây dựng công trình. Từ đây, tận dụng những lợi thế sẵn có, Công ty CP Quảng Tây đã và đang tạo dựng được những kết quả tích cực thông qua những “con số” ấn tượng.
Cụ thể, tính tới thời điểm ngày 31/12/2023, Công ty Quảng Tây có tài sản ngắn hạn đạt hơn 632 tỷ đồng (trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền là hơn 190 tỷ đồng; các khoản phải thu ngắn hạn là hơn 208 tỷ đồng, hàng tồn kho đạt hơn 229 tỷ đồng và tài sản ngắn hạn khác là hơn 4,3 tỷ đồng).
Công ty Quảng Tây cũng có tài sản dài hạn ước đạt hơn 106 tỷ đồng (trong đó, tài sản cố định đạt hơn 70 tỷ đồng, bất động sản đầu tư đạt gần 22,5 tỷ đồng, đầu tư tài chính dài hạn đạt hơn 13,7 tỷ đồng và tài sản dài hạn khác đạt hơn 302 triệu đồng).
Như vậy, tổng tài sản của Công ty Quảng Tây tính tới ngày 31/12/2023, ước đạt 738,7 tỷ đồng (tăng gần 14 tỷ đồng so với con số đầu năm 2023).
Anh Thắng