Phát biểu ý kiến khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, chuyển đổi số đã trở thành xu thế tất yếu, yêu cầu khách quan và lựa chọn chiến lược của nhiều quốc gia. Tại Việt Nam, chuyển đổi số đã đến “từng ngõ, từng nhà, từng người”. Nhiệm vụ quan trọng hiện nay của chúng ta như thúc đẩy tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, thúc đẩy các động lực tăng trưởng cũ, khai phá các động lực tăng trưởng mới, các ngành mới nổi… đều có quan hệ mật thiết đến chuyển đổi số. Đề án 06 được xác định là nhiệm vụ then chốt, quan trọng và là một trong những “điểm sáng”, “mô hình hay” của chuyển đổi số quốc gia
Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo, triển khai đồng bộ các giải pháp để thực hiện ngày càng hiệu quả, thiết thực công cuộc chuyển đổi số quốc gia; đẩy mạnh chuyển đổi số trên hầu hết các lĩnh vực; tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách nhằm thúc đẩy phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, công dân số. Đồng thời, tổ chức triển khai quyết liệt Đề án 06 từ Trung ương đến cơ sở, được người dân, doanh nghiệp đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao; góp phần thay đổi phương thức quản lý và nâng cao chất lượng, hiệu quả trong quản lý công dân; tiết kiệm thời gian, công sức; tạo nền tảng quan trọng để triển khai các dịch vụ công trực tuyến.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu ý kiến tại phiên họp. |
Tuy nhiên, để hoàn thành các mục tiêu của Chương trình Chuyển đổi số quốc gia và Đề án 06, phía trước chúng ta còn rất nhiều việc phải làm; còn có một số việc đề ra nhưng chậm tiến độ; có những việc chúng ta nhìn thấy “nguy cơ” khó có thể hoàn thành nếu không chỉ đạo quyết liệt, kiên trì, nhất quán, đồng bộ từ Trung ương đến cơ sở. Để tiếp tục thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chuyển đổi số quốc gia và triển khai Đề án 06, thời gian tới, Thủ tướng đề nghị các đại biểu cùng nhau thảo luận, phân tích, đánh giá những nội dung sau:
Thứ nhất, đánh giá thẳng thắn, rõ ràng, khách quan, minh chứng bằng số liệu cụ thể việc triển khai thực hiện Kế hoạch hành động năm 2024 và những kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm 2024.
Thứ hai, nhận diện các tồn tại, hạn chế, yếu kém, vướng mắc, rào cản, điểm nghẽn, nhất là về thể chế, cơ chế, chính sách; chỉ rõ những nội dung còn chậm tiến độ (thuộc trách nhiệm của bộ, ngành, địa phương, đơn vị nào). Đồng thời, xác định nguyên nhân, rút ra các bài học kinh nghiệm.
Đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương tham dự Phiên họp. |
Thứ ba, chia sẻ những kinh nghiệm hay, bài học quý, cách làm sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành và tổ chức thực hiện (phát triển hạ tầng số; cung cấp dịch vụ công trực tuyến; phát triển cơ sở dữ liệu quốc gia, kết nối chia sẻ thông tin, hình thành dữ liệu lớn; đào tạo và phát triển nhân lực; các mô hình, cách làm hay của một số bộ, ngành, địa phương...).
Thứ tư, xác định rõ các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm mang tính đột phá thời gian tới? Đẩy mạnh phát triển kinh tế số như thế nào để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội nói chung? Đẩy mạnh xây dựng, kết nối, tích hợp, chia sẻ các nền tảng số và cơ sở dữ liệu? Vấn đề bảo đảm an ninh, an toàn trên môi trường mạng? Vấn đề tăng hiệu quả sử dụng dịch vụ công trực tuyến của người dân? Đẩy mạnh cắt giảm các thủ tục hành chính, chi phí tuân thủ?…).
Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông báo cáo tại phiên họp. |
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, về tình hình chuyển đổi số quốc gia 6 tháng đầu năm 2024, đối với dịch vụ công trực tuyến: Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình (trên tổng số hồ sơ thủ tục hành chính) cả nước đạt 42% (cuối năm 2023 là 17%); bộ, ngành đạt 61% (cuối năm 2023 là 38%); địa phương đạt 17% (cuối năm 2023 là 9%). Kinh tế số 6 tháng đầu năm ước đạt tăng trưởng 22,4% và tỷ trọng kinh tế số trong GDP ước đạt 18,3%. Doanh thu lĩnh vực công nghệ thông tin (kinh tế số ICT) tăng trưởng 26% so cùng kỳ năm 2023. Tốc độ tăng trưởng doanh số trên sàn giao dịch bán lẻ trực tuyến tăng 80% so cùng kỳ năm 2023. Số lượng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tăng 8% so cùng kỳ.
Về quản trị số: Lần đầu tiên sau hơn 20 năm, việc giám sát, đo lường DVC trực tuyến được thực hiện tự động, online; hệ thống giải quyết thủ tục hành chính được thực hiện đánh giá chất lượng online. Lần đầu tiên Việt Nam đo lường chất lượng mạng viễn thông di động và băng rộng cố định trực tuyến bằng công cụ Make in Vietnam. Giao dịch chia sẻ dữ liệu giữa các nền tảng, hệ thống thông tin qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia 6 tháng đầu năm tăng mạnh 67% so cùng kỳ năm 2023.
Về kết quả thực hiện các chỉ tiêu theo Kế hoạch hoạt động của Ủy ban Quốc gia năm 2024: Phát triển doanh nghiệp công nghệ số đạt 50.350 doanh nghiệp/mục tiêu 48.000 doanh nghiệp (đạt tỷ lệ 104,9%). Triển khai dịch vụ công thiết yếu: 43/53 dịch vụ (đạt tỷ lệ 81,1%).
Đại diện lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty tham dự phiên họp. |
Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của các bộ, ngành, địa phương kết nối với hệ thống giám sát, đo lường mức độ cung cấp và sử dụng dịch vụ: 19/21 bộ, cơ quan ngang bộ (tăng 09 bộ so với cuối năm 2023) và 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (tăng 26 tỉnh, thành phố so với cuối năm 2023) có hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính kết nối toàn diện với Hệ thống EMC, đạt tỷ lệ 97,6%.
Hệ thống thông tin báo cáo của các bộ, ngành, địa phương kết nối với hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ, Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ: 15/22 bộ, cơ quan ngang bộ và 63/63 tỉnh, thành phố đã kết nối, đạt tỷ lệ 91,8%.
Phiên họp được truyền trực tuyến tới trụ sở các bộ, ngành, 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. |
Các thôn, bản đang lõm sóng và đã có điện lưới quốc gia được phủ sóng băng rộng di động: 256/tổng số 896 thôn, bản lõm sóng, có điện; đạt tỷ lệ 28,6%.
Sử dụng Nền tảng hỗ trợ quản lý bảo đảm an toàn thông tin theo cấp độ: 100% các bộ, ngành đã sử dụng.
Tỷ lệ cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên toàn quốc triển khai giải pháp hóa đơn điện tử phát hành hóa đơn ngay từ máy tính tiền: đạt tỷ lệ 92,2% (tương đương 14.727/15.981 cửa hàng)…
Theo Báo Nhân Dân