Taliban đã nắm quyền kiểm soát hầu hết Afghanistan từ ngày 15/8, sau các cuộc tấn công quân sự trên khắp đất nước, đưa lực lượng này tiến vào thủ đô Kabul chỉ trong thời gian ngắn. Chính phủ của Tổng thống Ashraf Ghani và cả lực lượng an ninh ở thủ đô đã “biến mất” chỉ sau một đêm, khiến việc lực lượng nổi dậy nắm quyền càng càng trở nên rõ ràng.
Trong cuộc họp báo được phát trực tiếp trên truyền hình ngày 17/8, đại diện Taliban Zabihullah Mujahid tuyên bố: “Trong thời gian tới, một chính phủ bao trùm sẽ được thành lập tại Afghanistan để lãnh đạo đất nước dựa trên khuôn khổ của các giá trị Hồi giáo”.
Theo ông Mujahid, “Afghanistan sẽ có một chính phủ Hồi giáo mạnh mẽ” và chính phủ mới sẽ không bỏ rơi bất kỳ thành phần chính trị nào tại Afghanistan. Các lãnh đạo Taliban muốn chính phủ mới bao trùm nhất có thể và hiện đang tham vấn về các chức danh cụ thể trong chính phủ mới.
Hội đồng điều hành 12 thành viên
Theo các dấu hiệu ban đầu, Taliban sẽ thành lập một hội đồng gồm 12 thành viên để cai trị Afghanistan. Một số thành viên “thiện chí” của chính phủ cũ do Mỹ ủng hộ có thể có chỗ tại một số bộ trong bối cảnh Taliban đang tìm cách thành lập một chính quyền được cộng đồng quốc tế chấp nhận.
3 nhân vật quyền lực nhất trong hội đồng lãnh đạo được cho là gồm Mullah Abdul Ghani Baradar, người đồng sáng lập Taliban; Mullah Mohammad Yaqoob - người đứng sau những chiến thắng quân sự và là con trai của người sáng lập Taliban Mullah Mohammad Omar; và Khalil Haqqani, một nhân vật cấp cao trong mạng lưới Haqqani, chịu trách nhiệm về một số vụ tấn công khủng bố nguy hiểm nhất trong 20 năm qua, là người bị Liên Hợp Quốc và Mỹ đưa vào danh sách đen.
Chiến lược điều hành Afghanistan bằng một hội đồng 12 thành viên sẽ tránh tái lập các vị trí như tổng thống, hoặc thậm chí là tiểu vương - một chức danh mà các lãnh đạo trước đây của Taliban, bao gồm cả Mullah Omar, từng sử dụng. Tuy nhiên, một chiến lược như vậy cũng sẽ mở ra cánh cửa cho các cuộc đấu tranh phe phái và sẽ khiến hội đồng cầm quyền có thể phải đối phó với một phong trào chống Taliban ở Thung lũng Panjshir.
Các cuộc đàm phán không chính thức đã bắt đầu với một hội đồng điều phối do cựu Tổng thống Hamid Karzai thành lập; cùng với ông Abdullah Abdullah, người đứng đầu Hội đồng Hòa giải quốc gia, cựu ngoại trưởng; và Gulbuddin Hekmatyar, một cựu lãnh chúa thân cận với Taliban và chính quyền Pakistan, và là người đã tài trợ cho lực lượng nổi dậy trong 2 thập kỷ qua.
Các nguồn tin thân cận với Baradar và Yaqoob nói rằng họ muốn đưa vào hội đồng cầm quyền Ahmad Massoud, con trai của chỉ huy chống Taliban Ahmad Shah Massoud, người đã bị al Qaeda giết chết 2 ngày trước vụ tấn công khủng bố 11/9/2001 ở Mỹ.
Ahmad Massoud hiện đang lãnh đạo phong trào kháng chiến chống Taliban tại Thung lũng Panjshir. Khu vực này vẫn nằm ngoài sự kiểm soát của chế độ Taliban giai đoạn 1996-2001.
Đại diện lực lượng kháng chiến Fahum Dashti cho biết, lực lượng này hiện đang có các cuộc tiếp xúc trực tiếp và gián tiếp với Taliban để hướng tới một giải pháp hòa bình, nhưng vẫn sẵn sàng cho một cuộc chiến vũ trang nếu họ (Taliban) lựa chọn giải pháp quân sự.
Lục đục nội bộ và bất đồng phe phái
Trong khi đó, các nỗ lực của Taliban nhằm củng cố quyền kiểm soát chính phủ cũng đang bị bao vây bởi sự chia rẽ phe phái nội bộ. Thế hệ thành viên miền Nam chủ yếu là người Pashtun trước đây của Taliban đã nhường chỗ cho một thế hệ mới hơn với các thủ lĩnh nổi dậy của người Uzbek và Tajik. Mạng lưới Haqqani cũng có vai trò hàng đầu trong việc chinh phục Kabul.
“Nhóm Haqqani có quyền kiểm soát an ninh và là nòng cốt của lực lượng ở Kabul - điều này đã khiến các thành phần Kandahar dưới sự lãnh đạo của Mullah Baradar không mấy hài lòng”, cựu quan chức quốc phòng Afghanistan cho biết.
Ở phía Bắc, các thủ lĩnh Taliban người Uzbek và Tajik có tư tưởng “cực đoan hơn và có ý định chứng tỏ bản thân, vì vậy chúng ta cần chờ xem ai sẽ trở thành người lãnh đạo”, cựu quan chức này nói.
Một nhóm mà Taliban có thể muốn “né tránh”: các lãnh chúa phía bắc bao gồm thủ lĩnh người Uzbek Abdul Rashid Dostum và Atta Mohammad Noor. Dostum nổi tiếng đã giết nhiều tay súng Taliban sau khi Mỹ đưa quân tới Afghanistan năm 2001.
Mặc dù hiện Taliban đã kiểm soát gần như hoàn toàn đất nước Afghanistan, nhưng một số nguồn tin có mối liên hệ với cả chính quyền cũ và Taliban cho biết, cộng đồng quốc tế sẽ đợi thêm một thời gian trước khi công nhận một chính quyền mới ở Kabul về mặt ngoại giao.
Một nguồn tin có liên kết với lãnh chúa Hekmatyar cho rằng, các “lằn ranh đỏ” sẽ là “duy trì nền cộng hòa, tổ chức bầu cử, nhân quyền, quyền của phụ nữ và tự do ngôn luận”. Tuy nhiên, ông này thừa nhận Taliban không có khả năng đồng ý với hầu hết các yêu cầu đó, vì “họ không biết dân chủ là gì và họ biết rằng họ sẽ không bao giờ chiến thắng trong một cuộc bầu cử”./.
Theo Hoàng Phạm/VOV.VN (biên dịch)