Hiện nay trên thị trường có nhiều thực phẩm, mỹ phẩm nhái các thương hiệu đang lưu thông, thậm chí cả trong những cửa hàng lớn, nên người tiêu dùng cần cảnh giác trước những chiêu trò kinh doanh mặt hàng này.
Những vi phạm về mỹ phẩm chủ yếu là các mặt hàng như son môi, dầu gội đầu, phấn trang điểm, sữa rửa mặt, xịt khoáng, sáp nẻ... Chúng được tuồn vào Việt Nam theo con đường nhập lậu, hầu hết đều không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của hàng hóa.
Theo đánh giá của cơ quan chức năng, các chủ cửa hàng kinh doanh mỹ phẩm thường có những chiêu trò sau để lừa dối người tiêu dùng.
Hình thức mua bán phổ biến và khó quản lý nhất hiện nay là tình trạng rao bán tràn lan trên các trang mạng xã hội, có sự tham gia tiếp tay của nhiều người và rất dễ để thao tác thực hiện, từ đó vô tình tạo một môi trường kinh doanh thuận lợi, một kênh tiêu thụ hiệu quả cho mỹ phẩm giả, kém chất lượng.
Pha chế mỹ phẩm thật giả lẫn lộn để đánh lừa người tiêu dùng.
Rất nhiều mặt hàng mỹ phẩm được bày bán với đủ loại từ dầu gội, sữa tắm, sữa rửa mặt đến kem làm trắng, kem trang điểm, kem chống nắng, nước hoa, phấn má, son môi… Khách mua hàng muốn loại nào cũng có và được người bán giới thiệu, tư vấn rất nhiệt tình. Thậm chí, có những loại được gắn mác sản phẩm rất lạ, không có bất kỳ hướng dẫn nào bằng tiếng Việt, nhưng theo cách nói của những người bán hàng thì đây là hàng “xách tay” do người thân từ nước ngoài mang về nên không có tiếng Việt… nhưng lại có giá bán vô cùng hấp dẫn, chỉ bằng 1/5, thậm chí 1/10 giá trị của sản phẩm chính hãng.
Theo cơ quan chức năng, mỹ phẩm là 1 trong 3 mặt hàng “nóng” dễ làm giả nhất với thủ đoạn vi phạm rất tinh vi như: Trực tiếp sản xuất, pha chế, sang chiết, đóng gói hàng giả ra các bình, lọ chai dán nhãn của nước ngoài như Nhật, Pháp, Mỹ, Úc; đặt hàng ở Trung Quốc theo những sản phẩm nổi tiếng của nước ngoài, sau đó, đem về Việt Nam tiêu thụ.
Tuy nhiên, việc kiểm tra và xử lý các trường hợp mỹ phẩm giả, không rõ xuất xứ nguồn gốc còn nhiều khó khăn, chủ yếu vẫn dựa vào các thủ tục giấy tờ. Đặc biệt, đối với một số mỹ phẩm có nhãn hiệu nước ngoài không có cơ quan đại diện tại Việt Nam. Việc xác nhận thật - giả không thể thực hiện khiến công tác kiểm tra bị gián đoạn. Bên cạnh đó, với mức xử phạt được quy định chỉ từ 5-20 triệu đồng đối với kinh doanh mỹ phẩm nhập lậu, mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, còn khá thấp so với lợi nhuận bán hàng, nên chưa đủ sức răn đe.
Theo thông tin từ Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 398 quốc gia), hiện nay tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền tại nhiều địa phương diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người tiêu dùng.
Nhiều thương nhân kinh doanh mỹ phẩm không đăng ký kinh doanh với cơ quan quản lý, sử dụng nhà ở làm địa điểm kinh doanh, mua hàng từ các thương nhân khác để bán lại, sau đó dùng mạng xã hội để tiếp thị và quảng bá sản phẩm.
Các đối tượng vi phạm đã lợi dụng những bất cập về cơ chế chính sách, sơ hở trong công tác quản lý và những hiểu biết hạn chế của người tiêu dùng để sản xuất, phân phối, hình thành các đường dây, băng nhóm sản xuất, tiêu thụ các mặt hàng nói trên.
Trong đó đáng chú ý, sự bùng nổ của dịch vụ Internet và hoạt động kinh doanh, quảng cáo trên các trang thông tin điện tử, trang mạng xã hội khiến người tiêu dùng dễ dàng tiếp nhận thông tin và thực hiện việc mua bán các sản phẩm chăm sóc sức khỏe, nhưng trong đó có rất nhiều thông tin không chính xác về công dụng của nhiều loại mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, vị thuốc y học cổ truyền, đã kích thích nhu cầu sử dụng các sản phẩm này ngày càng gia tăng mạnh trên thị trường.
Dù thời gian qua các lực lượng chức năng đã đẩy mạnh nhiều biện pháp chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, đã phát hiện, xử lý hàng chục nghìn vụ việc vi phạm tuy nhiên tỷ lệ vẫn còn thấp trong khi các vi phạm diễn ra với thủ đoạn tinh vi, phạm vi rộng từ các thành phố đến nông thôn, miền núi.
Ban Chỉ đạo 398 quốc gia nhận định thực tế trên đáng báo động, đã gây ra những tác hại nghiêm trọng đến sức khỏe và đời sống của người tiêu dùng, làm nhiễu loạn thị trường, tổn hại sản xuất kinh doanh.
Trước thực tế đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 17 về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền.
Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành, các địa phương, lực lượng chức năng đẩy mạnh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, đặc biệt là nhóm hàng liên quan đến sức khỏe con người.
Chỉ thị cũng nêu rõ cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật và phối hợp hiệu quả giữa cơ quan chức năng với các cơ quan thông tấn báo chí, phương tiện thông tin đại chúng địa phương nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật thương mại, bảo vệ quyền lợi cũng như lợi ích chính đáng cho tổ chức, cá nhân kinh doanh và người tiêu dùng.
Hải Đăng