THCL Số liệu của Tổng cục Thống kê (Bộ KH&ĐT) cho thấy, 6 tháng đầu năm, nhiều ngành không tăng trưởng, thậm chí có ngành tăng trưởng âm. Các chuyên gia băn khoăn, lo ngại trước mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% cho cả năm 2016 mà Chính phủ, Quốc hội đã đề ra.

Tốc độ tăng trưởng giảm sút

Tăng trưởng 6 tháng đầu năm đạt 5,52%, thấp hơn rất nhiều so cùng kỳ 2015 (6,44%) và còn kém xa so với mục tiêu tăng trưởng 6,7% cả năm 2016. Theo Tổng cục Thống kê, sự giảm sút tốc độ tăng trưởng không chỉ trong nông nghiệp - ngành bị thiệt hại nặng do thiên tai, xâm ngập mặn, mà cả trong CN.

Theo Bộ NN&PTNT, 6 tháng đầu năm, toàn ngành nông nghiệp không tăng trưởng. Thậm chí, lĩnh vực nông-lâm-thủy sản giảm 0,18%, giá trị sản xuất nông-lâm-thủy sản giảm 0,1% so cùng kỳ 2015.

Bên cạnh đó, các ngành được coi là mũi nhọn khác cũng không có đà tăng trưởng. Giá trị sản xuất CN 6 tháng đầu năm chỉ tăng 7,5% (cùng kỳ là 9,6%). Thậm chí, trong sản xuất CN nói chung, ngành khai khoáng lại tăng trưởng âm, giảm 2,2% so cùng kỳ.

Sản lượng khai thác dầu thô trong quý II đã giảm hơn quý I và đang tiếp tục chững lại. Tăng trưởng CN chế biến - chế tạo, mặc dù được kỳ vọng sẽ phục hồi nhanh, song trên thực tế, chỉ đạt mức tăng tương đương cùng kỳ 2015 (10,1%).

Như vậy, để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế (đã được Quốc hội đề ra là 6,7%), thì 6 tháng cuối năm, tăng trưởng GDP phải đạt 7,6% - cao hơn trên 2 điểm phần trăm so với 6 tháng đầu năm. Nhiều ý kiến cho rằng rất khó để thực hiện được điều đó trong tình hình hiện nay.

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, mặc dù kỳ họp vừa rồi Chính phủ đã quyết tâm thực hiện mục tiêu tăng trưởng, nhưng thách thức, trách nhiệm sẽ hết sức nặng nề.

“Quốc hội đề ra chỉ tiêu tăng trưởng khi chưa xuất hiện bối cảnh khó khăn bởi tác động nặng nề của tình trạng đại hạn hán, xâm ngập mặn nghiêm trọng tại khu vực ĐBSCL và các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên. Đó là thách thức đặt ra về lâu dài.

Rồi vấn nạn cá chết ảnh hưởng rất lớn tới người dân tại 4 tỉnh miền Trung hay như các vấn đề về biển Đông, yêu cầu chúng ta cần cẩn trọng, tăng cường cảnh giác. Mới đây nhất là sự kiện Anh rời EU khiến kinh tế toàn cầu ảnh hưởng nghiêm trọng.

Thực tế, trong quá trình điều hành, Chính phủ, Quốc hội vẫn đặt ra mục tiêu tăng trưởng GDP cao, nhưng GDP đâu phải là tất cả, nhất là hiện nay tình trạng ô nhiễm môi trường nặng nề, cạn kiệt tài nguyên, năng suất lao động quá thấp…

Trước bối cảnh hiện nay, tôi băn khoăn không biết có thực hiện được không và nhất là khi phải cố để thực hiện chỉ tiêu. Tôi cho rằng, không cần thiết để theo đuổi mục tiêu bằng mọi giá”, bà Chi Lan bày tỏ.

Chú trọng chất lượng tăng trưởng

Phân tích sâu hơn, bà Chi Lan nhấn mạnh tới việc cần chú trọng vào chất lượng tăng trưởng bởi đó mới là căn cốt của vấn đề:

“Việc quan trọng là thay đổi chất lượng, hiệu quả, năng suất lao động, năng lực cạnh tranh. Sắp tới, Quốc hội mới sẽ họp, tôi cho rằng cần trình bày thẳng hiện trạng của đất nước để đưa ra mức phát triển GDP và những chính sách hợp lý nhằm thay đổi chất lượng của nền kinh tế. Khi đã thay đổi được thì trong tương lai sự tăng trưởng sẽ đến, chứ không cần thiết chạy theo một mức tăng trưởng đã đặt ra.

Đặc biệt, nợ công tăng cao như hiện nay có trách nhiệm không nhỏ của Quốc hội bởi cơ quan này bấm nút thông qua các vấn đề về ngân sách. Nếu chi tiêu công được kiểm soát, ngân sách không còn bị thâm hụt nhiều thì Quốc hội đóng góp công rất lớn trong việc phát triển kinh tế trong tương lai. Còn nếu không thể làm được thì Quốc hội phải gánh tiếp phần trách nhiệm trong việc không cải thiện được cách tăng trưởng của đất nước.

Mấy năm gần đây, con số tăng trưởng được báo cáo, song phần lớn các chuyên gia đều nghi ngại. Nhất là tình trạng giá dầu thế giới xuống thê thảm, nhưng mỗi năm chúng ta vẫn khoan, khai thác dầu để bán với giá rẻ; khai thác than bán để đạt được chỉ tiêu tăng trưởng. Các ngành không cải thiện được, nông nghiệp tăng trưởng âm, DN vẫn giải thể, phải tính tới bù đắp bằng cách khác, đừng bàn đến phương án khai thác thêm dầu, tôi nghĩ không thể được!

Tài nguyên thiên nhiên đang cạn kiệt dần, về lâu dài sau này có thể cần hơn, không kể tới thách thức, trả giá về môi trường cho mục tiêu tăng trưởng. Cái giá của Formosa không thể tính toán được, lợi ích thuộc về họ nhiều hơn, nhưng hậu quả người Việt Nam phải gánh, cho thế hệ này và các thế hệ sau.

Đừng vì chỉ tiêu tăng trưởng cao mà khuyến khích đầu tư quá mức. Theo tôi, đã tới lúc chúng ta sẵn sàng chủ động từ chối, giảm đầu tư FDI. Những dự án không bảo đảm về môi trường, cương quyết không cho thực hiện”

Đoàn Huế