Đây là quan điểm về định hướng sáp nhập (nếu có) của lãnh đạo Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2015 ngày 27/3. VIB hiện có nhu cầu mua bán, sáp nhập, nhưng ngân hàng mục tiêu phải có số liệu tài chính thực sự minh bạch để tránh rủi ro cho VIB.

Đến thời điểm này, VIB là ngân hàng đầu tiên “mở màn” mùa Đại hội cổ đông năm 2015 của hệ thống tổ chức tín dụng. Năm 2014, VIB đạt kết quả kinh doanh khả quan, các chỉ số tài chính cải thiện đáng kể, lãi ròng 523 tỷ đồng và đề xuất chia cổ tức 11%.

Lo ngại “gánh” rủi ro

Xung quanh vấn đề sáp nhập ngân hàng đang rất “nóng”, một số cổ đông đã hỏi HĐQT có kế hoạch sáp nhập ngân hàng, tổ chức tài chính nào không? Vì hiện VIB hiện thuộc nhóm ngân hàng có quy mô vốn nhỏ (VĐL: 4.250 tỷ đồng). Dù hoạt động tốt nhưng trong xu thế các ngân hàng khác ráo riết tìm đối tác sáp nhập, thì VIB cũng không thể “đứng lẻ loi một mình” mãi được.

Chia sẻ với những băn khoăn của cổ đông, Chủ tịch HĐQT Đặng Khắc Vỹ cho biết, năm 2014, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có chủ trương tiếp tục khuyến khích sáp nhập đối với các ngân hàng nhỏ, tổ chức tín dụng yếu kém, hay có sở hữu chéo… VIB cũng có nhu cầu mua bán, sáp nhập một vài ngân hàng ở phía Nam hoặc phía Bắc để tạo cơ hội phát triển hệ thống.

Tuy nhiên, “quan điểm của HĐQT là bao giờ nhìn thấy một ngân hàng có tài chính thực sự minh bạch để VIB không gặp phải những rủi ro không đáng có, thì lúc đó sẽ xem xét, xin ý kiến cổ đông lại về việc sáp nhập”- Ông Vỹ nhấn mạnh.

Ngân hàng VIB chỉ sáp nhập với ngân hàng có tài chính lành mạnh

Vấn đề niêm yết lên sàn cũng được cổ đông chất vấn vì VIB dự kiến niêm yết từ lâu, nhưng hiện vẫn chưa thực hiện. Một cổ đông thẳng thắn bày tỏ: NHNN hiện đang hối thúc, buộc các ngân hàng phải sớm niêm yết lên sàn nhưng VIB không có kế hoạch niêm yết thì có không tuân thủ chỉ đạo này? “Ai cũng hiểu đây là lợi ích nhóm nên trì hoãn, không muốn lên sàn nhưng không thể chấp nhận như thế được” – Vị cổ đông này nói.

Theo ông Vỹ, việc lên sàn không phải để thích hay sở thích, mà chỉ lúc nào ngân hàng cần huy độn vốn và thấy có lợi cho tất cả cổ đông… “Ở góc độ của ngân hàng VIB, niêm yết là phải có trách nhiệm và bao giờ cảm thấy có đủ sức về hạ tầng, đủ sức hấp thụ lượng vốn lớn từ thị trường chứng khoán qua quá trình đầu tư, mở rộng phát triển”- Ông Vỹ nhấn mạnh.

Hơn thế, Chủ tịch VIB đưa ra chọn: nếu phát hành tăng vốn ngay để cổ đông phải bỏ thêm tiền vào, làm giảm tỷ suất lợi nhuận trên đồng vốn hay là việc sử dụng phát sinh, giảm chỉ số CAR đang ở mức cao thì sẽ an toàn hơn. Hơn nữa, VIB có thể mở rộng lên gấp 50% quy mô vốn hiện tại thì đồng vốn cổ đông có hiệu quả tốt nhất, và mức thu nhập trên cổ phiếu sẽ tăng gấp đôi.

Còn ông Graham Eric Putt, Thành viên HĐQT cho rằng, việc niêm yết là cần thiết nhưng quan trọng là lựa chọn thời điểm niêm yết. Nhưng, VIB cần có những giải pháp chắc chắn hơn để tăng hiệu quả kinh doanh, bền vững hơn thì niêm yết mới thành công.

Cổ tức và thưởng cổ phiếu 23%

Với kết quả kinh doanh khả quan, lãi ròng 523 tỷ đồng, HĐQT đã đề xuất tỷ lệ chia cổ tức là 11%, nhưng tại Đại hội chỉ trình cổ đông thông qua tỷ lệ là 9%. Sự thay đổi này khiến không ít cổ đông thắc mắc.

Theo giải thích của HĐQT, việc chia cổ tức của ngân hàng hiện phải được Ngân hàng Nhà nước thông qua. Yêu cầu này được đặt ra trong bối cảnh NHNN đang đẩy mạnh tái cơ cấu quyết liệt nên rất thận trọng, yêu cầu các ngân hàng phải minh bạch hóa số liệu dư nợ, rủi ro…

Đại hội cổ đông đã thông qua kế hoạch thưởng cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 14%, tương ứng 59,5 triệu cổ phiếu. VIB sẽ thực hiện phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ lên 4.845 tỷ đồng.

“Sau khi NHNN điều chỉnh tỷ lệ cổ tức xuống 9%, và ngân hàng chia thưởng cổ phiếu với tỷ lệ 14%, tổng cộng cổ đông vẫn được nhận là 23% (mệnh giá cổ phần). HĐQT đã cân nhắc đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho cổ đông”- Ông Vỹ nhẩm tính, và cảm thấy tự hào với kết quả này.

Bên cạnh đó, nợ xấu hiện vẫn là điều quan ngại không chỉ của VIB mà cả hệ thống ngân hàng. Năm 2014, ngân hàng đã nỗ lực đẩy mạnh tái cơ cấu và xử lý nợ xấu. Cụ thể, thực hiện nhiều giải pháp để kiểm soát chất lượng tín dụng, quản lý tài sản, kiểm soát rủi ro, phân loại, trích lập dự phòng rủi ro theo quy định… Và các giải pháp này sẽ tiếp tục được tăng cường trong năm 2015.

Riêng về xử lý nợ xấu, ngân hàng đã tích cực “dọn” nhanh được hơn 4.422 tỷ đồng nợ xấu, thông qua việc bán nợ hơn 2.500 tỷ đồng nợ xấu cho Công ty VAMC, hoạt động mua bán nợ, thu hồi nợ… Nhờ đó, giảm tỷ lệ nợ xấu xuống mức 2,51%, so với mức 2,82% của năm trước.

Dự kiến, năm 2015, VIB cần xử lý khoảng 3.835 tỷ đồng nợ có vấn đề bằng nhiều cách: bán tiếp 1.800 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC nâng tổng số nợ xấu bán đi lên 4.709 tỷ đồng, bán khoảng 2.209 tỷ đồng nợ cho các ngân hàng khác. Cùng nỗ lực xử lý hơn 960 tỷ đồng nợ xấu trên báo cáo và khoảng 300 tỷ đồng nợ xấu dự kiến phát sinh trong năm nay.

Lãnh đạo VIB thừa nhận số nợ xấu là nhiều, song ở mức chấp nhận được. Hiện, VIB đã thực hiện trích dự phòng theo đúng quy định, tăng cường hoạt động chống vi phạm và gian lận nội bộ.

Hải Hà