THCL Thảo luận về dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2017, các đại biểu tập trung đề cập - đề nghị tăng cường giám sát chuyên đề về ATVSTP, góp phần khắc phục những hạn chế, bất cập, giải quyết bức xúc của cử tri.

Trình bày Tờ trình về dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2017, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng thư ký Quốc hội cho biết, trên cơ sở dự kiến số lượng, tiêu chí lựa chọn và nghiên cứu ý kiến kiến nghị của các cơ quan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định 2 trong số 4 nội dung. Cụ thể như sau.

Việc thực hiện chính sách, pháp luật về ATVSTP, giai đoạn 2011 - 2016; việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, giai đoạn 2011 - 2016; việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức BOT, BT, PPP; việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với ngư dân gắn với phát triển kinh tế biển và đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Theo đó, việc lựa chọn nội dung giám sát năm 2017, cần dựa trên các tiêu chí cơ bản là những vấn đề bức xúc, nổi lên ở tầm vĩ mô hoặc ảnh hưởng lớn đến đời sống KT-XH, được đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân quan tâm, gắn liền với công tác xây dựng pháp luật. Bên cạnh đó, không trùng với các chuyên đề đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát trong khoảng từ 3 - 5 năm tính đến thời điểm đề xuất; đảm bảo cân đối, phù hợp giữa các lĩnh vực; phạm vi giám sát phù hợp với điều kiện thực hiện của các cơ quan Quốc hội.

Thảo luận tại phiên họp toàn thể ngày 25/7, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) cho rằng, ATVSTP là vấn đề cử tri rất bức xúc hiện nay. Tác động của việc thực phẩm không an toàn đã và đang tác động tiêu cực, hủy hoại chất lượng cuộc sống. Dù đã được Quốc hội Khóa XII tổ chức giám sát tại Kỳ họp thứ 3, nhưng giám sát lần này cũng là điều kiện để Quốc hội đánh giá lại việc thực hiện của các cơ quan chức năng về kiến nghị của Quốc hội. Quốc hội sẽ kiểm nghiệm lại hệ thống pháp luật đã ban hành có phù hợp và đầy đủ để làm cơ sở điều chỉnh.

Theo Đại biểu Quốc hội Tô Văn Tám (Kon Tum), có ba lý do chính để chọn lựa giám sát chuyên đề về ATVSTP. Thứ nhất, cuộc sống và sức khỏe người dân đang bị đe dọa bởi ung thư và ngộ độc thực phẩm. Thứ hai, tất cả các khâu, các lĩnh vực từ sản xuất, chế biến, lưu thông, tiêu dùng đến bảo vệ sức khỏe đều đang có vấn đề khiến việc ngăn chặn thực phẩm bẩn chưa đạt hiệu quả. Thứ ba, quyền được sống trong môi trường trong lành, không bị đe dọa, cuộc sống, sức khỏe của mình và của cộng đồng được Hiến pháp bảo vệ đang bị xâm hại.

Theo Phụ lục đi kèm Tờ trình dự kiến giám sát Quốc hội 2017 thuyết minh về sự cần thiết tiến hành giám sát chuyên đề, thống kê năm 2000, tại Việt Nam chỉ có khoảng 69.000 ca mới mắc bệnh ung thư, nhưng đến năm 2015, con số này tăng hơn gấp đôi, xấp xỉ 150.000 ca. Ước tính tới năm 2020, số  mắc mới ung thư sẽ lên gần 200.000 ca. Việt Nam đối mặt với nguy cơ trở thành một trong những quốc gia có tỷ lệ mắc ung thư cao nhất thế giới. Theo đánh giá của các chuyên gia y tế, số người mắc ung thư do sử dụng thực phẩm bẩn chiếm tỷ lệ cao nhất - 35%, do hút thuốc lá chiếm 30%, còn lại là yếu tố di truyền và các nguyên nhân khác.

Báo cáo của Cục ATTP (Bộ Y tế), trong giai đoạn 2010 - 2014, toàn quốc ghi nhận 859 vụ ngộ độc thực phẩm với hơn 27.000 người bị ảnh hưởng, trong đó 186 người tử vong. Về ATVSTP tại trường học, từ năm 2010 – 2015, cả nước có gần 40 vụ ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể trường học khiến hơn 1.400 người phải nhập viện.

Những con số trên khiến dư luận, cử tri vô cùng bức xúc. Dễ nhận thấy rằng, hầu hết các tầng lớp nhân dân đều sử dụng thực phẩm hàng ngày trong tâm trạng bất an, lo lắng. Nhiều ngành, cấp quản lý vấn đề ATVSTP, nhưng chưa thực thi đầy đủ trách nhiệm của mình, nhất là người đứng đầu.

Về quản lý nhà nước, hiện có 3 bộ chủ chốt (Bộ Y tế, Bộ Công thương, Bộ NN&PTNT), tuy nhiên, việc kiểm tra ATVSTP vẫn còn nhiều bất cập, chưa có cơ quan nào chịu trách nhiệm chung và công tác điều hành, phối hợp còn chồng chéo. Điều này dẫn đến tình trạng khi có vụ việc xảy ra, cơ quan nào cũng khẳng định đã làm đúng quy trình và cuối cùng… hòa cả làng, không quy được trách nhiệm!

Do đó, đại biểu Quốc hội đề nghị, giám sát chuyên đề này - sẽ góp phần khắc phục những hạn chế, bất cập trên. Đồng thời, kiến nghị Quốc hội nên đổi mới, không dừng lại giám sát các cơ quan quản lý nhà nước, mà phải lấy ý kiến của cộng đồng và cử tri liên quan tới vấn đề chính sách, pháp luật về ATVSTP.

Việc giám sát nội dung này giúp đánh giá đúng thực trạng, chỉ rõ nguyên nhân, đề cao trách nhiệm của Chính phủ, người đứng đầu cơ quan liên quan, tạo chuyển biến tích cực trong công tác bảo đảm ATVSTP. Đồng thời, cũng tìm ra các chỉ tiêu, chỉ số đánh giá mức độ mất ATVSTP làm cơ sở để kiểm soát, đánh giá trách nhiệm của cá nhân, cơ quan được rõ hơn. Kết quả giám sát cũng giúp cung cấp thông tin hữu ích trong việc hoạch định chính sách có liên quan đến lĩnh vực này trong những năm tiếp theo.

Thảo Nguyên