Cơ cấu lại ngân hàng được kiểm soát đặc biệt: Thống nhất 5 phương án - Hình 1

Sáng 26/10, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội báo cáo trước phiên thảo luận về Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng phương án cơ cấu lại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, đã được phân chia lại thống nhất, rõ ràng hơn.

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, quá trình thảo luận,có ý kiến đề nghị cần kết cấu lại các phương án cơ cấu lại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt để phân tách rõ nhóm phương án phục hồi và nhóm phương án xử lý tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, không có khả năng phục hồi như giải thể, phá sản, chuyển giao bắt buộc cho đồng bộ và khả thi khi triển khai.

Theo đó, phương án cơ cấu lại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, bao gồm: Phương án phục hồi; phương án sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp, cổ phần đối với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt; phương án giải thể; phương án chuyển giao bắt buộc và phương án phá sản. Trên cơ sở đánh giá thực trạng tổng thể của từng tổ chức tín dụng, ngân hàng, mà áp dụng một trong 5 phương án trên.

Đây là phương án áp dụng các biện pháp để tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt tự khắc phục tình trạng dẫn đến đặt vào kiểm soát đặc biệt. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho biết, có ý kiến cho rằng, quy định về trách nhiệm xây dựng phương án phục hồi là của cả tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt và việc hoàn thiện phương án được giao cho Ban kiểm soát đặc biệt là chưa rõ để xác định đối tượng chịu trách nhiệm đối với phương án.

Theo đó, trách nhiệm đối với phương án của tổ chức tín dụng và ban kiểm soát đặc biệt đã được tách bạch. Tổ chức tín dụng có trách nhiệm xây dựng phương án phục hồi, Ban kiểm soát đặc biệt có trách nhiệm đánh giá tính khả thi của phương án phục hồi, trình Ngân hàng Nhà nước.

Góp ý để dự thảo luật được sâu và sát với thực tế hơn nữa, ĐB Trần Anh Tuấn (Đoàn TP. Hồ Chí Minh) - Quyền viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh cho rằng, luật cần phải sửa đổi một số vấn đề liên quan đến kiểm soát quản lý tín dụng, nợ các tổ chức cá nhân… nhằm làm cho hệ thống tài chính trở lên lành mạnh và an toàn hơn.

Theo vị đại biểu này, Luật Tín dụng cũng đã quy định rất chặt chẽ, nhưng trong quá trình triển khai thực hiện thì khâu thẩm định, những người trực tiếp làm việc luôn đưa đến hệ thống tín dụng hoạt động không lành mạnh và làm thất thoát tài sản nhiều nhất trong thời gian qua.

Bùi Quyền