Hiện nay, một số cơ sở y tế có quảng cáo xét nghiệm máu sẽ giúp người bệnh phát hiện sớm bệnh ung thư ngay từ giai đoạn đầu. Với thông tin này, không ít người dân có nhu cầu đi xét nghiệm máu để tầm soát sớm bệnh ung thư.
Tuy nhiên, chia sẻ với báo chí, Ths Nguyễn Bá Tĩnh, Phó Giám đốc Quỹ Hỗ trợ bệnh nhân ung thư – Ngày mai tươi sáng khẳng định, không phải cứ xét nghiệm máu là phát hiện ra ung thư.
"Xét nghiệm máu chỉ mang tính định hướng, muốn xác định bệnh nhân mắc ung thư hay không phải có kết quả giải phẫu bệnh", ông Nguyễn Bá Tính nhấn mạnh.
Cũng theo Phó Giám đốc Quỹ Hỗ trợ bệnh nhân ung thư, trước đây, ở Bệnh viện K, chỉ có khoảng 30% người bệnh ung thư được chẩn đoán ở giai đoạn sớm thì đến nay, khi nhận thức của cộng đồng về bệnh ung thư tốt hơn, tỷ lệ người bệnh được chẩn đoán ở giai đoạn sớm đã tăng lên hơn 75%.
Trong đó, có 5 loại bệnh ung thư điển hình có thể tầm soát phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm, gồm: ung thư phổi, ung thư dạ dày, ung thư gan, ung thư vú, ung thư đại trực tràng.
Cũng theo các chuyên gia, hiện nay có rất nhiều loại xét nghiệm khác nhau, trong đó có các xét nghiệm tìm mạc cơ liên quan đến sinh hoá hoặc protein, chủ yếu các xét nghiệm này là theo dõi bệnh tái phát, chứ không phải phát hiện ra bệnh.
Cũng liên quan đến vấn đề xét nghiệm gene để phát hiện ung thư, TS Nguyễn Hữu Nguyên, Phó Tổng giám đốc Gene Solutions cho rằng, trên thế giới, các phương pháp truyền thống hiện nay để tầm soát ung thư vẫn đang được khuyến cáo sử dụng phổ biến, hiệu quả của các phương pháp này cũng đã được chứng minh trong thời gian dài.
Xét nghiệm gene để tầm soát ung thư là khuynh hướng mới trong 2-3 năm gần đây, với kỳ vọng có thể tiếp cận sàng lọc ung thư đơn giản hơn, từ đó tầm soát bệnh ung thư tương đối hiệu quả. Hiện nay, phương pháp này đang là phương pháp bổ trợ cho các phương pháp truyền thống tầm soát bệnh ung thư.
Nâng cao nhận thức phòng ung thư và hỗ trợ chăm sóc người bệnh
Bệnh ung thư đang trở thành gánh nặng lớn tại các quốc gia trên thế giới, đặc biệt với nước nghèo, nước đang phát triển. Theo thống kê của Globocan, ở Việt Nam, mỗi năm có khoảng 180.480 ca mắc mới ung thư, khoảng 120.184 ca tử vong.
Thực tế ghi nhận, việc phát hiện và chẩn đoán bệnh ung thư thường diễn ra ở giai đoạn muộn, dẫn tới việc điều trị tốn kém, tỷ lệ tử vong cao. Để không bỏ qua "giai đoạn vàng" điều trị bệnh ung thư thì việc phát hiện và chẩn đoán xác định sớm bệnh là vô cùng quan trọng, vì nó ảnh hưởng rất lớn đến biện pháp can thiệp, kết quả điều trị và tiên lượng bệnh.
Các chuyên gia y tế nhấn mạnh, nếu bệnh ung thư được phát hiện ở giai đoạn sớm thì chi phí điều trị sẽ tối thiểu, hiệu quả điều trị bệnh sẽ tối đa.
Nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng chống ung thư và hỗ trợ chăm sóc người bệnh tại Việt Nam, Quỹ Hỗ trợ bệnh nhân ung thư – Ngày mai tươi sáng và Công ty TNHH Gene Solutions Lab vừa ký kết hợp tác trong giai đoạn 2024-2025.
Theo thoả thuận hợp tác, hai bên cam kết sẽ thực hiện các hoạt động với mục tiêu: hỗ trợ bệnh nhân ung thư, giảm gánh nặng cho bệnh nhân ung thư, phát hiện sớm ung thư, truyền thông phòng chống ung thư và hỗ trợ công tác nghiên cứu khoa học và đào tạo.
Trong 12 năm qua, Quỹ Hỗ trợ bệnh nhân ung thư – Ngày mai tươi sáng đã vận động, tổ chức hỗ trợ điều trị và tặng quà cho hơn 34.500 bệnh nhân ung thư nghèo trên toàn quốc với trị giá hơn 57 tỷ đồng; Quỹ đã và đang hỗ trợ thuốc điều trị ung thư cho bệnh nhân trị giá hơn 1.400 tỷ đồng; khám sàng lọc phát hiện sớm bệnh ung thư cho hơn 79.000 người dân, trị giá hơn 46 tỷ đồng…
Theo Chinhphu.vn