Chỉ cần nhìn bằng mắt thường đã thấy những chiếc bánh Cosy mè (do Công ty CP Kinh Đô sản xuất) có dấu hiệu bị hỏng, bánh mềm và có mùi vị biến đổi. Tuy nhiên, đại diện DN này vẫn khẳng định, những chiếc bánh “phù hợp với chất lượng đã công bố”?!

Bà Đỗ Hồng Quân, đại diện Kinh Đô đang “ngắm” hộp bánh “ôi” của đơn vị mình

Sản phẩm còn “date” nhưng “ôi”

Theo phản ánh của chị Hiền (Cầu Giấy, Hà Nội), đầu tháng 8/2014, chị đã mua một hộp bánh quy Cosy mè của Công ty CP Kinh Đô (Kinh Đô) sản xuất tại một đại lý trên đường đi làm về. Kiểm tra thông tin trên bao bì, thời hạn sử dụng sản phẩm còn khá dài (sản xuất vào 03/05/2014 và hết hạn vào 03/05/2015).

Tuy nhiên, khi mở gói bánh đầu tiên, chị Hiền thấy nhiều biểu hiện bất thường, bánh rất mềm, ỉu, mùi mốc và ẩm. Những gói bánh còn lại cũng trong tình trạng tương tự.

Điều khôi hài là, trên vỏ hộp bánh Cosy mè còn ghi rõ: “Những hạt mè được tuyển chọn với chất lượng tốt nhất, được rang vàng để tạo mùi thơm đặc trưng hòa quyện cùng vị sữa làm nên những chiếc bánh cosy giòn, xốp, thơm ngon”. Chị Hiền hoài nghi: “Phải chăng, những lời quảng cáo trên chỉ là những lời “có cánh” để “đánh lừa” người tiêu dùng về chất lượng không đảm bảo của sản phẩm bánh quy Cosy mè mang thương hiệu Kinh Đô?”

“Tôi rất thất vọng về chất lượng bánh của Kinh Đô! Thì ra, Kinh Đô chỉ có tên tuổi “giả”, còn chất lượng thì hoàn toàn ngược lại với những gì mà họ đã quảng cáo? Thật may vì con tôi vừa ăn đã nhè ra luôn, chứ cháu mà nuốt vào thì sẽ nguy hại tới sức khỏe và tính mạng, ai sẽ là người chịu trách nhiệm? Từ nay trở đi, tôi sẽ không bao giờ mua bất kỳ loại bánh nào mang thương hiệu Kinh Đô nữa”, chị Huyền bức xúc.

Thiếu trách nhiệm?

Trong buổi làm việc với phóng viên Thương hiệu & Công luận ngày 11/8, bà Đỗ Hồng Quân, đại diện Kinh Đô đã khẳng định, đây chính là sản phẩm của Công ty và xin mẫu bánh hỏng để về xét nghiệm, hứa sẽ trả lời báo sau 7 ngày.

Tuy nhiên, đến ngày 27/8, sau 16 ngày không thấy Kinh Đô gửi công văn trả lời, liên lạc lại với Công ty, chúng tôi nhận được thái độ “đùn đẩy” thiếu trách nhiệm của Trưởng phòng Pháp chế: “Tôi không biết, chị liên lạc lại với người đã làm việc với bên chị!”. Gọi cho bà Đỗ Hồng Quân, chúng tôi nhận được tin nhắn qua điện thoại với nội dung: “Bên tôi đã đi kiểm nghiệm sản phẩm rồi, sản phẩm phù hợp với chất lượng đã công bố!”.

Vậy là, với lý do “vì bận công việc nên chưa kịp gửi kết quả kiểm nghiệm”, đại diện Kinh Đô đang “bỏ quên” trách nhiệm và nghĩa vụ phải làm đối người tiêu dùng; đồng thời, thể hiện thái độ thiếu tinh thần hợp tác với cơ quan báo chí?

Được biết, trước khi sản xuất một sản phẩm, Kinh Đô phải tìm hiểu rõ từ quy trình sản xuất đến quy trình vận chuyển để đảm bảo sản phẩm luôn “hoàn hảo” đến tay người tiêu dùng. Tuy nhiên, có thể nói, cách thức mà Công ty đã làm là đang “phủi tay” với chính những sản phẩm của mình. Bởi lẽ, chuyện bánh Cosy mè hỏng đã thấy rõ nhưng đại diện Kinh Đô vẫn “hồn nhiên” khẳng định bánh “hỏng” đảm bảo chất lượng!?

Từ vụ việc trên, thiết nghĩ, Kinh Đô cần có trách nhiệm để đảm bảo an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng, đền bù khi có thiệt hại, cũng như không để giảm uy tín thương hiệu của chính Doanh nghiệp trên thương trường!

Cao Huyền – Quang Nam