THCL Quản lý xây dựng đô thị lỏng lẻo đang khiến tình trạng lấn chiếm, san lấp kênh mương trên địa bàn TP. HCM ngày càng gia tăng, hệ quả là thành phố thường xuyên ngập lụt...
Thực tế, hàng loạt con kênh trên địa bàn TP. HCM đã và đang bị san lấp vì những lý do chủ quan và khách quan. Ngoài tình trạng để người dân ồ ạt xây dựng lấn chiếm thu hẹp lòng kênh, thời gian qua, đã có hàng trăm tuyến kênh, rạch bị san lấp một cách vô tội vạ, mất hẳn tên khỏi bản đồ chỉ bằng cách đơn giản là cho thay thế bằng cống hộp để lấy đất làm dự án nhà ở hay khu dân cư, chung cư cao tầng...
Theo số liệu khảo sát của Viện Khoa học - Công nghệ và Quản lý môi trường, đã có đến 30% số kênh, rạch bị lấp. Còn theo công bố của một nhóm các nhà khoa học thuộc Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, chỉ trong giai đoạn 1996 - 2008, trên địa bàn thành phố đã có 100 tuyến kênh rạch với diện tích lên đến 4.000 ha bị san lấp hoặc lấn chiếm.
Tình trạng nhà lấn chiếm kênh vẫn chưa được xử lý trên địa bàn TP. HCM
Cũng trong cuộc họp HĐND TP. HCM khóa IX sáng ngày 8/12, một số đại biểu đã chất vấn - đưa vấn đề nhà cửa xây dựng lấn chiếm cửa xả kênh rạch.
Theo đó, đại biểu Phan Nguyễn Như Khuê tiếp tục nêu thêm một hệ lụy của việc xây dựng nhà lấn chiếm đó là ngập úng. Ông Khuê nói: “Ngập lụt là hệ lụy của việc buông lỏng quản lý dẫn đến khu đô thị dị dạng, nhà cửa xây cất trên đường thoát nước, tuyến giao thông. Việc không kết nối giao thông này, tiêu tốn nhiều ngân sách nhà nước, tốn tiền của người dân”.
Tuy nhiên, trả lời vấn đề này, ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng chỉ khẳng định: “trách nhiệm này là của UBND phường, xã” (?).
Điều đáng nói là hệ lụy từ việc xem nhẹ chức năng thoát nước, trữ tạm nước mưa của hệ thống kênh, rạch trong thời gian dài đã phải trả giá khi người dân phải thường xuyên hứng chịu cảnh ngập lụt do mưa lớn, không có chỗ thoát và triều cường tràn vào kênh, rạch. Trong khi chỉ với việc cho lấp xuống, đào lên một tuyến kênh dài chưa đầy 2 km, thành phố đã phải chi trả hàng nghìn tỷ đồng.
Nội thành TP. HCM có 5 hệ thống kênh rạch chính, tổng chiều dài 76 km, gồm: Nhiêu Lộc - Thị Nghè; Tân Hóa - Lò Gốm; Tàu Hủ - Kênh Đôi; Kênh Tẻ - Bến Nghé; Tham Lương - Bến Cát - Vàm Thuật. Hệ thống kênh rạch này cùng với sông Sài Gòn (khoảng 38 km) có vai trò vô cùng quan trọng trong việc thoát nước. Trừ hệ thống kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đang hồi sinh, còn nhiều dòng kênh khác đang... “chết” vì rác. Số kênh rạch có cửa xả hoặc lòng kênh bị san lấp, lấn chiếm trên địa bàn toàn TP gồm: rạch Ông Đội, rạch Nỏ, rạch Bà Bướm, rạch Xuyên Tâm, rạch Sông Tân, rạch Tam Đệ, rạch Cây Me, rạch Bần Đôn, rạch Bến Ngựa, rạch Thầy Tiêu, rạch Cả Cấm, rạch Du, rạch Nhỏ, rạch Bà Lựu nối dài, rạch Bà Dơi, rạch Lân 2, kênh Hy Vọng, kênh Tân Trụ, rạch Văn Thánh, rạch Cầu Bông, rạch Bến Bồi 1, Bến Bồi 2, rạch Tam Vàm Tắc, rạch Lăng, rạch Bà Láng, rạch Bùi Hữu Nghĩa, rạch Dĩa, rạch Ông Dầu, rạch Cao Su Việt Hưng, rạch Môn, rạch Dừa, rạch Bà Ty nhánh 1, rạch Bà Miên, rạch Trường Đai nhánh 1, rạch Cầu Cụt, rạch Chín Xiểng, rạch Phú Lộc, rạch Bồ Đề, rạch Tắc Thầy Cai, rạch Ông Búp, rạnh Liên Xã… |
PV