
Theo đó, Cục An toàn thực phẩm nhận được phản ánh của báo chí qua bài viết BTV Quang Minh, Vân Hugo, NSND Hồng Vân bị réo tên vì quảng cáo sữa, phát hiện một số người nổi tiếng, người có ảnh hưởng trên mạng xã hội đang quảng cáo thực phẩm, thực phẩm chức năng có dấu hiệu vi phạm quy định về quảng cáo thực phẩm.
Đặc biệt, những quảng cáo này gây hiểu nhầm sản phẩm có công dụng như thuốc chữa bệnh, quảng cáo gây nhầm lẫn về chất lượng, công dụng sản phẩm.
Để quy định pháp luật được thực thi nghiêm minh, ngăn ngừa kịp thời việc quảng cáo quá tác dụng của sản phẩm thực phẩm, Cục An toàn thực phẩm đề nghị cơ quan chức năng liên quan phối hợp kiểm tra thông tin, xử lý hành vi quảng cáo vi phạm pháp luật của các trang mạng xã hội và xử lý người nổi tiếng quảng cáo vi phạm và thông báo kết quả, để Cục An toàn thực phẩm tổng hợp.
Theo bà Trần Việt Nga, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, cơ quan này đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo địa phương và các viện chuyên ngành, thuộc Bộ Y tế tăng cường việc lấy mẫu giám sát và cảnh báo cộng đồng về những sản phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm.
Các địa phương cũng tăng cường thanh tra, kiểm tra và hậu kiểm cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng trên địa bàn, qua đó, phát hiện và xử lý nghiêm hành vi vi phạm quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm; đồng thời thông tin vi phạm sẽ được công khai trên website của Bộ Y tế.
Theo quy định tại khoản 15, Điều 34, Nghị định Số 38/2021/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo, hành vi quảng cáo sai sự thật sẽ bị xử phạt từ 60 - 80 triệu đồng.
NK