Là chuỗi cửa hàng đồ làm bánh được đánh giá cao trên các nền tảng mạng xã hội, VANA đã trở thành một địa chỉ quen thuộc của các chị em khi muốn tìm nguồn nguyên liệu làm bánh chất lượng, giá cả phải chăng.
Chuỗi cửa hàng này, đang hoạt động trên 2 nền tảng là website http://www.dolambanh.com và trang Facebook mang tên VANA - Đồ làm bánh.
Trên trang chủ website chinh thức của cửa hàng, doanh nghiệp giới thiệu đây là một địa chỉ với những sản phẩm, dụng cụ độc đáo, khó kiếm và giá cả phải chăng để phục vụ sở thích làm bánh ngọt Âu tại gia đình của các chị em.
VANA với 6 cửa hàng trên địa bàn Hà Nội, gồm: 64 Kim Ngưu; ngõ 72 Nguyễn Chí Thanh, Đống Đa; ngõ 203 Hoàng Quốc Việt; 197 Phùng Hưng, Hà Đông; 113 Ngọc Lâm, Long Biên; 43 Hàng Thiếc, Hoàn Kiếm.
VANA có đa dạng đầu mặt hàng nguyên liệu thực phẩm làm bánh theo nhiều phân khúc, từ bình dân đến hàng nhập khẩu cao cấp, nhằm tăng lựa chọn cho khách hàng làm bánh tại nhà. Đặc biệt, phía VANA đưa ra cam kết các sản phẩm hàng hóa, đặc biệt là thực phẩm nguyên liệu làm bánh, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, bảo quản đúng điều kiện và thời gian.
Liệu rằng, lời quảng cáo trên có còn đúng khi mà không ít sản phẩm của VANA lại “trắng” thông tin, không có tem nhãn phụ theo đúng quy đinh của pháp luật Việt Nam?
Hàng hóa "mập mờ” thông tin
Ngày 9/5, phóng viên có mặt tại cửa hàng VANA cơ sở ngõ 208, Hoàng Quốc Việt để tìm hiểu. Trong khuôn viên vỏn vẹn hơn 20 m2, đa dạng mặt hàng ngành bếp bánh được bày bán tại đây như nguyên liệu thực phẩm, đồ gia dụng làm bánh, phụ kiện trang trí, phụ kiện sinh nhật… Tuy nhiên, không ít sản phẩm rơi vào tình trạng không tem nhãn phụ tiếng Việt, gây khó khăn cho người tiêu dùng khi tìm hiểu thông tin.
Theo quy định của pháp luật, tất cả hàng hóa lưu thông có xuất xứ từ nước ngoài, đều phải có tem nhãn phụ bằng tiếng Việt. Cụ thể, tại Khoản 4, Điều 3 - Nghị định 111/2021/NĐ-CP, đã nêu rõ: Nhãn phụ là nhãn gốc được dịch từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt, hoặc là những nội dung mà nhãn gốc còn thiếu theo quy định của pháp luật Việt Nam cần phải bổ sung.
Khoản 2, Điều 10 - Nghị định 111/2021/NĐ-CP yêu cầu hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam có nhãn gốc tiếng nước ngoài, phải thực hiện bổ sung nhãn hàng hóa ghi bằng tiếng Việt, trước khi lưu thông trên thị trường.
Bên cạnh sản phẩm không có tem nhãn phụ, một số nhãn mặt hàng tại cơ sở này không có thông tin rõ ràng. Dưới đây là sản phẩm hạt óc chó va hạt bí xanh, do VANA tự tách chiết và đóng gói, trên bao bì mặt trước của sản phẩm chỉ được dán nhãn tên thương hiệu; định lượng; xuất xứ, mặt sau của sản phẩm là mã vạch kèm giá tiền cùng hạn sử dụng 20/2/2024.
Như vậy, mặt hàng này đã vi phạm vào Khoản 3, Điều 6 - Thông tư 05/2019/TT-BKHCN: Hàng hóa được san chia, sang chiết để đóng gói, đóng chai trên nhãn, phải ghi tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân đóng gói, đóng chai và ghi tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân sản xuất ra hàng hóa trước khi đóng gói, đóng chai.
Đồng thời, tại Điều 7 của thông tư này yêu cầu hàng hóa san chia, sang chiết, nạp, đóng gói lại bắt buộc phải ghi ngày sản xuất và hạn sử dụng. Cụ thể, phải thể hiện đầy đủ 3 nội dung sau: Ngày sản xuất; ngày san chia, sang chiết, nạp, đóng gói không được viết tắt; hạn sử dụng.
Ngày 10/5, phóng viên đã có mặt Cửa hàng VANA số 47 Hàng Thiếc (quận Hoàn Kiếm), tại đây ghi nhận không ít hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có tem nhãn, được bày bán công khai. Ở khu vực đồ gia dụng, nhiều sản phẩm chỉ treo “trần” tại khu nơi bán, không được bọc bao bì, không có nhãn mác rõ ràng cho từng sản phẩm.
Cầm trên tay sản phẩm dao chà láng inox “trắng” thông tin, phóng viên hỏi về nguồn gốc xuất xứ sản phẩm. Nhân viên chi nhánh trên phố Hàng Thiếc trả lời: “Cái này bên em nhập từ Trung Quốc, kiểu inox bình thường mình hay sử dụng ạ”.
Trong khi đó, tại khoản 3, Điều 3 - Nghị định 111/2021/NĐ-CP, quy định: Nhãn hàng hoá bao gồm 2 loại là nhãn gốc và nhãn phụ. Nhãn gốc là nhãn được gắn trên bao bì, hàng hóa do các cá nhân, tổ chức sản xuất hàng hóa tự gắn lên đó. Trường hợp không xác định được xuất xứ, thì ghi nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa theo quy định tại khoản 3, Điều 15 của nghị định này.
Đồng thời, theo Điều 10 - Nghị định 111/2021/NĐ-CP, ghi rõ: Nhãn hàng hóa của các loại hàng hóa đang lưu thông tại Việt Nam, bắt buộc phải thể hiện các nội dung bằng tiếng Việt: Tên hàng hóa; tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa; xuất xứ hàng hóa.
Phẩm màu “trắng” nhãn như hàng chợ
“Mục sở thị” tại Cơ sở VANA ngõ 72, Nguyễn Chí Thanh, tương tự như 2 chi nhánh trước đó, một số mặt hàng nguyên liệu làm bánh, dụng cụ nhà bếp mang nhãn nước ngoài, nhưng không hề có tem nhãn phụ tiếng Việt.
Không ít dụng cụ làm bánh rơi vào tình trạng “trắng” thông tin về nguồn gốc xuất xứ, hầu hết chỉ được bọc trong seal ni lông trắng rồi dán mã vạch kèm theo giá tiền để bán cho khách hàng.
Tại đây, có bày bán màu thực phẩm theo định dạng size mini tiện dụng với các thương hiệu nổi tiếng trong ngành làm bánh như V-Color, Wilton, Ameri-Color. Theo quan sát của phóng viên, không có bất cứ tem nhãn thông tin nào được dán lên các lọ phẩm màu trên. Trong vai khách hàng, phóng viên thắc mắc về hạn sử dụng của sản phẩm màu Ameri-Color 5ml tới nhân viên thu ngân.
Trước câu hỏi trên, hai nhân viên tại cửa hàng trở nên bối rối: “Để em tra lại thông tin trên máy tính ạ”.
Sau 5 phút, khi không thể tìm thấy hạn sử dụng trên hệ thống, nhân viên liền gọi tới cán bộ quản lý cửa hàng. Tuy nhiên, người quản lý cũng không rõ thông tin hạn sử dụng của sản phẩm. Chỉ đến khi nhân viên gọi đến nhà cung cấp, thì phóng viên mới biết hạn dùng của lọ phẩm màu vào ngày 22/8/2024.
Phẩm màu là loại nguyên liệu phổ biến được dùng trong không ít loại bánh kem, bánh ngọt nhằm tăng sự bắt mắt. Tuy nhiên, vì mục đích thương mại, không ít tiểu thương bất chấp, bày bán những loại phẩm màu không rõ nguồn gốc xuất xứ, hoặc không được phép sử dụng trong thực phẩm.
Theo một số nghiên cứu, nếu lạm dụng phẩm màu, hoặc sử dụng các phẩm màu không rõ nguồn gốc để chế biến thực phẩm (nhất là các phẩm màu tổng hợp), sẽ rất hại cho sức khỏe, có thể gây ngộ độc cấp tính, tích lũy chất độc lâu ngày, có thể dẫn đến ung thư...
Điều này, khiến dư luận đặt câu hỏi:
Liệu 2 lọ phẩm màu trên, có đảm bảo chất lượng?
Ai sẽ chịu trách nhiệm khi khách hàng gặp phải vấn đề sức khỏe, sau khi sử dụng sản phẩm?
Quy định xử phạt về vi phạm tem nhãn hàng hóa
Theo Nghị định số 43/2017/NĐ-CP và Nghị định số 98/2020/NĐ-CP quy định về thông tin in trên nhãn phụ và quy định về tem nhãn hàng hóa nhập khẩu, quy định về xử phạt hành vi vi phạm trong buôn bán hàng hóa nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, hàng trôi nổi, hàng có dấu hiệu làm nhái, làm giả, có thể phạt tiền đến 200 triệu đồng, tùy vào mức độ vi phạm đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh.
Đồng thời, tại Nghị định số 126/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp; tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa; hoạt động khoa học và công nghệ, chuyển giao công nghệ; năng lượng nguyên tử có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2022, thì các hành vi kinh doanh hàng hóa không có nhãn; không có nhãn gốc hoặc có nhãn gốc, nhưng ghi không đủ hoặc ghi không đúng các nội dung bắt buộc hoặc bị thay đổi; có nhãn, kể cả nhãn gốc hoặc nhãn phụ đối với hàng hóa nhập khẩu bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch thông tin về hàng hóa; gian lận về thời hạn sử dụng; hàng hóa đã quá hạn sử dụng… sẽ bị tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, sẽ được áp dụng kể cả trong trường hợp vi phạm lần đầu.
Bên cạnh đó, Điều 17 - Nghị định 98/2020/NĐ-CP, quy định: Phạt tiền đến 50.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm về thời hạn sử dụng của hàng hóa, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ và có vi phạm khác; phạt tiền gấp 2 lần mức tiền phạt quy định đối với người sản xuất, nhập khẩu khi hàng hóa vi phạm là thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm.
Mặc dù đã được pháp luật quy định rõ ràng, nhưng hệ thống Cửa hàng đồ làm bánh VANA vẫn bày bán nhiều sản phẩm vi phạm về nhãn hàng hóa. Đáng nói, đây là những sản phẩm được sử dụng trong thực phẩm hằng ngày, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người tiêu dùng.
Đề nghị Cục Quản lý thị trường Hà Nội và Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), các cơ quan liên quan vào cuộc xác minh, kiểm tra và xử lý những sai phạm (nếu có) của hệ thống Cửa hàng đồ làm bánh VANA, nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng, tạo môi trường kinh doanh hàng hóa lành mạnh.
Thảo Nguyên