(TH&CL) Thương hiệu & Công luận nhận được nhiều đơn thư kêu cứu cũng như tố cáo của các hộ dân phường Long Bình (Quận 9, TP. HCM) trong việc bồi thường và cưỡng chế thu hồi đất tại Dự án “Chỉnh trang phát triển đô thị tại phường Long Bình, Quận 9”.
1 m2 đất bằng giá 1 tô phở!
Theo các hộ dân, Dự án “Chỉnh trang phát triển đô thị tại phường Long Bình, Quận 9” thực chất là việc đổi đất lấy hạ tầng giữa TP. HCM với Công ty Kỹ thuật và xây dựng GS (GS E&C - Hàn Quốc). Theo đó, cuối năm 2007, Thành phố đã trao cho GS E&C quyền sử dụng 5 khu đất ở các quận 2, 9 và 10 để đổi lại việc nhà đầu tư Hàn Quốc này bỏ tiền ra xây dựng tuyến đường vành đai ngoài Tân Sơn Nhất - Bình Lợi với quy mô từ 6 - 12 làn xe, dài 13,65 km. Năm khu đất mà UBND TP. HCM giao cho GS E&C, bao gồm 2 khu ở phường Thảo Điền (Quận 2), tổng diện tích 4,42 ha và một khu ở bán đảo Thủ Thiêm 4 ha, khu “chợ thuốc tây” Trường đua Phú Thọ (Quận 10) và khu Long Bình (Quận 9) 92 ha.
Tuy nhiên, trong khi lập phương án bồi thường thì khu đất 92 ha tại Quận 9 “biến” thành Dự án “Chỉnh trang phát triển đô thị tại phường Long Bình, Quận 9”, diện tích đất phải thu hồi đội lên 97,8 ha, giá đền bù và hỗ trợ giải tỏa “rẻ bèo”. Đặc biệt, với một số diện tích, giá đền bù 1 m2 đất chỉ tương đương 1 tô phở! Điều này đã gây xáo trộn đến đời sống của rất nhiều hộ gia đình có đất nằm trong dự án, đẩy các hộ gia đình này vào nguy cơ không có nhà ở.
Theo bà Chu Quỳnh Hương, người có đất nằm trong dự án thì, năm 2010, bà mua lại lô đất diện tích 3.989 m2 thuộc một phần thửa 75 Tờ bản đồ số 85 tại phường Long Bình, Quận 9 của ông Nguyễn Phát Ánh. Lô đất ấy có giấy mua bán, có hóa đơn đóng thuế đất từ năm 1993 đến nay. Sau khi mua đất, bà Chu Quỳnh Hương làm một nhà kho 40 m2, xây tường rào bảo vệ với diện tích xây tường 442 m2 và trồng cây lâu năm. Đầu năm 2013, Ban Giải phóng mặt bằng Quận 9 yêu cầu bà Hương hợp tác đăng ký kiểm kê đất và tài sản trên đất để chuẩn bị giao đất cho một dự án của thành phố. Bà Hương chấp hành đúng quy định. Đến tháng 11/2013, bà Hương nhận được thông báo của Ban Giải phóng mặt bằng Quận 9 đến UBND phường Long Bình nhận tiền đền bù dù rằng trước đó, bà chưa nhận được phương án thương lượng đền bù. Ngày 18/11/2013, bà Hương tới phường Long Bình và được giao Quyết định đền bù số 988/QĐUB ngày 23/7/2013 với số tiền đền bù 253.552.000 đồng, tức chỉ khoảng 63.000 đồng/m2 (bao gồm cả cây trồng và kiến trúc trên đất). Bà Hương nhận Quyết định, nhưng không đồng ý số tiền đền bù ấy nên không nhận tiền. Sau đó, bà Hương làm đơn khiếu nại lên cơ quan Thanh tra Quận 9. Cơ quan này mời lên làm việc và ghi nhận ý kiến khiếu nại của bà Hương để thanh tra lại sự việc. Nhưng đến nay, khi khu đất đã bị cưỡng chế thu hồi, bà Hương vẫn chưa nhận được kết luận thanh tra của Quận 9?
Diện tích đất 3.696,8 m2 của ông Phan Đình Trọng cũng tương tự trường hợp của bà Hương khi chỉ được đền bù 393.782.000 đồng. Điều khó hiểu là ngay cả khi có quyết định cưỡng chế, giá trị kiến trúc trên đất của ông Trọng, bao gồm nhà cửa, hồ, tường rào… vẫn chưa được định giá đền bù?
Được biết, trong phương án bồi thường, hỗ trợ do UBND Quận 9 lập tháng 5/2012, đã được UBND TP. HCM phê duyệt thì số tiền đền bù các hộ dân trên là rất lớn, lên đến nhiều tỷ đồng. Vậy nhiều tỷ đồng đó hiện ở đâu?
Khuất tất trong cưỡng chế giải tỏa
Ngày 04/3/2014, Đoàn cưỡng chế UBND Quận 9 đến tiến hành cưỡng chế lô đất của bà Chu Quỳnh Hương. Tuy nhiên, trước đó, bà Hương chưa nhận được bất kỳ thông báo nào về việc cưỡng chế giải tỏa, nhờ người hàng xóm bà Hương mới biết là đất của bà đang bị Đoàn cưỡng chế đập phá tường rào và chặt cây.
Khi gia đình bà Hương đến và yêu cầu Đoàn cưỡng chế cho xem Quyết định cưỡng chế, thông báo cưỡng chế thì tất cả cán bộ giải tỏa ở đó không ai đưa ra được bất cứ giấy tờ gì liên quan đến việc cưỡng chế. Gia đình bà Hương đã yêu cầu Công an phường Long Bình lập biên bản ghi nhận lại sự việc này với sự chứng kiến của nhiều hộ dân xung quanh cùng Đoàn cưỡng chế. Bà Hương được hẹn 13h30 cùng ngày đến UBND phường Long Bình làm việc. Khi tới UBND phường Long Bình, bà Hương mới nhận được Quyết định cưỡng chế, do ông Nguyễn Văn Thành, Trưởng ban Bồi thường giải phóng mặt bằng Quận 9 ký ngày 03/1/2014, một bản photo bảng kê bưu phẩm gửi đi từ Bưu cục Phước Bình gửi cho bà và 3 người khác vào thứ sáu, ngày 27/2/2014 cùng một bản photo thông báo cưỡng chế không đóng dấu, do ông Nguyễn Văn Quên, Chủ tịch UBND phường Long Bình ký. Tức từ ngày ký và gửi thông báo lần đầu tiên cho người bị cưỡng chế đến ngày cưỡng chế chỉ vỏn vẹn 05 ngày. Đặc biệt, trong phiếu gửi của bưu cục không có chữ ký của giao dịch viên và cả người gửi? Dư luận đặt câu hỏi: Liệu có điều gì khuất tất trong việc UBND Quận 9 ra lệnh cưỡng chế?
Ông Huỳnh Văn Tỵ, Phó trưởng ban Bồi thường giải phóng mặt bằng Quận 9 thừa ủy quyền của Chủ tịch UBND Quận 9 cho biết, về thủ tục thì thông báo cưỡng chế phải được gửi đi 2 - 3 lần, nếu đương sự không nhận được thì UBND phường mới niêm yết công khai tại UBND phường; còn về thủ tục tổ chức thực hiện quyết định thi hành cưỡng chế thì phải thành lập hội đồng và quyết định cưỡng chế phải được đọc công khai ngay tại địa điểm tiến hành cưỡng chế.
Khi được hỏi “người dân mới chỉ được gửi thông báo 1 lần và ngày gửi thông báo đến ngày cưỡng chế chỉ 05 ngày, trong đó có 02 ngày rơi vào ngày nghỉ như trường hợp bà Hương, có đúng quy định không?”, ông Tỵ vòng vò: “Cái này chúng tôi phải hỏi lại cán bộ ở phường. Nhưng chắc cán bộ phường làm vậy là có lý do”. Khi thắc mắc về việc Đoàn cưỡng chế đến cưỡng chế nhà dân mà không có “mảnh giấy lận lưng” nào thì ông Tỵ cho rằng: “Chắc là anh em đọc xong rồi mang về?”!
Làm việc với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Quên, Chủ tịch UBND phường Long Bình trả lời: “Chúng tôi có trách nhiệm gửi thông báo đi, người dân nhận được hay không làm sao biết được? Còn giải tỏa, cưỡng chế như thế nào là do quận, các nhà báo lên mà gặp quận!”.
Chưa thỏa mãn với những câu trả lời “có cũng như không” của các cơ quan liên quan Quận 9, chúng tôi tiếp tục tìm gặp bà Đặng Thị Hồng Liên, Chủ tịch UBND Quận 9 thì nhận được câu trả lời: “Chủ tịch bận họp, không gặp được, còn viết bài đăng hay không là tùy… nhà báo”.
Như vậy có thể thấy, những khuất uẩn trong việc bồi thường và cưỡng chế giải tỏa trong dự án nêu ở phường Long Bình, Quận 9 theo phản ánh của các hộ dân là có lý do. Có lý do ở chỗ, giải tỏa đất của dân cho dự án phát triển nhà và khu thương mại của Công ty GS E&C (Hàn Quốc), nhưng lại được gắn cái mác “chỉnh trang đô thị” để không phải thương lượng đền bù, mà áp giá đền bù cho dân với giá rẻ mạt; trong quá trình lập phương án đền bù có nhiều sai sót, có hộ dân có đất nhưng bị thiếu không có tên trong phương án đền bù; phương án đền bù trình UBND TP. HCM phê duyệt có giá đền bù rất cao, nhưng thực tế đền bù người dân lại thấp hơn đến cả chục, thậm chí cả trăm lần; việc ra quyết định cưỡng chế và tổ chức cưỡng chế không đúng theo quy định của pháp luật; khi bị phản ánh thì có thái độ né tránh, thách thức dư luận… đã gây bức xúc trong quần chúng nhân dân, bất bình trong dư luận.
Thiết nghĩ, UBND Quận 9 cần phải làm rõ và có câu trả lời thỏa đáng những phản ánh của người dân; có chế độ đền bù, hỗ trợ hợp lý đúng pháp luật cho người dân trong vùng dự án, giúp họ sớm ổn định cuộc sống.
Khoản 02 và 03, Điều 05, Nghị định 166/2013 NĐ-CP ngày 12/11/2013, quy định: 2. Quyết định cưỡng chế được giao trực tiếp hoặc gửi qua bưu điện bằng hình thức bảo đảm và thông báo cho cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế biết. Đối với trường hợp quyết định được giao trực tiếp mà cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế cố tình không nhận thì người có thẩm quyền lập biên bản về việc không nhận quyết định có xác nhận của chính quyền địa phương và được coi là quyết định đã được giao. Đối với trường hợp gửi qua bưu điện bằng hình thức bảo đảm, nếu sau thời hạn 10 ngày, kể từ ngày quyết định cưỡng chế đã được gửi qua đường bưu điện đến lần thứ 3 mà bị trả lại do cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế cố tình không nhận; quyết định cưỡng chế đã được niêm yết tại nơi cư trú của cá nhân, trụ sở của tổ chức bị cưỡng chế hoặc có căn cứ cho rằng, người bị cưỡng chế trốn tránh không nhận quyết định cưỡng chế thì được coi là quyết định đã được giao. 3. Thời hạn thi hành quyết định cưỡng chế là 15 ngày, kể từ ngày nhận quyết định cưỡng chế; trường hợp quyết định cưỡng chế có ghi thời hạn thi hành nhiều hơn 15 ngày thì thực hiện theo thời hạn đó. |
Đặng Long