Chiều 25/12, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đồng chủ trì Hội nghị quán triệt, triển khai thi hành các luật, nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XV.
Hội nghị đã nghe báo cáo của Chính phủ về tình hình tổ chức triển khai thi hành các luật, nghị quyết được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 8; lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương báo cáo tham luận, phát biểu ý kiến về những nội dung trọng tâm của các luật, nghị quyết và công tác chuẩn bị nguồn lực, triển khai thi hành thời gian tới.
Ngay sau Kỳ họp thứ 8, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành liên quan khẩn trương triển khai hiệu quả các luật, nghị quyết, bảo đảm gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng và thi hành pháp luật, cụ thể là tuyên truyền, phổ biến pháp luật; ban hành kế hoạch; phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết…
Để thi hành, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan có nhiệm vụ ban hành 130 văn bản với 569 nội dung giao quy định chi tiết.
Trong đó, có một số luật mà số lượng điều luật, nội dung giao Chính phủ, các cơ quan quy định vừa nhiều (Luật Địa chất và Khoáng sản - hơn 83 nội dung), vừa khó (như: Luật Dữ liệu), vừa đòi hỏi cao về tiến độ (như Luật sửa đổi một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam - có hiệu lực từ 1/12/2024; Luật sửa 9 luật - có hiệu lực từ 1/1/2025; Luật sửa 4 luật - có hiệu lực từ ngày 15/1/2025…), vừa quy định nhiều chính sách mới, đặc thù, các nhiệm vụ, quyền hạn mới theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các cơ quan (Luật Đầu tư công, Luật Điện lực).
Phát biểu kết luận, với tinh thần tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả xây dựng và thi hành pháp luật trong kỷ nguyên mới, phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng của đất nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh một số nội dung chính về: Kết quả đạt được trong công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật; tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm; nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thời gian tới; nâng cao hiệu quả công tác phối hợp trong tổ chức triển khai thi hành pháp luật.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế
Công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện, cơ chế phân công, phối hợp giữa các cơ quan trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật chưa đồng bộ.
Tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của cán bộ, công chức nhà nước trong thi hành pháp luật còn hạn chế. Tình trạng nợ ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành chưa được xử lý triệt để.
Việc tổ chức tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức; công tác theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, đánh giá hiệu quả của việc tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật có nơi, có lúc còn hình thức.
Công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật của các cấp, các ngành chưa có nhiều đột phá. Nguồn lực, điều kiện làm việc, trang thiết bị cho công tác tổ chức thi hành pháp luật còn hạn chế, có nơi, có lúc chưa được quan tâm đầu tư thích đáng.
Phân tích các nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế, Thủ tướng cho rằng một số cơ quan, đơn vị, địa phương nhận thức chưa đúng tầm về công tác xây dựng và thực thi pháp luật, đầu tư chưa tương xứng cho công tác này, chưa kịp thời, cầu thị lắng nghe, chia sẻ, thấu hiểu các khó khăn, vướng mắc để sửa đổi, bổ sung, hướng dẫn, tháo gỡ, giải quyết một cách thực chất, hiệu quả…
Thủ tướng nhấn mạnh các bài học kinh nghiệm: Kịp thời thể chế hóa, cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, nhất là những vấn đề mới, khó, nhạy cảm; thực hiện nghiêm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm, các đồng chí lãnh đạo chủ chốt, lãnh đạo Đảng, Nhà nước; bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, chú trọng công tác truyền thông chính sách và tham vấn, lắng nghe các ý kiến.
Nhấn mạnh 8 nhiệm vụ trọng tâm, Thủ tướng yêu cầu trước hết cần tiếp tục quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối của Đảng được đề ra tại Văn kiện Đại hội XIII, các nghị quyết, kết luận của Trung ương, nhất là Nghị quyết số 27 về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, Quy định số 178 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật.
Gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng với tổ chức thi hành pháp luật, hoàn thiện cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật nghiêm minh, nhất quán, bảo đảm thượng tôn Hiến pháp, pháp luật.
Thứ hai, bám sát yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể về triển khai đối với từng luật, nghị quyết được thông qua; khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các Kế hoạch triển khai thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội; bố trí nguồn lực, chuẩn bị các điều kiện đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Thứ ba, tuân thủ nghiêm Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong quá trình ban hành văn bản quy định chi tiết, khẩn trương xây dựng, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành 130 văn bản quy định chi tiết các luật, nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp thứ 8 để kịp thời có hiệu lực cùng với luật, nghị quyết.
Đặc biệt lưu ý các luật, nghị quyết có hiệu lực từ ngày 01/12/2024, 01/01/2025, 15/01/2025, 01/02/2025 và 01/4/2025 để tránh tạo khoảng trống pháp lý, bảo đảm việc thi hành luật được thông suốt, thống nhất, bao trùm, toàn diện.
Thứ tư, tăng cường công tác quán triệt, phổ biến, giới thiệu các chính sách, nội dung của luật, nghị quyết và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú để các cơ quan, tổ chức, người dân, doanh nghiệp hiểu đúng, đầy đủ các quy định, từ đó tự giác chấp hành và giám sát, phản biện, phản ánh các vướng mắc.
Thứ năm, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, phát huy tính chủ động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ, công chức, khuyến khích dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Tăng cường giám sát, kiểm tra phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời và kiên quyết xử lý các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong thi hành pháp luật; khắc phục triệt để tình trạng đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức.
Thứ sáu, chủ động rà soát, xử lý kịp thời các vướng mắc, bất cập phát sinh, nhất là các bất cập liên quan đến thủ tục hành chính. Cần gắn kết chặt chẽ việc rà soát, xử lý vướng mắc, bất cập trong các văn bản quy phạm pháp luật với việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, loại bỏ những quy định không phù hợp, không cần thiết, gây phiền hà, làm tăng chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp, cản trở sự phát triển, làm chậm lại tiến trình đổi mới.
Thứ bảy, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần chủ động vào cuộc, sớm ban hành Kế hoạch triển khai các luật, nghị quyết trên địa bàn; tập trung rà soát, nghiên cứu, chuẩn bị điều kiện cần thiết và tổ chức thực hiện các thẩm quyền, nhiệm vụ được giao, nhất là những nhiệm vụ mới được bổ sung trong các luật, nghị quyết, cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù được áp dụng tại địa phương. Chủ động xử lý theo quy định của pháp luật đối với những vấn đề phát sinh trong quá trình thi hành luật, nghị quyết.
Thứ tám, quan tâm bố trí hợp lý các nguồn lực về tài chính, cơ sở vật chất, tổ chức bộ máy, biên chế và các điều kiện cần thiết khác để triển khai thực hiện luật, nghị quyết một cách hiệu quả, tiết kiệm; có phương án tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả gắn với nhiệm vụ xây dựng và thi hành pháp luật.
Trong triển khai 8 nhiệm vụ này, Thủ tướng nhấn mạnh 3 vấn đề quan trọng: (1) Cần phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn nữa đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi và tăng cường kiểm tra, giám sát theo tinh thần địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm; (2) cương quyết xóa bỏ cơ chế "xin cho", không tạo ra hệ sinh thái "xin-cho"; (3) cương quyết cắt bỏ các thủ tục rườm rà, làm tăng chi phí tuân thủ cho người dân và doanh nghiệp, tạo tham nhũng vặt.
Với 18 luật, 21 nghị quyết được thông qua, Kỳ họp thứ 8 là kỳ họp Quốc hội có số lượng luật được thông qua lớn nhất, chiếm gần 1/3 (18/61 luật) tổng số luật được Quốc hội ban hành từ đầu nhiệm kỳ tới nay. Tính cả kỳ họp bất thường lần thứ 5 và thứ 7 thì riêng năm 2024, Quốc hội đã thông qua 31 luật, nhiều hơn tổng số luật (30 luật) được ban hành trong 3 năm trước đó - 3 năm đầu của nhiệm kỳ.
PV/chinhphu.vn