Một góc huyện Đông Anh.
Một góc huyện Đông Anh.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài vừa ký ban hành Chương trình công tác năm 2025 của Ban Chấp hành Đảng bộ TP. Hà Nội, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội khóa 17 (nhiệm kỳ 2020-2025).

Đáng chú ý, Ban Chấp hành Đảng bộ và Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội sẽ xem xét tiến độ thực hiện đề án lên quận của 4 huyện: Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức, Thanh Trì.

Trong đó, dự kiến tháng 4/2025, Thành ủy Hà Nội sẽ xem xét báo cáo tiến độ thực hiện đề án lên quận của 2 huyện Đông Anh, Gia Lâm; vào tháng 10/2025, sẽ xem xét việc thực hiện đề án lên quận của 2 huyện Hoài Đức, Thanh Trì.

Theo Quyết định số 1569/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, dự kiến thành lập 6 quận/thành phố.

Cụ thể, về phương án phát triển hệ thống đô thị Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, ngoài 12 quận hiện hữu, định hướng đến năm 2030 dự kiến thành lập các quận Gia Lâm, Hoài Đức, Thanh Trì, Đông Anh và quận/thành phố, đô thị Đan Phượng, Mê Linh.

Thành phố/ thị xã dự kiến thành lập gồm đô thị Sóc Sơn, đô thị Hòa Lạc, đô thị Xuân Mai, đô thị Sơn Tây, đô thị Phú Xuyên. Đô thị dự kiến thành lập, thị trấn là đô thị Chúc Sơn, đô thị Quốc Oai, đô thị Phúc Thọ, thị trấn Tây Đằng, đô thị Tản Viên Sơn, thị trấn Liên Quan, thị trấn Thường Tín, thị trấn Kim Bài, thị trấn Vân Đình.

Về phương hướng phát triển, phát triển đô thị Hà Nội mang bản sắc riêng của Thủ đô, là hình mẫu đi đầu trong phát triển đô thị xanh, thông minh, tuần hoàn, hạ tầng đồng bộ, hiện đại; tạo lập môi trường sống văn minh, có sức hút đầu tư và tạo việc làm, phát triển bền vững.

Phát triển không gian đô thị kết hợp chặt chẽ với việc sử dụng an toàn và hiệu quả không gian ngầm, bảo đảm sử dụng tiết kiệm đất, bảo vệ môi trường và các yêu cầu về an ninh, quốc phòng.

Phát triển mô hình đô thị TOD tại các khu vực có ga đường sắt để mở rộng không gian phát triển, tạo lập không gian sống tiện ích, hiện đại, có hạ tầng dịch vụ đồng bộ, đáp ứng nhu cầu của người dân.

Cùng với đó, phát triển mở rộng đô thị khu vực phía Bắc sông Hồng để tạo không gian đô thị cân đối, hài hòa hai bên sông, phát triển trục sông Hồng thành trục cảnh quan trung tâm, là không gian văn hóa kết hợp thương mại, dịch vụ, du lịch và nghỉ dưỡng…

An Nguyên (t/h)