Hôm nay, thành phố Đà Nẵng, bước vào ngày thứ 7 thực hiện lệnh giới nghiêm “Ai ở đâu thì ở yên đó”. Chúng ta có thời gian ngồi để suy ngẫm lại trước, trong thời gian đang diễn ra lệnh cấm.
Nhớ lại ngày 15/8, toàn thành phố thực hiện việc giãn cách xã hội, người dân đổ về các siêu thị, các điểm bán hàng và một số chợ chưa bị phong tỏa, trước thông tin về 7 ngày thực hiện triệt để Chỉ thị 05 và Chỉ thị 16+.
Đây không phải là lần đầu tiên xảy ra chuyện này. Và thực tế những ngày qua cho thấy nhiều người không ra khỏi nhà, chỉ đi siêu thị trước hôm giãn cách mà sau đó thành F0. Như chính quyền thành phố Đà Nẵng đã tuyên bố: Đây là trận đánh lớn chưa có tiền lệ, trước khi diễn ra trận đánh này chính quyền sở tại đã chuẩn bị một kịch bản rất chỉn chu về mọi thứ… Cái ăn quan trọng, nhưng an toàn trước virus càng quan trọng hơn thế nữa, trong thời điểm dầu sôi, lửa bỏng của dịch lây lan rất nhanh chóng thế này.
Tác hại của dịch bệnh cùng biến chủng virus mới, lây lan nhanh hơn đã làm cho công tác chống dịch của chính quyền thành phố Đà Nẵng trở nên cực kỳ khó khăn và không ít những vướng mắc. Nếu mọi người vẫn ào đến chỗ đông người, vẫn tụm năm tụm ba, 5K không triệt để thì rất khó để khống chế được dịch bệnh.
Bằng quyết tâm cả hệ thống chính trị và ý thức tuân thủ của người dân, sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, từng bước dịch đã được khoanh vùng, khống chế ở nhiều địa phương. Thế nhưng, đã có những sơ hở do ý thức kỷ luật kém của một số người dân.
Đợt dịch nào chúng ta cũng tuyên truyền, thông tin đầy trách nhiệm, song vẫn có những người vi phạm về khai báo, trốn cách ly, không tuân thủ các quy định phòng, chống dịch gây ra hậu quả nghiêm trọng. Trong lúc bài học của nam tiếp viên hàng không (bệnh nhân 1342) vẫn còn nóng hổi, bị khởi tố do vi phạm quy định phòng, chống dịch, làm lây lan dịch cho người khác, nhiều nơi và nhiều người vẫn không lấy đó làm gương mà còn cố tình vi phạm.
Muốn chiến thắng "trận đánh lớn" này, phụ thuộc vào chính ý thức và trách nhiệm của mỗi công dân. Xin đừng để công lao biết bao nhiêu người, tận hiến của lực lượng tuyến đầu trong những ngày trở thành vô nghĩa.
Cuộc chiến còn cam go với dịch Covid-19 dù không có bom rơi, đạn nổ nhưng toàn Đảng, toàn quân và nhân dân ta luôn xác định phương châm “Chống dịch như chống giặc”. Điều này cho thấy rằng dịch Covid-19 thực sự là mối nguy hiểm khủng khiếp, đe dọa sức khỏe, tính mạng của người dân, cũng như gây ra tổn hại nặng nề về kinh tế - xã hội. Do đó việc phòng, chống, ngăn chặn dịch bệnh nguy hiểm này không chỉ đòi hỏi sự quyết liệt, đồng tâm, hợp lực của toàn dân mà còn đặt ra yêu cầu phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định pháp luật về phòng, chống dịch và khuyến cáo của ngành y tế.
Bởi lẽ, trong cuộc chiến đầy gian nan, nguy hiểm này, chỉ một sai lầm, thậm chí là sơ suất nhỏ cũng có thể phải trả giá rất đắt, không chỉ làm sự lây lan, bùng phát dịch bệnh trong cộng đồng mà còn là sức khỏe, tính mạng của người dân, làm ảnh hưởng tới thực hiện “mục tiêu kép” vừa chống dịch vừa phát triển, ổn định kinh tế - xã hội.
Hoàng Hữu Quyết