Đẩy mạnh đầu tư tư nhân đảm bảo sự phát triển bền vững - Hình 1

 Ảnh minh hoạ

Đầu tư tư nhân tăng liên tục

Tài chính tư nhân trong nước của nước ta được đo bằng đầu tư của khu vực ngoài quốc doanh theo báo cáo của Tổng cục Thống kê - đã gia tăng liên tục từ năm 2000, tăng gấp 4 lần lên 24,2 tỷ USD năm 2015. Theo nghiên cứu của UNDP, tỷ trọng nguồn tài chính tư nhân trong nước trong tổng các nguồn lực tài chính cho phát triển của Việt Nam là tương đối thấp và tăng chậm so với các nước ASEAN khác.

Con số này vẫn ở dưới mức bình quân 46 tỷ USD của khu vực (không kể Singapore) và còn ít hơn rất nhiều so với USD 200 tỷ của Indonesia. Đầu tư thương mại tính theo đầu người của Việt Nam là 301 USD, chưa bằng 1/2 mức bình quân 659 USD của ASEAN (Sáng kiến Phát triển, 2017). Tính theo phần trăm GDP, đầu tư tư nhân dao động từ 8% năm 2000 đến 16% năm 2007 và 13% năm 2015. Tỷ trọng tài chính tư nhân trong nước của Việt Nam so với tổng nguồn tài chính phát triển (23%) còn dưới mức bình quân (31%) của khu vực ASEAN.

Về đầu tư phát triển, khu vực tư nhân của nước ta đóng góp bình quân 38,4% tổng đầu tư phát triển trong các năm 2011-2016. Tuy nhiên, tỷ trọng này còn thấp so với tỷ trọng cần có để đầu tư tư nhân trở thành đầu tàu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của đất nước.

Theo Báo cáo đánh giá về tài chính cho phát triển của Việt Nam với chủ đề “Tài chính cho phát triển bền vững ở Việt Nam” của Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP), sự gia tăng phát triển của khu vực kinh tế tư nhân ở Việt Nam và việc mở rộng nguồn tài chính tư nhân trong nước là ưu tiên hàng đầu giúp Việt Nam đáp ứng nhu cầu tài chính để thực hiện thành công các mục tiêu phát triển bền vững.

UNDP đánh giá cao những quyết sách của Chính phủ để xử lý các cản trở đối với sự phát triển khu vực kinh tế tư nhân trong bối cảnh bức tranh tài chính quốc tế thay đổi nhanh chóng, toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) đang tăng tốc.

Tuy nhiên, theo ông Haoliang Xu, Trợ lý Tổng thư ký Liên Hợp quốc, Giám đốc UNDP khu vực châu Á và Thái Bình Dương, đầu tư từ khu vực tư nhân trong nước tăng gấp đôi vào năm 2015 so với năm 2002, song chỉ chiếm 40% tổng tài chính cho phát triển. Tỷ lệ đầu tư tư nhân trên đầu người của Việt Nam hiện thuộc nhóm thấp nhất khu vực ASEAN, khi chỉ đạt 490 USD so với mức trung bình của các nước ASEAN là 690 USD.

Ông Haoliang Xu cho rằng, Việt Nam cần sớm thực hiện một số biện pháp như khuyến khích tăng đầu tư tư nhân trong nước, đầu tư công tập trung và huy động đầu tư tư nhân; thu hút những dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài liên kết công ty trong nước trong chuỗi giá trị toàn cầu. Cùng với đó, đẩy mạnh thu thuế, quản lý tài sản công và áp dụng thuế tài sản, thuế môi trường; đồng thời, xây dựng khuôn khổ tài chính phối hợp cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Trong thời gian tới, gia tăng phát triển của khu vực kinh tế tư nhân và mở rộng nguồn tài chính tư nhân trong nước là những ưu tiên hàng đầu giúp Việt Nam đáp ứng nhu cầu tài chính cho việc thực hiện thành công các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDG).

Động lực cho sự phát triển bền vững

Trong bối cảnh những thay đổi diễn ra nhanh chóng đối với bức tranh tài chính quốc tế, toàn cầu hóa và thúc đẩy Công nghiệp hóa 4.0, xét mức đầu tư tư nhân trong nước còn tương đối nhỏ và tăng trưởng chậm chạp, vai trò ngày càng quan trọng - là đầu tàu thúc đẩy tăng trường kinh tế của đất nước. Khắc phục những nút thắt đối với việc mở rộng khu vực tư nhân trong nước và đầu tư tư nhân trong nước là một trong những ưu tiên hàng đầu của Việt Nam.

Gia tăng phát triển của khu vực kinh tế tư nhân và mở rộng nguồn tài chính tư nhân trong nước là những ưu tiên hàng đầu giúp Việt Nam đáp ứng nhu cầu tài chính cho việc thực hiện thành công các Mục tiêu Phát triển bền vững.

UNDP khuyến nghị nhiều giải pháp để mở rộng đầu tư của khu vực tư nhân. Trong đó, đầu tiên là tạo dựng một sân chơi bình đẳng cho khu vực kinh tế tư nhân trong nước, điều hết sức quan trọng là phải gỡ bỏ trở ngại để khu vực tư nhân trong nước có thể cạnh tranh bình đẳng với DNNN và DN có vốn nước ngoài, ví dụ những trở ngại về tiếp cận tín dụng, đất đai hay giảm thuế và miễn thuế; và cải cách DNNN và sửa đổi các chính sách FDI nhằm khuyến khích các công ty tư nhân thâm nhập thị trường và tăng cường liên kết với các chuỗi giá trị trong nước và toàn cầu. Trong bối cảnh này, rất cần xây dựng những chính sách và biện pháp kích thích để các doanh nghiệp FDI tạo ra nhiều hiệu ứng lan tỏa hơn nữa về việc kết nối các công ty trong nước với các chuỗi giá trị toàn cầu và thực hiện chuyển giao công nghệ.

Ngoài nỗ lực tăng số lượng các doanh nghiệp tư nhân và hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp (start-up), cần xây dựng các chính sách và cung cấp sự hỗ trợ có trọng điểm nhằm giúp khu vực tư nhân trong nước (các doanh nghiệp quy mô lớn, vừa, nhỏ và cực nhỏ cũng như các doanh nghiệp gia đình) tăng trưởng về quy mô, năng suất và năng lực cạnh tranh, cùng với mối liên kết mạnh mẽ hơn với các chuỗi giá trị trong nước và toàn cầu và thúc đẩy quá trình chuyển hóa từ kinh tế phi chính thức sang kinh tế chính thức.

Ngoài việc tiếp tục nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, cần chuyển hướng hỗ trợ sang các doanh nghiệp trong nước để họ có thể tiếp cận đất đai và tín dụng cũng như sự hỗ trợ phù hợp với các doanh nghiệp vừa và nhỏ để họ tăng cường nâng cao năng lực quản lý kinh doanh và tiếp thị, các mối liên kết với các chuỗi giá trị trong nước và quốc tế và năng lực kỹ thuật để thực hiện công nghệ mới và sẵn sàng chớp lấy thời cơ cũng như đối đầu với thách thức mà nền Công nghiệp 4.0 đặt ra.

Việt Nam hướng tới con đường phát triển bao trùm và áp dụng mô hình tăng trưởng mới dựa vào năng suất lao động và khả năng cạnh tranh quốc tế cao hơn nhằm tạo ra nhiều việc làm có năng suất hơn cho tất cả mọi người, trong khi cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 đang tăng tốc, đòi hỏi xây dựng một chiến lược mới trong việc huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn tài chính cho phát triển cũng trở nên cấp bách hơn.

Theo chuyên gia của UNDP, Việt Nam cần nhanh chóng từ bỏ việc sử dụng các biện pháp khuyến khích qua thuế và các đặc quyền khác như là những biện pháp để thu hút FDI; tăng cường sự tham gia tích cực của mình vào các sáng kiến quốc tế nhằm khắc phục những tập quán thuế có hại liên quan đến thu hút FDI của các quốc gia. Đồng thời, có các hành động cụ thể giảm sự cạnh tranh giữa các tỉnh trong việc sử dụng ưu đãi thuế và các biện pháp khuyến khích khác để thu hút FDI.

Theo khuyến nghị của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc đưa ra cho việt Nam: “Việt Nam cần xây dựng một chiến lược mới nhằm thu hút sự tham gia của tất cả các thành phần kinh tế - xã hội trong việc huy động các nguồn lực để tài trợ cho các dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng cứng cũng như hạ tầng mềm, nâng cao chất lượng nguồn vốn con người – đặc biệt là trang bị cho lực lượng lao động của mình những “kỹ năng thế kỷ 21” – nói riêng và để thực hiện thành công các mục tiêu phát triển bền vững nói chung”.

 Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Lê Quang Mạnh cho biết, nhu cầu về tài chính của Việt Nam để đạt được các mục tiêu phát triển đã đề ra là rất lớn. Chính phủ đã thực hiện nhiều biện pháp chính sách để tập trung tài chính cho phát triển như giảm chi thường xuyên, cải cách đầu tư công…

Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam xác định phát triển khu vực kinh tế tư nhân, huy động được nguồn lực tư nhân là động lực cho tăng trưởng, phát triển bền vững. Nhiều giải pháp chính sách đã được thực hiện trong thời gian qua để tạo môi trường thuận lợi cho khu vực tư nhân, như Luật Quy hoạch được ban hành năm 2017, bỏ quy hoạch sản phẩm, đảm bảo quyền tự do kinh doanh của người dân và doanh nghiệp trong tất cả các ngành nghề mà pháp luật không cấm…

Hà Trần