THCL Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XIII là 24,4%, cho thấy sự sụt giảm đáng kể, thấp nhất trong bốn nhiệm kỳ gần đây.

Chủ tịch Ủy ban Quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam, Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội, Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, mặc dù tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội ở từng nhiệm kỳ có tăng nhưng chưa thật bền vững. Cụ thể, số nữ đại biểu Quốc hội chiếm 21,77% ở khóa VII; 18% ở khóa VIII; 18,84% ở khóa IX; 26,2% ở khóa X; 27,31% ở khóa XI; 25,76% ở khoá XII, 24,4% ở khóa XIII.

Theo thống kê của Liên minh Nghị viện Thế giới, với tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XIII đạt 24,4%, Việt Nam đang xếp thứ 54/190 quốc gia được xếp hạng trên thế giới, đứng thứ tư trong 10 nước Đông Nam Á có nghị viện (sau Đông Timor, Philippines và Lào).

Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XIII cho thấy sự sụt giảm đáng kể và thấp nhất trong bốn nhiệm kỳ gần đây. Trong vòng 20 năm (từ năm 1987 đến năm 2007), đại biểu Quốc hội là nữ chỉ tăng được gần 4%.

Đó là thông tin từ tọa đàm “Vai trò của truyền thông nhằm thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong bầu cử đại biểu quốc hội và Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp” do Ủy ban Quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam tổ chức.

Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2015 - 2020 vừa qua đã tạo thêm những điểm sáng mới trong việc thực hiện mục tiêu về tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị. Kết quả bầu cử đại hội Đảng các cấp cho thấy, tỷ lệ phụ nữ tham gia cấp ủy ở cả bốn cấp của nhiệm kỳ này đều đạt cao hơn so với nhiệm kỳ trước.

Cụ thể, tỷ lệ cấp ủy viên là nữ cấp xã chiếm 19,69% (tăng 1,59%); cấp huyện đạt 14,3% (tăng 0,3%); cấp tỉnh đạt 13,3% (tăng 1,9%). Cấp Trung ương có 17/180 ủy viên chính thức, đạt 9,4% (tăng 0,8%). Đặc biệt, trong nhiệm kỳ của Đại hội XII, có ba đồng chí nữ tham gia Bộ Chính trị, chiếm 15,7%. Hy vọng, thành tựu trên sẽ tạo đà để thực hiện đạt chỉ tiêu về tỷ lệ nữ tham gia đại biểu Quốc hội khóa XIV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021.

Nữ Bộ trưởng nhấn mạnh, chỉ còn gần ba tháng nữa sẽ bước vào kỳ bầu cử Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021. Để phấn đấu đạt 35% trở lên đại biểu nữ trong Quốc hội và HĐND các cấp, phải bảo đảm giới thiệu nữ ứng cử viên cao hơn tỷ lệ nói trên. Số liệu của các kỳ bầu cử trước cho thấy, trong danh sách ứng cử chính thức vào Quốc hội, chỉ có 31% ứng cử viên là nữ. Trong đó, số ứng cử viên nữ do Trung ương giới thiệu là 12%.

Trong quá trình khắc phục những hạn chế này, các cơ quan truyền thông đóng vai trò quan trọng đối với việc nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về bình đẳng giới, thúc đẩy sự ủng hộ phụ nữ tham gia mạnh mẽ hơn vào lĩnh vực chính trị. Do đó, công tác truyền thông về bình đẳng giới, ủng hộ sự tham gia của phụ nữ trong quá trình bầu cử đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp được tăng cường với các nội dung trọng tâm như các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lãnh đạo, quản lý; các quy định của Luật Bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp, trong đó có quy định có ít nhất 35% phụ nữ trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội, HĐND; tuyên truyền vai trò và những đóng góp quan trọng của phụ nữ trong quá trình phát triển đất nước và những tấm gương phụ nữ tiêu biểu trong công tác lãnh đạo, quản lý...

Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Bùi Thị Thanh chia sẻ, một trong những kinh nghiệm của nhiều địa phương là phải dự kiến số lượng phụ nữ ứng cử một cách rộng rãi ngay từ hiệp thương lần thứ nhất để lựa chọn dần đến hội nghị hiệp thương lần thứ ba, số đại biểu nữ vẫn bảo đảm một tỷ lệ thích hợp và kết quả trúng cử không chỉ đáp ứng được chỉ tiêu đề ra mà còn có khả năng cao hơn.

Bà Thanh đề xuất, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực HĐND các cấp, trong quá trình dự kiến cơ cấu, thành phần, số lượng người ứng cử, cần quán triệt sâu sắc chủ trương bình đẳng giới. Theo đó, các cơ quan, tổ chức, đơn vị được dự kiến phân bổ người ứng cử phải là những nơi có nhiều điều kiện để có thể giới thiệu người ứng cử là nữ. Bảo đảm cân bằng về giới tính khi phân bổ số lượng các ứng cử viên, các ứng cử viên nữ không gánh quá nhiều cơ cấu.

M. Châu (Thương hiệu và Công luận)