Công bố phương án tuyển sinh

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở rút kinh nghiệm tổ chức thi các năm trước, nhất là năm 2018, kỳ thi tuyển sinh ĐH năm 2019, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư Sửa đổi, bổ sung một số Điều của Quy chế tuyển sinh ĐH hệ chính quy; nhóm ngành đào tạo GV hệ chính quy.

Thông tư sửa đổi, bổ sung ban hành kèm theo Thông tư số 05/2017/TT-BGDĐT ngày 25/1/2017, đã được sửa đổi bổ sung tại Thông tư số 07/2018/TT-BGDĐT ngày 1/3/2018 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Năm nay, đề án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển ĐH, CĐ năm 2019 theo hướng giữ ổn định về phương thức tổ chức để không ảnh hưởng đến quá trình dạy và học của GVHS. Đồng thời, thực hiện một số điều chỉnh kỹ thuật trong quy trình tổ chức thi nhằm khắc phục các hạn chế, bất cập để đảm bảo tổ chức kỳ thi nghiêm túc, khách quan, an toàn.

Các trường ĐH, CĐ chủ động xây dựng và công bố đề án tuyển sinh, đảm bảo nguyên tắc tự chủ. Ngoài phương thức sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia 2019, các trường có thể sử dụng phương thức khác để tuyển sinh.

Mùa tuyển sinh 2019, bên cạnh tỷ lệ điểm thi trong kỳ thi THPT quốc gia dùng để xét tốt nghiệp sẽ tăng lên, chiếm 70%, điểm học tập lớp 12 sẽ là 30%. Đề thi năm 2019, có nội dung nằm trong chương trình THPT chủ yếu lớp 12, bảo đảm khối lượng cơ bản để xét tốt nghiệp THPT, đồng thời có độ phân hóa hợp lý để giúp các cơ sở giáo dục ĐH làm căn cứ tuyển sinh. Trong những năm gần đây, kết quả thi THPT quốc gia không còn là cánh cửa duy nhất để thí sinh bước vào ĐH. Phần lớn, các trường đều sử dụng đa dạng các phương án tuyển sinh để gia tăng nguồn tuyển đạt chất lượng. Các hình thức xét tuyển trong từng trường cũng đa dạng hơn khi có những căn cứ đánh giá khác ngoài điểm thi THPT quốc gia. Với các phương án xét tuyển linh hoạt hiện nay, các trường đang giảm dần sự phụ thuộc vào điểm thi THPT quốc gia.

Từ chủ trương chung như vậy, ĐHTN đã sớm công bố phương án tuyển sinh bằng nhiều phương thức tuyển để phía người học chủ động lựa chọn nhằm tránh gây xáo trộn về tâm lý, cũng như chủ động trong việc lựa chọn đăng ký cho các thí sinh.

Đại Học Thái Nguyên: Tạo nền tảng vững chắc để phát triển - Hình 1

Đại học Thái Nguyên 

ĐHTN là một trong 3 ĐH vùng, có sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, góp phần thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế - xã hội cho vùng trung du miền núi Bắc Bộ và cả nước. ĐHTN có cơ cấu tổ chức theo mô hình ĐH 2 cấp, đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực các trình độ của giáo dục ĐH, bao gồm các đơn vị đào tạo (các cơ sở giáo dục ĐH thành viên, các khoa trực thuộc và phân hiệu ĐH) và các đơn vị phục vụ đào tạo (các viện nghiên cứu, các trung tâm).

Công tác tuyển sinh và đào tạo

Phương thức xét tuyển dựa vào kết quả học tập THPT (học bạ) được áp dụng trong xét tuyển thí sinh vào tất cả các trường ĐH thành viên, khoa Quốc tế, phân hiệu ĐHTN, Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật; phương thức xét tuyển kết hợp thi tuyển được áp dụng cho ngành GD MN; GD thể chất thuộc Trường ĐH Sư phạm. (Bạn đọc có thể xem thông tin tại website của ĐHTN http://tuyensinh.tnu.edu.vn/ và các cơ sở đào tạo để biết thêm chi tiết).

ĐHTN còn có các ngành đào tạo GV&SV không phải đóng học phí. SV học ở ĐHTN còn có cơ hội học cùng lúc 2 chương trình (cấp 2 bằng ĐH). Sau khi tốt nghiệp, SV có thể đăng ký học văn bằng 2 hoặc bậc học cao hơn (ThS, TS…).

Hiện nay, ĐHTN đào tạo 141 ngành đào tạo trình độ ĐH, 60 ngành đào tạo trình độ thạc sĩ, 32 ngành đào trạo trình độ tiến sĩ thuộc nhiều lĩnh vực: Khoa học GD&ĐT GV; y tế; nhân văn; kinh doanh và quản lý; máy tính và CNTT; công nghệ kỹ thuật; kỹ thuật; nông - lâm nghiệp và thủy sản… Năm 2018, quy mô đào tạo là 62.271, trong đó quy mô đào tạo sau ĐH là 4.678 người.

Năm 2019, ngoài các ngành truyền thống, ĐHTN đầu tư mở mới 5 ngành đào tạo có nhu cầu nguồn nhân lực cao, gồm các ngành: Logistics; kinh doanh nông nghiệp; kinh doanh quốc tế; kỹ thuật thực phẩm; quản lý thông tin. ĐHTN thực hiện tuyển sinh trong cả nước với 10.550 chỉ tiêu hệ ĐH và 1.200 hệ CĐ.

Các ngành đào tạo của ĐHTN bao trùm tất cả các nhu cầu nhân lực kinh tế - xã hội của đất nước (trừ lĩnh vực AN-QP). Đặc biệt, ĐHTN đang đào tạo 9 chương trình tiên tiến được nhập khẩu từ Hoa Kỳ, Anh, Úc; 3 chương trình đào tạo chất lượng cao.

Đại Học Thái Nguyên: Tạo nền tảng vững chắc để phát triển - Hình 2

GS.TS Phạm Hồng Quang - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Đại học Thái Nguyên,  Chủ tịch Hội đồng Đại học Thái Nguyên.

Năm học 2019 - 2020 và những năm tới, ĐHTN tiếp tục thực hiện NQ29 về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, cam kết thực hiện tốt tự chủ ĐH, nhằm tạo ra một bước chuyển biến rõ rệt về chất lượng đào tạo. Các chương trình đào tạo đáp ứng thị trường lao động; chủ động tái cơ cấu ngành nghề đào tạo, tập trung xây dựng một số ngành đào tạo mũi nhọn có thế mạnh của ĐHTN (trong 2 năm qua đã chủ động tạm dừng tuyển sinh 21 ngành đào tạo và mở mới 12 ngành đào tạo cử nhân và ThS); đổi mới, nâng cao tính sáng tạo, chủ động và tạo động lực mới cho sự phát triển của GD ĐH. Đồng thời, chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ giảng dạy, cán bộ khoa học và cán bộ quản lý theo hướng chuẩn hóa và hội nhập quốc tế.

Bên cạnh đó, nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học, tăng cường hội nhập quốc tế và yêu cầu của cuộc CMCN 4.0; tập trung các nguồn lực đầu tư xây dựng và phát triển các viện nghiên cứu khoa học, nhóm nghiên cứu mạnh, thực hiện các nghiên cứu chuyên sâu gắn với chuyển giao công nghệ, kết quả phải được sản phẩm hóa, gắn với DN; huy động trí tuệ của đội ngũ các nhà khoa học đầu tư cho đào tạo và nghiên cứu khoa học.

ĐHTN đang thể hiện vai trò của ĐH trọng điểm, trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ có chất lượng cao của vùng và đất nước.

Năng động trong thời kỳ mới

Các trường ĐH thành viên thuộc ĐHTN đã có trên nửa thế kỷ phát triển, cùng với 25 năm phát triển, ĐH đã đào tạo và cung cấp cho đất nước trên 500.000 cán bộ có trình độ ĐH và sau ĐH, đặc biệt trong đó có trên 15.000 cán bộ có trình độ ThS, 268 cán bộ có trình độ TS. 

Chỉ tính riêng trong 5 năm gần đây, ĐHTN đã đào tạo và cung cấp cho vùng và đất nước gần 57.000 cán bộ có trình độ ĐH và trên 7.000 cán bộ có trình độ sau ĐH. Chất lượng đào tạo không ngừng được củng cố và tăng cường. Đến nay, 7/7 trường ĐH thành viên của ĐHTN đã được đánh giá và cấp chứng nhận kiểm định chất lượng quốc gia.

ĐHTN luôn coi trọng đầu tư, phát triển, đổi mới chương trình đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội, hội nhập quốc tế và khu vực, đặc biệt là nhu cầu nguồn nhân lực trong bối cảnh toàn cầu hóa và cuộc CMCN 4.0. Các chương trình đào tạo của ĐHTN đang phát triển theo hướng đảm bảo đáp các yêu cầu kiểm định chất lượng trong nước và tiệm cận với các tiêu chuẩn kiểm định chất lượng của AUN-QA; ĐHTN đi đầu của cả nước trong GD STEM…

Nhằm đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực thời kỳ hội nhập, ĐHTN không ngừng triển khai và mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế ở các lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ… ĐHTN đã ký kết 252 văn bản hợp tác quốc tế với 22 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó 6 chương trình liên kết đào tạo TS, 11 chương trình liên kết đào tạo ThS, nhập khẩu 10 chương trình tiên tiến từ một số trường ĐH nước ngoài như ĐH Bang Oklahoma, ĐH Buffalo, ĐH California (Hoa Kỳ), ĐH Manchester Metropolitan, ĐH De Montfort (Anh)...

Các chương trình tiên tiến, chương trình chất lượng cao giảng dạy bằng tiếng Anh, đang được thực hiện ở một số trường ĐH thành viên thu hút nhiều SV nước ngoài đến học tập. ĐHTN đang đào tạo gần 700 SV và học viên đến từ nhiều quốc gia trên thế giới. Nhiều chương trình đào tạo ở ĐHTN, SV có cơ hội học tập, thực tập ở nước ngoài theo diện trao đổi học thuật...

Đại Học Thái Nguyên: Tạo nền tảng vững chắc để phát triển - Hình 3

ĐHTN đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất

Ngày 12 tháng 3 năm 2019, ĐHTN đã vinh dự được Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng kí tặng Huân chương lao động hạng Nhất “do có thành tích xuất sắc trong công tác giáo dục và đào tạo từ năm học 2013-2014 đến năm học 2017-2018, góp phần vào sự nghiệp xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc”. Đây là phần thưởng cao quý, ghi nhận quá trình xây dựng và phát triển của toàn Đại học, là sự đánh giá và động viên của Đảng và Nhà nước về cả chặng đường phát triển của ĐHTN và các trường thành viên với 3 trường đại học thành viên đã được tặng danh hiệu “Anh hùng Lao động”; 8 lượt trường đại học thành viên được tặng Huân chương Độc lập các hạng; 16 lượt trường được tặng Huân chương Lao động; 2 cá nhân được phong tặng danh hiệu “Anh hùng lao động”, 12 cá nhân được tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quốc”; 2 cá nhân đạt giải thưởng Kovalevskaia; 107 giảng viên được phong tặng danh hiệu NGND, NGƯT, Thầy thuốc Nhân dân, Thầy thuốc ưu tú và nhiều cá nhân được tặng thưởng huân chương, bằng khen của Nhà nước và Chính phủ…       

Bên cạnh việc thực hiện tốt công tác đào tạo, ĐHTN còn chú trọng thực hiện tốt nghĩa vụ xã hội qua việc tổ chức các hoạt động tình nguyện, nhân đạo, từ thiện, công tác đền ơn đáp nghĩa đối với người có công với cách mạng. ĐHTN đã cử hàng nghìn lượt cán bộ, SV đến các vùng sâu, vùng xa để hướng dẫn sản xuất, tư vấn học tập; xây dựng các công trình hạ tầng; tổ chức khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho những người nghèo, tổ chức thăm hỏi gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Những năm gần đây, ĐHTN đã đóng góp, ủng hộ các quỹ từ thiện, nhân đạo của địa phương số tiền gần 10 tỷ đồng và hàng chục nghìn ngày công lao động, hàng chục nghìn học liệu giúp đỡ GD vùng đặc biệt khó khăn....

Hoàng Thiệp