Tốt nghiệp trường Báo năm 1973, ông về công tác tại báo Quân đội Nhân dân. Với những phóng viên trẻ mới vào nghề nhiệt huyết còn hừng hực lắm. Lúc ấy, ông mê chụp. Ông chụp tất cả những điều ông thấy, ông kể lại rằng báo Quân đội nhân dân lúc bấy giờ có trụ sở tại Phan Đình Phùng, có những buổi chiều vạt nắng đổ dài xen qua kẽ lá, chạy những vệt dài dưới hàng sấu cổ thụ khiến trái tim ông có nhiều xúc cảm để chụp ảnh. Nhưng chụp nhiều, cũng có nhiều bức ảnh đẹp, nhưng nhìn kỹ lại ông vẫn chưa hài lòng vì chưa có thật nhiều nội dung hay động lại những rung cảm.

Đại tá, Nghệ sĩ Nhiếp ảnh, Nhà báo Trần Hồng: Người ghi lại những “hình hài hy sinh” của đất nước - Hình 1

Đại tá, Nghệ sĩ Nhiếp ảnh, Nhà báo - Trần Hồng

Rồi một ngày ông nhìn thấy hình hài người mẹ tại số 8 phố Lý Nam Đế, cứ mỗi sáng chiều khi đi bà đi chợ về, lại vội quẳng gánh để chạy ra đón cháu. Đứng trên tầng 3 tòa soạn, nhìn những hình ảnh ấy ông có thêm những trăn trở, muốn tìm hiểu về tâm hồn người mẹ, điều gì khiến những thứ tình cảm vô hình ấy trở nên gắn kết. Những trăn trở ấy vẫn thôi thúc ông từng ngày, đặt nhiều dấu hỏi lớn trong suy nghĩ của ông.

Rồi những lần về thăm quê, ông kể lại rằng dù lớn và lập gia đình, những mỗi lần về thăm mẹ, bà lại gội đầu và tắm rửa cho ông như một đứa trẻ. Rồi có một buồi chiều khi mẹ đang gội đầu cho ông, bỗng ánh mắt bà lóe lên niềm hạnh phúc, khoảnh khắc ấy ông chợt hiểu ra rằng hạnh phúc với những người mẹ chỉ đơn giản là những điều bình dị như thế. Nhưng ông lại nghĩ… còn những người mẹ ngoài kia có những người con hy sinh vì Tổ quốc, những điều bình dị ấy sẽ mãi chẳng thể thành hiện thực. Niềm đau đó đó đã dẫn lỗi cho ông đặt những viên gạch đầu tiên trong cuộc đời gắn liền với những bức chân dung của những người mẹ Việt Nam anh hùng.

Ông nói rằng, những hình hài người mẹ để lại cho ông thật nhiều day dứt, mất mát đi một người con đã là những vết thương khó lành, nhưng ở dải đất hình chữ S này, còn rất nhiều bà mẹ hy sinh tất cả những người con, nỗi đau ấy chẳng thể nào kể siết. Như hiểu được ra chân lý trong sự nghiệp nhiếp ảnh của mình, ông dành 30% thời gian để đi khắp đất nước để chụp lại chân dung những người mẹ, để chúng ta không quên những nỗi đau chiến tranh mang lại, để những người mẹ âm thầm hy sinh cho chiến tranh được biết tới như một tượng đài – những tượng đài lặng lẽ đóng góp một phần không nhỏ cho chiến tranh.

Hơn 20 năm rong ruổi ghi lại những khoảnh khắc về Mẹ, với hàng nghìn bức ảnh chân dung, kho tài liệu đồ sộ ấy không những mang lại rất nhiều cảm xúc cho người xem, mà còn đạt nhiều giải thưởng danh giá trong và ngoài nước. Những bức ảnh ông chụp không chỉ khắc họa chân dung về mẹ, mà còn là thể hiện những sợi dây kết nối vô hình giữa những thế hệ. Không chỉ để lại cho những thế hệ sau những bức ảnh đáng giá, mà nó còn để lại niềm tự hào, lòng biết ơn của thế hệ trẻ với những người đã hy sinh và cống hiến cả cuộc đời cho đất nước…

Đại tá, Nghệ sĩ Nhiếp ảnh, Nhà báo Trần Hồng: Người ghi lại những “hình hài hy sinh” của đất nước - Hình 2

Hình ảnh mẹ Thứ bên mâm cơm đợi con được Đại tá Trần Hồng ghi lại 

Trong sự nghiệp cầm máy, chụp hàng nghìn những bức ảnh về những người mẹ Việt Nam anh hùng, được ông gói gọn trong cuốn sách ảnh “Chân dung Mẹ” xuất bản năm 1997. Trong hàng nghìn bức ảnh đồ sộ ấy, có lẽ kỷ niệm khó phai nhất đối với ông là hình ảnh mẹ Nguyễn Thị Thứ (Quảng Nam) ngồi bên mâm cơm đợi con cháu trở về. Không chỉ khắc họa rõ nét những mất mát sau chiến tranh, mà bức ảnh còn lột tả rõ nét sự hy sinh thầm lặng của những người mẹ Việt Nam anh hùng. Mẹ Nguyễn Thị Thứ có 9 người con (không kể con rể và cháu ruột) lần lượt tham gia kháng chiến, nhưng tất thảy 9 người con ra đi nhưng đều không trở về, ngồi bên mâm cơm xế chiều trong làn khói hương nghi ngút… ánh mắt buồn thương đã phần nào cho thấy sự khốc liệt của chiến tranh, cũng như những nỗi đau những bà mẹ Việt Nam anh hùng đã và đang gánh chịu, không chỉ là nỗi đau mất con, mà còn là nỗi nhớ, sự cô quạnh lúc về già.

Những năm tháng chiến tranh đã đi qua, nhưng nỗi đau vẫn còn mang nặng trên vai những người Mẹ có những người con ra đi trong hai cuộc kháng chiến. Những bức ảnh không chỉ ghi lại chân thực về những người mẹ, đức hy sinh lớn lao… mà còn để cho những thế hệ sau này nhớ đến những năm tháng hào hùng của dân tộc, để trân quý thời khắc hòa bình… vì 2 từ “hòa bình” mà máu, nước mắt của hàng triệu người đã ngã xuống.

Nhạc sỹ Trịnh Công Sơn đã từng có những câu hát bất hủ: “Đêm chong đèn ngồi nhớ lại/ Từng câu chuyện ngày xưa/ Mẹ về đứng dưới mưa/ Che đàn con nằm ngủ /Canh từng bước chân thù/ Mẹ ngồi dưới cơn mưa…” khắc họa những hy sinh lớn lao của những người mẹ, người mà tôi gọi những tiếng thiêng liêng – “những hình hài hy sinh” của đất nước.

Quang Nam