Hoạt động hiệu quả
Theo đó, 11/12 Quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk được thành lập và hoạt động theo Đề án thí điểm thành lập Quỹ tín dụng nhân dân ban hành kèm theo Quyết định số 390/TTg ngày 27/7/1993 của Thủ tướng Chính phủ (giai đoạn 1994 – 1999).
Cùng với sự phát triển của các Quỹ tín dụng nhân dân, hệ thống ngành ngân hàng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk cũng phát triển mạnh mẽ. Mạng lưới hoạt động phủ khắp địa bàn các huyện trong tỉnh, với 220 điểm giao dịch ngân hàng (năm 2019), trong đó, Quỹ tín dụng nhân dân có 16 điểm giao dịch ngân hàng, vươn rộng đến cả những khu vực nông thôn, vùng sâu mà từ trước đến nay được coi là lãnh địa riêng của Quỹ tín dụng nhân dân.
Tổng dư nợ cho vay của các Quỹ tín dụng nhân dân của tỉnh chiếm dưới 2% tổng dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng trên địa bàn. Điều này cho thấy, Quỹ tín dụng nhân dân khó cạnh tranh với các tổ chức tín dụng khác trên địa bàn.
Qua khảo sát điều tra thành viên của các Quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn cho thấy, các sản phẩm tài chính của Quỹ tín dụng nhân dân chỉ mang tính thuần túy (chiếm 96%) là huy động tiền gửi, cấp tín dụng, chuyển tiền điện tử.
Nếu xét về các khoản lợi ích từ các sản phẩm huy động tiền gửi của ngân hàng thương mại thì khách hàng, thành viên đánh giá cao hơn (68%) so với sản phẩm huy động tiền gửi của Quỹ tín dụng nhân dân.
Đa số các thành viên cho rằng lãi suất cho vay của Quỹ tín dụng nhân dân tương đối cao (rất cao chiếm 46%, cao chiếm 32%), trong khi thủ tục xét vay là như nhau. Vì vậy, thành viên tham gia không mặn mà với Quỹ tín dụng nhân dân (42% thành viên trả lời có ý định rời khỏi Quỹ tín dụng nhân dân).
Tuy nhiên, các giải pháp chưa có sự đổi mới cả về nội dung và phương pháp quản trị, điều hành, kinh doanh không có chiến lược rõ ràng vẫn đầu tư theo kiểu đám đông, chạy theo lợi nhuận nên không quản trị được các rủi ro trong hoạt động; ý thức chấp hành pháp luật chưa đầy đủ, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tin học… hạn chế.
Nhìn chung, các Quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn đều có tổng tài sản và vốn điều lệ ngày càng tăng, đảm bảo khả năng tài chính cho hoạt động của Quỹ tín dụng nhân dân, với mục tiêu hỗ trợ các thành viên lẫn nhau, không vì mục đích lợi nhuận, 12/12 Quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn đều hoạt động có hiệu quả, thu nhập lớn hơn chi phí.
Các Quỹ tín dụng nhân dân từ khi thành lập cho đến nay không ngừng được tăng cường, củng cố, chấn chỉnh hoạt động, tạo một kênh tín dụng thuận lợi thúc đẩy phát triển kinh tế trên địa bàn, tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn và dịch vụ ngân hàng cho các đối tượng khách hàng ở địa bàn nông nghiệp, nông thôn.
Các văn bản pháp lý liên tục được sửa đổi, bổ sung để phù hợp với tình hình hoạt động của các Quỹ tín dụng nhân dân trên cả nước và các bài học, kinh nghiệm của các nước trên thế giới. Đến nay, các văn bản pháp lý dần ổn định và đã tạo lập một trật tự pháp luật cho các bên có liên quan thực thi.
Các Quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn muốn phát triển hiệu quả thì mục tiêu, cơ cấu tổ chức và hoạt động phải theo nguyên tắc Hợp tác xã. Đây là nguyên tắc đặc trưng của Quỹ tín dụng nhân dân so với các loại hình tổ chức tín dụng khác.
Quỹ tín dụng nhân dân không thể phát triển nếu rời xa mục tiêu tương trợ cộng đồng, tuy nhiên để phát triển hiệu quả, Quỹ tín dụng nhân dân cũng phải hoạt động có lãi để bảo tồn nguồn vốn và có tích lũy để tăng cường năng lực tài chính, đồng thời nâng cao khả năng phục vụ thành viên.
Cơ cấu tổ chức của Quỹ tín dụng nhân dân phải đảm bảo được tính dân chủ, bình đẳng, đó là: Mọi tổ chức, cá nhân tự nguyện gia nhập nếu có đủ các điều kiện hoặc ra khỏi Quỹ tín dụng nhân dân theo quy định; Mọi thành viên đều có quyền ngang nhau trong việc tham gia vào các quyết định quan trọng và được tham gia vào bộ máy quản trị, điều hành, kiểm soát của Quỹ tín dụng nhân dân.
Tính bình đẳng ở đây thể hiện ở nguyên tắc “mỗi thành viên – một phiếu bầu” chứ không phụ thuộc vào số vốn góp, điều này có ý nghĩa sâu xa là không tổ chức hay cá nhân nào có quyền thâu tóm quyền lực hoặc gây tác động ảnh hưởng đến tổ chức và hoạt động của Quỹ tín dụng nhân dân.
Vì vậy, các Quỹ tín dụng nhân dân phải điều chỉnh tổ chức, hoạt động bảo đảm theo đúng tôn chỉ mục đích, tuân thủ nguyên tắc Hợp tác xã, không chạy theo lợi nhuận đơn thuần, trong đó chú trọng về vấn đề rà soát chất lượng thành viên, tăng cường các biện pháp gắn kết, tuyên truyền và phát triển thành viên, nâng cao tính tương trợ, liên kết giữa các thành viên, tập trung vào mục tiêu hỗ trợ thành viên phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, cải thiện đời sống, đồng thời bảo đảm thành viên thực chất, thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ của các thành viên đối với sự phát triển của Quỹ tín dụng nhân dân.
Tránh hình thành lợi ích nhóm, duy trì vận động góp vốn thường niên, tiết kiệm bắt buộc với số đông thành viên (hình thành mô hình thành viên tiết kiệm, tổ thành viên vay vốn) để tránh tình trạng gửi tiền, vốn góp tập trung vào một số nhóm thành viên của Quỹ tín dụng nhân dân, mất đi bản chất của mô hình Hợp tác xã.
Chú trong công tác nhân sự
Thành viên sáng lập, quản trị, điều hành Quỹ tín dụng nhân dân là những con người Hợp tác xã, có đạo đức, năng lực, đặc biệt là uy tín trong nhân dân trên địa bàn hoạt động của Quỹ tín dụng nhân dân, đó là trụ cột quan trọng nhất quyết định sự phát triển an toàn, bền vững của mô hình này.
Vì vậy, các Quỹ tín dụng nhân dân phải thường xuyên kiện toàn bộ máy quản trị, điều hành, kiểm soát bảo đảm đáp ứng đủ điều kiện theo quy định, tăng cường công tác đào tạo, tự đào tạo, nâng cao năng lực quản trị, điều hành, kiểm soát và tuyệt đối tránh hình thành cơ chế quản trị gia đình, họ hàng tại Quỹ tín dụng nhân dân. Hội đồng quản trị, điều hành và kiểm soát làm đúng chức trách nhiệm vụ, tránh chồng chéo làm thay hoặc lấn sân, chi phối, phụ thuộc vào một nhóm người, Ban Kiểm soát phải bảo đảm an toàn hoạt động độc lập.
Chủ tịch Hội đồng quản trị, Ban Kiểm soát và bộ máy điều hành nâng cao trách nhiệm trong việc quản lý, kiểm tra, giám sát hoạt động tại Quỹ tín dụng nhân dân; phổ biến, quán triệt tới toàn thể nhân viên Quỹ tín dụng nhân dân và chỉ đạo triển khai quyết liệt các giải pháp phòng chống, ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động một cách có hiệu quả.
Chú trọng củng cố, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ và thành lập kiểm toán nội bộ theo quy định để bảo đảm an toàn hoạt động, tuyệt đối chấp hành quy định của ngân hàng Nhà nước về các tỷ lệ an toàn trong hoạt động, các quy định về hoạt động cho vay, huy động vốn, về phân loại nợ, trích lập dự phòng và xử lý rủi ro tín dụng.
Chủ động cân đối giữa nguồn vốn và sử dụng vốn để đảm bảo khả năng chi trả, khả năng thanh toán. Chấp hành đúng các quy định của ngân hàng Nhà nước về cho vay, huy động, lãi suất.
Thường xuyên rà soát toàn bộ các hoạt động nhằm đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật về tiền tệ và hoạt động ngân hàng, trên cơ sở đó phát hiện, ngăn ngừa các vi phạm pháp luật, thực hiện có hiệu quả các giải pháp khắc phục các vi phạm pháp luật.
Triển khai quyết liệt, hiệu quả Phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 – 2025 đã được ngân hàng Nhà nước phê duyệt. Tích cực triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp xử lý nợ xấu, đôn đốc thu hồi nợ, bán, xử lý tài sản bảo đảm, khởi kiện khách hàng vay, sử dụng dự phòng để xử lý và các biện pháp cần thiết khác để đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu.
Kiện toàn bộ máy quản trị, điều hành, kiểm soát – kiểm toán đảm bảo đáp ứng đầy đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định, nhằm hạn chế rủi ro và vi phạm pháp luật trong hoạt động.
Tăng cường công tác đào tạo, tự đào tạo để nâng cao kiến thức về nghiệp vụ tài chính ngân hàng, nâng cao năng lực quản trị, điều hành của đội ngũ cán bộ quản lý, điều hành kiểm soát Quỹ tín dụng nhân dân.
Rà soát, chỉnh sửa và hoàn thiện các quy định nội bộ về quản trị, kiểm soát – kiểm toán, điều hành, các quy định về hoạt động tín dụng, kế toán, ngân quỹ; kiểm soát đánh giá các rủi ro có thể xảy ra trong từng quy trình nghiệp vụ để có biện pháp ngăn ngừa, xử lý kịp thời. Quản lý chặt chẽ các ấn chỉ quan trọng, giấy tờ có giá, đặc biệt là sổ tiết kiệm trắng theo đúng quy định của pháp luật.
Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản trị, điều hành, kiểm soát hoạt động Quỹ tín dụng nhân dân: Thông qua việc đào tạo, đào tạo lại nhằm nâng cao kiến thức nghiệp vụ tài chính ngân hàng, khả năng quản trị, điều hành và kiểm soát và đạo đức nghề nghệp; Quỹ tín dụng nhân dân cần xây dựng kế hoạch đào tạo, đào tạo lại hàng năm và tập huấn nghiệp vụ mới; Chủ động liên hệ, đề xuất, kiến nghị để nhân sự Quỹ tín dụng nhân dân được tham gia các khóa đào tạo do Hiệp hội, ngân hàng Hợp tác xã, ngân hàng Nhà nước tổ chức. Các quy chế tuyển dụng trong đó quy định rõ tiêu chuẩn, ưu tiên những người có trình độ, được đào tạo chính quy để vào các vị trí nghiệp vụ, tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng để giao giữ các nhiệm vụ quan trọng của Quỹ tín dụng nhân dân. Nâng cao tính độc lập của Ban Kiểm soát và nhất là kiểm soát viên chuyên trách để ngăn ngừa và phòng tránh những nguy cơ mất an toàn của các Quỹ tín dụng nhân dân.
Hoàn thiện, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị và nâng cao năng lực công nghệ thông tin của các Quỹ tín dụng nhân dân: Mỗi Quỹ tín dụng nhân dân cần chú trọng đầu tư xây dựng trụ sở, các trang thiết bị, hệ thống thông tin quản lý, tin học hóa trong quản trị, điều hành nghiệp vụ, bảo đảm 100% Quỹ tín dụng nhân dân có cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu an toàn hoạt động và được lắp đặt internet; Hoàn thiện lắp đặt hệ thống thông tin quản lý thống nhất trong toàn hệ thống để các Quỹ tín dụng nhân dân hoạt động chuyên nghiệp.
Đối với các Quỹ tín dụng nhân dân có biểu hiện đi chệch nguyên tắc Hợp tác xã: Khắc phục triệt để những tồn tại hiện có, đưa hoạt động của các Quỹ tín dụng nhân dân này theo đúng nguyên tắc Hợp tác xã và tuân thủ mục tiêu hỗ trợ thành viên, tương trợ cộng đồng.
Đối với các Quỹ tín dụng nhân dân hoạt động liên xã thì càng phải đáp ứng yêu cầu tiêu chí về an toàn và phát triển bền vững cao hơn.
Ths. Lê Thị Lệ Thủy và cộng sự