Đạm Cà Mau tổ chức họp ĐHCĐ sáng ngày 11/6. Ảnh chụp màn hình
Đạm Cà Mau tổ chức họp ĐHCĐ sáng ngày 11/6. Ảnh chụp màn hình

KVF lỗ liên tục từ 2018

Trước thềm ĐHCĐ thường niên 2024, Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau – Đạm Cà Mau (mã: DCM) cho biết đã hoàn thành mua 100% phần vốn góp tại Công ty Phân bón Hàn – Việt (KVF). Công ty này được thành lập năm 2015 có vốn điều lệ 2.054 tỷ đồng.

Theo Đạm Cà Mau, KVF đang vận hành nhà máy NPK có công suất thiết kế 360.000 tấn NPK/năm, tổng vốn đầu tư 60 triệu USD. Việc thâu tóm KVF sẽ giúp doanh nghiệp tăng đáng kể công suất sản xuất. Trước đó, công ty có nhà máy sản xuất urê hạt đục với công suất 800.000 tấn/năm và nhà máy NPK Cà Mau công suất 300.000 tấn/năm.

Đây là chủ đề nóng nhận được nhiều câu hỏi của cổ đông tại cuộc họp ĐHCĐ thường niên sáng ngày 11/6. Ông Văn Tiến Thanh, Tổng Giám đốc công ty cho biết thương hiệu NPK Hàn – Việt được định vị là một trong những thương hiệu NPK chất lượng cao, hướng đến nhóm cây trồng cao cấp, có thị phần nhất định. Có 2 lý do để Đạm Cà Mau thâu tóm nhà máy Hàn Việt gồm gia tăng sản lượng NPK và vị trí thuận lợi cho phát triển thị trường Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, miền Trung. “Nhà máy Hàn Việt chỉ cách cảng Hiệp Phước 500 m, rất thuận lợi cho trung chuyển và tồn trữ hàng hóa”, ông Thanh nói.

Lãnh đạo DCM tiết lộ các nhà đầu tư cũ đã đổ vào nhà máy Hàn - Việt khoảng 83 triệu USD (~ 2.000 tỷ đồng). Nhà máy đi vào vận hành từ 2018 và lỗ liên tục, chỉ 1 năm duy nhất có lãi nhưng là lãi gộp. Đạm Cà Mau mua lại với chi phí 23,6 triệu USD (khoảng 600 tỷ đồng). Sau 1 tháng, số liệu sơ bộ cho thấy nhà máy kinh doanh đã có lãi, đem lại dòng tiền trở lại cho công ty.

Ông Thanh bày tỏ kỳ vọng vào nhà máy Hàn – Việt bởi với sản phẩm NPK, vấn đề không nằm ở sản xuất mà nằm ở tiêu thụ. Đạm Cà Mau đã thâm nhập tốt thị trường này nên có sự tự tin nhất định.

Bên cạnh mua KVF, vào tháng 8/2023, Đạm Cà Mau hoàn thành mua đất tại TP.HCM để tu sửa thành văn phòng đại diện. Trong năm nay, ngân sách đầu tư của công ty lên đến 1.582,5 tỷ đồng. Doanh nghiệp sẽ đầu tư vào kho bãi, logistics như kho 12.000 tấn tại nhà máy, hệ thống xuất xá, mái che mưa, nhà máy sản xuất phân bón Cà Mau – cơ sở Bình Định, kho Nhơn Trạch – Đồng Nai. Ngoài ra, Đạm Cà Mau cũng đầu tư cho chuyển dịch năng lượng, sản xuất khí công nghiệp từ nguồn khí Off gas hiện hữu, khí Nitoe, khí Hydro…

Tổng Giám đốc Đạm Cà Mau trả lời cổ đông. Ảnh chụp màn hình
Tổng Giám đốc Đạm Cà Mau trả lời cổ đông. Ảnh chụp màn hình

Kế hoạch đặt thấp và thường vượt mạnh

Nhìn lại năm 2023, Tổng Giám đốc Đạm Cà Mau đánh giá là năm rất khó khăn. Giá nguyên liệu đầu vào tăng trong khi giá bán và nhu cầu giảm.

Cụ thể, giá khí thực hiện 2023 tăng 9% so với giá kế hoạch. Giá dầu bình quân 82,6 USD/thùng, tăng 18% so với kế hoạch. Thế nhưng, giá phân bón urê bình quân năm qua 352,7 USD/tấn, giảm 14% so với kế hoạch và giảm 34,8% so với cùng kỳ năm trước. Nhu cầu tiêu thụ trong nước giảm mạnh, urê nhập khẩu từ Brunei, Indonesia… tăng, giá cạnh tranh.

Sản lượng tiêu thụ urê năm qua tăng 4% so với 2022 đạt 956.000 tấn, đạm chức năng và NPK tăng lần lượt 55% và 31%. Động lực đến từ việc đẩy mạnh xuất khẩu khi thị trường trong nước trầm lắng, nhu cầu giảm, giảm áp lực tồn kho. Song, do giá bán giảm, tổng doanh thu đạt 13.172 tỷ đồng, giảm 19% và lợi nhuận sau thuế giảm 74% xuống 1.110 tỷ đồng.

Ông Thanh báo cáo, công ty đang nắm giữ 61% thị phần ở miền Tây Nam Bộ, 30% tại Tây Nguyên, 28% tại Đông Nam Bộ, 18% tại miền Trung và 8% tại miền Bắc. Với thị trường xuất khẩu, Đạm Cà Mau đã xuất khẩu sản phẩm đến hơn 20 quốc gia, sản lượng tiêu thụ chiếm 27% tổng sản lượng và 25% tổng doanh thu với lần lượt 344.000 tấn và 136 triệu USD. Trong đó, Campuchia là thị trường xuất khẩu lớn nhất chiếm hơn 60% sản lượng và giá trị xuất khẩu. Tại đây, Đạm Cà Mau chiếm lĩnh đến 48% thị phần.

CEO Đạm Cà Mau đánh giá ngành phân bón tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức năm nay. Nền kinh tế có nhiều diễn biến phức tạp, bất ổn địa chính trị, tỷ giá tăng cao, Fed chưa có thông tin giảm lãi suất, giá dầu tăng… Thời tiết diễn biến khó lường ElNino, xâm nhập mặn nghiêm trọng, nhu cầu khí cho sản xuất điện tăng, huy động khí tăng, giá mua khí tăng. Giá phân bón đang trong vùng trũng và dự báo đi ngang năm nay, cạnh tranh khốc liệt khi nguồn cung gia tăng, các nước đưa các nhà máy mới vào hoạt động (Trung Quốc, Ấn Độ,…). Nhu cầu phân bón tiếp tục giảm do diện tích canh tác thu hẹp, nông sản giá cả không ổn định, xâm nhập mặn, biến đổi khí hậu…

Theo đó, công ty đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 11.878 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 795 tỷ đồng cho năm 2024; lần lượt giảm 10% và 28% so với thực hiện 2023.

Song, ông Thanh cũng trấn an cổ đông rằng trong quá khứ doanh nghiệp luôn đặt kế hoạch kinh doanh thấp và thực tế đều vượt rất mạnh kế hoạch đề ra.

Dù lợi nhuận đi xuống trong năm 2023 nhưng HĐQT vẫn đề xuất mức trả cổ tức 2.000 đồng/cp, tương đương thanh toán 1.058 tỷ đồng, tức dùng đến hơn 95% lợi nhuận tạo ra năm vừa qua. Tuy nhiên, qua năm 2024, tỷ lệ cổ tức giảm xuống 10%.

Cổ đông cho rằng với dòng tiền và lợi nhuận tạo ra, Đạm Cà Mau hoàn toàn có thể đưa ra mức cổ tức cao hơn. Ông Thanh bày tỏ năm 2022 công ty đã chia cổ tức tỷ lệ 30% bằng tiền mặt và năm 2023 chia tỷ lệ 20%. Đây là mức cổ tức phù hợp với doanh nghiệp sản xuất phân bón có tỷ suất lợi nhuận đâu đó khoảng 10%. Năm 2024, công ty tập trung đầu tư mở rộng, chuyển đổi số, ESG, các hạng mục này đều có chi phí lớn.

“Tôi cho rằng kỳ vọng của cổ đông về sự phát triển của doanh nghiệp trong tương lai hơn là cổ tức trước mắt. Như việc mua nhà máy Hàn – Việt từ tháng 5 đã bắt đầu có lãi, đưa dòng tiền trở lại cho công ty”, CEO Đạm Cà Mau nói.

Theo Mỹ Hà/Nhà đầu tư