Quyết liệt và sáng tạo

Ngay từ những ngày đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2020, Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã quyết liệt định hướng, chỉ đạo cán bộ bám sát cơ sở, thực hiện nghiêm nguyên tắc “tập trung dân chủ”, nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”. Giữ vững nguyên tắc Đảng lãnh đạo tuyệt đối về mọi mặt, giải quyết công việc đúng thẩm quyền, không lấn sân, không làm thay nhiệm vụ của các cấp chính quyền.

Trong nhiệm kỳ, BTV Tỉnh ủy đã quyết liệt và sáng tạo trong chỉ đạo kiểm điểm tự phê bình và phê bình tập thể, cá nhân theo Nghị quyết (NQ) Trung ương 4 khóa XII. Cụ thể, đã mở rộng đối tượng kiểm điểm tự phê bình và phê bình đến tập thể, cá nhân các đồng chí Ủy viên BCH Đảng bộ từ tỉnh đến cơ sở. Quy định rõ trách nhiệm cá nhân đối với những khuyết điểm của tập thể và yêu cầu có kế hoạch khắc phục.

Vĩnh Phúc ngày một đổi mới và phát triểnVĩnh Phúc ngày một đổi mới và phát triển (ảnh: Khánh Linh)

Cùng với sự quyết liệt của Trung ương, năm 2018, lần đầu tiên BTV Tỉnh ủy Vĩnh Phúc quyết định thành lập 2 đoàn kiểm tra đối với Đảng đoàn HĐND, Ban cán sự đảng UBND tỉnh và kiểm tra toàn diện công tác cán bộ gắn với việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện NQ Trương ương 4, khóa XII ở cả 9/9 huyện, thành ủy... Qua kiểm tra, UBKT Tỉnh ủy đã xử lý kỷ luật đối với 01 BTV Huyện ủy và 06 cán bộ thuộc diện BTV Tỉnh ủy quản lý.

Xác định Chi bộ Đảng là hạt nhân lòng cốt và là cầu nối với nhân dân, BTV Tỉnh ủy đã có kế hoạch phân công các đồng chí UV BTV Tỉnh ủy, UV BCH Đảng bộ tỉnh và lãnh đạo các ban Đảng của Tỉnh ủy định kỳ dự sinh hoạt chi bộ tại cơ sở; Thành lập các tổ công tác cấp trên về dự sinh hoạt chi bộ ở cấp dưới để khắc phục tình trạng quan liêu, xa dân ngay từ cơ sở.

Để phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, trực tiếp Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh định kỳ thay phiên tiếp dân theo quy định.

Trong công tác cán bộ, BTV Tỉnh ủy đã kiên quyết thay thế, điều động, cho thôi chức vụ đối với cán bộ không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Thường xuyên cập nhật, bổ sung vào quy hoạch những cán bộ đảm bảo tiêu chuẩn và có nhiều giải pháp hiệu quả tháo gỡ khó khăn trong tạo nguồn lực cán bộ trẻ, cán bộ nữ.

Đặc biệt, Vĩnh Phúc là tỉnh đầu tiên đã chủ động ban hành Đề án về sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức tỉnh giai đoạn 2016 2021 (Đề án 01 ngày 30/11/2016 của BTV Tỉnh ủy Vĩnh Phúc) ngay sau khi có NQ số 39 của Bộ Chính trị. Nhiều nội dung xây dựng trong Đề án tương đồng với NQ số 18, 19 của BCH Trung ương (mặc dù Đề án được xây dựng trước một năm so với NQ của Trung ương). Ban hành các cơ chế chính sách đặc thù hỗ trợ cho cán bộ công chức, viên chức, người lao động thôi việc theo nguyện vọng; đã thí điểm thực hiện nhiều mô hình sắp xếp bộ máy, biên chế, khoán kinh phí theo hướng khoa học, hiệu quả. Kinh phí tiết kiệm được do thực hiện Đề án lên tới 285,14 tỷ đồng/năm. Qua thực tiễn, Đề án đã phát huy hiệu quả, được Trung ương đánh giá cao và là kinh nghiệm quý để các địa phương nghiên cứu, áp dụng.

Sau 3 năm thực hiện Đề án 01, toàn tỉnh đã giảm 3 chi cục; 58 phòng chuyên môn thuộc sở, ngành, đơn vị thuộc sở; 10 phòng cấp huyện; 108 đơn vị sự nghiệp công lập. Từ năm 2015 đến nay, toàn tỉnh đã cắt giảm 1.349 chỉ tiêu; tinh giản biên chế 281 trường hợp, cho thôi việc theo NQ 31, 37 là 1099 trường hợp. Về sắp xếp, bố trí kiêm nhiệm những người hoạt động không chuyên trách theo NQ 22/2017/NQ-HĐND, toàn tỉnh đã giảm được 11.419 người so với năm 2017.

Tạo những “mốc son” mới

Xác định phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm nên ngay từ đầu nhiệm kỳ, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã chỉ đạo ban hành nhiều NQ chuyên đề nhằm hoàn thành ở mức cao nhất các chỉ tiêu phát triển KTXH như: NQ số 01-NQ/TU ngày 1/9/2016 của BTV Tỉnh ủy về cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh; NQ số 02 về khuyến khích đầu tư các dự án dịch vụ chất lượng cao tại các vùng khó chuyển đổi cơ cấu kinh tế; NQ số 03 về phát triển sự nghiệp y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân; NQ số 04 về đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng...

Sản xuất linh kiện điện tử có mức tăng trưởng cao (ảnh: Chu Kiều)Sản xuất linh kiện điện tử có mức tăng trưởng cao (ảnh: Chu Kiều)

Với những NQ rõ ràng, sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy Đảng, kinh tế Vĩnh Phúc đã có những bước phát triển mạnh mẽ và tạo nên những “mốc son” mới. Năm 1997 (khi tái lập tỉnh) thu ngân sách của tỉnh chỉ đạt trên 100 tỷ đồng, đến năm 2004 Vĩnh Phúc đã tự cân đối được thu, chi ngân sách. Năm 2010 và 2015 thu ngân sách lần lượt là 15 và 25,58 ngàn tỷ đồng. Năm 2018, thu ngân sách tỉnh Vĩnh Phúc đạt cột mốc mới là trên 33 ngàn tỷ đồng. Năm 2019 đạt trên 35 ngàn tỷ đồng.

Tốc độ tăng trưởng GRDP giai đoạn 2011-2015 đạt 7,9%/năm và giai đoạn 2016-2020 ước đạt 8,1%/năm. Kết thúc năm 2019, tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng 8,05%. GRDP bình quân đầu người lần đầu tiên đạt 3 con số là 102,5 triệu đồng/người/năm, gấp 1,46 lần so với năm 2015 và gấp 2,3 lần so với năm 2010. Năng suất lao động xã hội ước đạt 187,9 triệu đồng/lao động/năm tăng 9,5% so với năm 2018.

Toàn tỉnh hiện có 9 khu công nghiệp, 1.139 dự án còn hiệu lực (775 dự án DDI với tổng vốn đăng ký là 80,9 nghìn tỷ đồng và 384 dự án FDI có tổng vốn đầu tư 5,02 tỷ USD); 10.693 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký 119.000 tỷ đồng (vượt mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra 10.000 doanh nghiệp).

Với nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, Vĩnh Phúc giờ không chỉ là trung tâm của ngành sản xuất ô tô, xe máy mà còn biết đến là tỉnh có nền công nghiệp phát triển mạnh mẽ. Trong đó, ngành SX linh kiện điện tử tăng trưởng liên tục trên 40% trong những năm gần đây. Các doanh nghiệp đến đầu tư tại Vĩnh Phúc không chỉ ở thị trường các nước truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc... mà cả ở các nước có thế mạnh về vốn, công nghệ như Hoa Kỳ, Pháp, Đức, Hà Lan...Cùng với công nghiệp, nhiều dự án lớn về du lịch cũng được các doanh nghiệp đầu tư như Flamingo Đại Lải, FLC Vĩnh Thịnh, Dự án Tam Đảo 2... khiến lượng du khách đến Vĩnh Phúc đạt mức tăng bình quân 15%/năm.

Vì nhân dân phục vụ

Trong nhiệm kỳ 2015-2020, Vĩnh Phúc đã tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị lớn với những tuyến giao thông có sự kết nối, lan tỏa như: Đường vành đai 2,3; quốc lộ 2B, đường Hợp Châu – Đồng Tĩnh đi Tây Thiên, đường và cầu Phú Hậu... Đặc biệt, hạ tầng xã hội phục vụ nhân dân được quan tâm đầu tư với những công trình rất lớn như: Bệnh viện Sản Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Trường THPT Chuyên, chợ Vĩnh Yên...

Xây dựng nông thôn mới tiếp tục được quan tâm thực hiện và thực chất hơn, đến nay, toàn tỉnh có 112/112 xã được công nhận đạt chuẩn NTM; 4/9 huyện, thành phố được công nhận đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và bảo vệ môi trường được đẩy mạnh và siết chặt.

Năm 2019, HĐND tỉnh Vĩnh Phúc ban hành NQ số 38 để triển khai hỗ trợ, huy động nhân dân tham gia xây dựng, cải tạo cống, rãnh thoát nước nhằm khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường ở các khu dân cư. NQ đã tạo được sự đồng thuận lớn trong nhân dân, chỉ trong thời gian ngắn, hơn 100 km hệ thống cống, rãnh thoát nước được hoàn thiện và con số này sẽ tiếp tục tăng cao trong thời gian tới.

Công tác an sinh xã hội được quan tâm, chăm lo. 100% hộ dân có nhà ở (toàn quốc là 93.1% ) với diện tích bình quân 29,1m2/người (đứng thứ 2 toàn quốc, sau Bắc Giang: 30m2/người); Hơn 22,8 nghìn người nghèo và 29,4 nghìn người cận nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế. Số hộ nghèo chỉ còn 1,46%, các đối tượng chính sách được quan tâm, bảo trợ.

Hiện, Vĩnh Phúc đứng thứ 3 trên toàn quốc (sau Hà Nội, Hải Phòng) về tỷ lệ trẻ em đến trường; Chất lượng giáo dục thuộc top đầu cả nước. Công tác quốc phòng, an ninh trật tự luôn được bảo đảm, chế độ chính sách thực hiện đầy đủ, đúng quy định...

Chặng đường thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc nhiệm kỳ 2015 -2020 đang tiến về đích, những kết quả đã đạt được trong thời gian qua dưới sự lãnh đạo của BTV Tỉnh ủy, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và nhân dân sẽ là nguồn lực to lớn tiếp thêm sức mạnh để Đảng bộ, nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ và hướng tới mục tiêu “làm cho Vĩnh Phúc thành một trong những tỉnh giàu có và phồn vinh nhất ở miền Bắc nước ta” mà Bác Hồ kính yêu từng căn dặn.

Long Trần - Lê Sơn