Hơn 10 năm bị thu hồi đất, nhưng chưa nhận được đất dịch vụ là tình cảnh của hàng nghìn hộ dân xã An Khánh (Hoài Đức, Hà Nội) đang phải hứng chịu sau “cơn lốc” đô thị hóa từ những năm 2000.
Chính quyền “bó tay”!
Là một xã thuần nông ven đô, từ năm 2001, xã An Khánh có hơn 435 ha đất nông nghiệp bị thu hồi để phục vụ các dự án đô thị, công nghiệp, giao thông. Tổng số hộ bị thu hồi 30% diện tích đất nông nghiệp trở lên là 2.073 hộ (tính theo thời điểm giao “sổ đỏ” năm 1993) thực tế hiện nay đã tách thành 3.200 hộ. Đáng chú ý, nông dân ở 4 thôn: Vân Lũng, Yên Lũng, Phú Vinh, An Thọ không còn đất canh tác.
“Không đâu ở Hà Nội mà đất nông nghiệp bị thu hồi nhiều như ở An Khánh. Suốt từ năm 2001, có tới 4 thôn nông dân hoàn toàn không còn đất nông nghiệp để canh tác. Việc đền bù “đất dịch vụ” để người dân kiếm kế sinh nhai vẫn dẫm chân tại chỗ từ ngày đó”, ông Nguyễn Huy Hoán, Phó chủ tịch UBND xã An Khánh chia sẻ.
Theo Nghị định số 17/2006/NĐ-CP của Chính phủ, người dân sau khi bị thu hồi đất sẽ được đền bù một diện tích được gọi là “đất dịch vụ” để chuyển hướng sinh kế. Thực hiện Nghị định trên, UBND tỉnh Hà Tây cũ (nay là TP. Hà Nội) đã ban hành quyết định cho những hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi 30% diện tích đất nông nghiệp trở lên được giao đất dịch vụ bằng 10% diện tích bị thu hồi, nhưng không quá 150 m2/hộ. Trên cơ sở đó, UBND xã An Khánh đã thành lập hội đồng xét duyệt, đề nghị giao đất dịch vụ cho các hộ dân bị thu hồi đất với tổng số đất cần có để giao là gần 400.000 m2 (40 ha). Tuy nhiên, đến nay tất cả vẫn đang nằm trên giấy. Theo ông Hoán, thực tế, địa phương không còn quỹ đất để trả cho dân nữa (?).
Phó chủ tịch UBND xã An Khánh, ông Nguyễn Huy Hoán cho biết: “Việc đòi đất dịch vụ là quyền lợi chính đáng của người dân, lãnh đạo xã cũng rất nôn nóng vì đã hơn 10 năm nợ đất của người dân chưa trả. Tuy nhiên, việc giao đất dịch vụ ở địa phương chúng tôi gặp vướng mắc ở chỗ, gần như toàn bộ diện tích đất nông nghiệp của 4/5 thôn trong xã đã bị thu hồi hết, hết quỹ đất bây giờ lấy đâu ra đất để trả cho dân? Chúng tôi rất sốt sắng nhưng cũng đành phải chờ đợi vì nằm ngoài thẩm quyền của địa phương”.
Người ăn không hết, kẻ lần chẳng ra
Ở An Khánh có một nghịch lý dễ nhận thấy: Rất nhiều đất dự án với diện tích rộng hàng chục nghìn mét bỏ hoang để cỏ mọc um tùm. Trong khi hàng nghìn hộ dân không có đất sản xuất, chịu cảnh thất nghiệp và địa phương thiếu nguồn đất dịch vụ. Thời gian qua, bà con đã nhiều lần kéo ra trụ sở UBND xã và đến tận nhà lãnh đạo xã để kiến nghị.
Chỉ cho chúng tôi những dự án “treo”, bỏ hoang hàng chục ha đất gần 10 năm nay, ông Nguyễn Trọng Vĩnh, Bí thư Chi bộ thôn An Thọ, bức xúc: “Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị với chính quyền các cấp thu hồi đất dự án bỏ hoang lâu năm, giao lại cho người dân sản xuất và chuyển sang đất dịch vụ, nhưng chưa thấy thực hiện. Trong khi theo quy định của Luật Đất đai thì đất giao làm dự án quá thời hạn 12 tháng không đưa vào sử dụng và chậm 24 tháng thì Nhà nước sẽ tiến hành thu hồi”.
Ông Nguyễn Hữu Đích, Trưởng thôn Yên Lũng cho hay, không chỉ bức xúc vì chậm cấp đất dịch vụ, bà con còn khiếu nại vì quy định cấp đất dịch vụ có sự bất hợp lý. Theo quy định hiện hành, những gia đình bị thu hồi từ 30% diện tích đất nông nghiệp trở lên sẽ được giao đất dịch vụ bằng 10% diện tích bị thu hồi, nhưng không quá 150 m2/hộ. Bất hợp lý ở chỗ Nghị định số 17/2006/NĐ-CP ban hành năm 2006, nhưng lại tính thời điểm giao đất cho hộ gia đình từ năm 1993. Thực tế là khi nhà nước thu hồi đất, rất nhiều gia đình đã tách hộ vì con lớn lấy vợ, lấy chồng ra ở riêng, chủ hộ được giao đất năm 1993 đã phải chia đất sản xuất cho các con. Xã An Khánh có hơn 1.000 hộ thuộc diện này, đã bị thu hồi 100% diện tích đất nông nghiệp (từ 1.500 m2 trở lên) nhưng theo quy định thì chỉ được tối đa 150 m2 đất dịch vụ. Như vậy họ rất thiệt thòi, vì số đất này phải chia năm, xẻ bảy cho mấy thế hệ gia đình. “Bà con rất mong Chính phủ và UBND TP. Hà Nội kịp thời điều chỉnh, tính thực tế số hộ gia đình tại thời điểm thu hồi đất của dân hoặc trả đất dịch vụ bằng đúng 10% tổng diện tích đất bị thu hồi, không khống chế mức tối đa 150 m2/hộ, để người dân đỡ khó khăn”, ông Đích nói.
Ông Nguyễn Huy Hoán: “Chúng tôi mong UBND Thành phố khẩn trương chỉ đạo các cơ quan chức năng sớm giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong việc tạo quỹ đất dịch vụ; khẩn trương đền bù, bàn giao mặt bằng và giúp địa phương quy hoạch xây dựng kết cấu hạ tầng các khu đất dịch vụ để chia cho dân”. |
Khánh Yên