Tại buổi tọa đàm, PGS. TS. Nghiêm Trung Dũng, viện Khoa học và Công nghệ Môi trường, cho biết có đơn vị từng có nghiên cứu suốt 10 năm về ô nhiễm không khí ở Hà Nội và chỉ ra 40% bụi mịn PM2.5 đến từ hoạt động giao thông. Theo đó, khi các nguồn gây ô nhiễm không khí sẽ dần giảm đi, nhưng nguồn gây ô nhiễm từ giao thông sẽ còn mãi.

"Chỉ cần hệ thống đèn xanh đèn đỏ hợp lý, tốc độ trung bình tăng lên thì bụi mịn từ giao thông cũng sẽ giảm đi, hoặc tốc độ lái xe không phải phanh gấp, bụi cũng ít hơn" - ông Dũng nêu.

Ông Dũng chỉ ra bất cập và phi lý hơn cả là thực trạng xe máy cũ chẳng phải tuân thủ tiêu chuẩn khí thải nào cả.

"Sau khi lưu hành thì xe máy cũ không phải đăng kiểm nữa, cũng không phải tuân theo tiêu chuẩn khí thải nào, đó là cái phi lý" - ông Dũng nói.

Đâu là nguyên nhân gây ô nhiễm không khí tại đô thị?
Đâu là nguyên nhân gây ô nhiễm không khí tại đô thị?.

 Với đề nghị Hà Nội, TP.HCM thu hồi xe máy cũ vừa mới được đưa ra, ông Hoàng Dương Tùng, chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam, khẳng định dù Bộ Tài nguyên - môi trường có văn bản đề nghị như vậy, nhưng với quy định của pháp luật hiện nay, không có cách nào để thu hồi tài sản xe máy cũ của người dân.

"Không thu hồi được vì đây là tài sản được chứng nhận sở hữu cho người dân, hiện nay cũng chưa có quy định thế nào là xe thải bỏ, không có khung pháp lý thu hồi tài sản xe máy cũ của cá nhân nên tôi tin là các địa phương không thực hiện được" - ông Tùng nói.

Theo ông Tùng, khi không thu hồi được xe máy cũ nát, phải thực hiện ngay việc kiểm tra khí thải xe máy để áp dụng biện pháp chứng nhận xe máy đủ điều kiện lưu hành và dừng lưu hành với xe máy không đáp ứng tiêu chuẩn khí thải.

"Tôi hy vọng chủ tịch Hà Nội cũng cho thực hiện kiểm tra khí thải xe máy trong thời gian tới" - ông Tùng nói.

Cũng tại buổi tọa đàm, GS. Phạm Ngọc Đăng, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và môi trường Việt Nam, chỉ rõ ‘thủ phạm’ gây ô nhiễm không khí ở Hà Nội chỉ hai nguồn chính, bụi từ giao thông và xây dựng, ‘diệt’ được hai nguồn này không khí sẽ trong sạch.

Ông Đăng cho rằng từ thời điểm "bùng" lên thông tin không khí ở Hà Nội ô nhiễm nhất thế giới, ông đã lên tiếng khẳng định thông tin này không chính xác, khẳng định rằng để đánh giá mức độ ô nhiễm không khí ở một thành phố, trị số để đánh giá là trị số trung bình nhiều ngày, trung bình năm, còn ô nhiễm không khí ở Hà Nội có nhiều thời điểm rất báo động.

Ô nhiễm không khí rất nghiêm trọng với sức khỏe, nhưng "nguy hiểm nhất là bụi mịn PM2.5, bụi này siêu nhỏ, có thể đi sâu vào trong cơ thể và gây ra nhiều bệnh tật, kể cả ung thư".

GS Đăng nêu số liệu dẫn chứng nguồn gây ô nhiễm không khí khoảng 40% từ hoạt động giao thông, 16% từ hoạt động xây dựng. Hoạt động giao thông làm phát sinh bụi mịn PM2.5, còn xây dựng gây ra bụi có kích cỡ lớn hơn là PM10 nhưng khi rơi xuống đường phố, xe cộ chạy qua lại cũng làm bào mòn bụi PM10 thành mụi mịn.

Ngoài ra, số liệu nguồn gây ô nhiễm thứ cấp chiếm khoảng 35% nhưng cũng từ hoạt động xây dựng như xây nhà mới, phá nhà cũ, đào đường, đào hè, xây dựng cầu cống… vì quá trình thi công ở Việt Nam đều không có ý thức bảo vệ môi trường.

"Từ kinh nghiệm của bản thân và qua nghiên cứu, tôi khẳng định hai nguồn chính gây ô nhiễm không khí ở Hà Nội là bụi từ hoạt động giao thông và xây dựng. Diệt được hai nguồn bụi này, không khí ở Hà Nội sẽ trong sạch", ông Đăng khẳng định, và cho rằng cần thực hiện đồng bộ 10 giải pháp, nhưng đầu tiên là phải kiểm soát chặt nguồn bụi từ giao thông, xây dựng.

Trúc Mai