Đó là nhấn mạnh của Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên trong Hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành về việc tăng cường tiếp nhận và sửdụngvaccine phòng COVID-19 do Bộ Y tế tổ chức vừa qua.
Nhiều địa phương từ chối nhận và tiêm chậm vaccine được phân bổ
Tại Hội nghị trực tuyến, Viện Vệ sinh dịch tế Trung ương đã công bố báo cáo mới nhất về việc triển khai công tác tiêm chủng và phân bổ vaccine trên cả nước. Cụ thể, một số địa phương vẫn chưa tiếp nhận số vaccine được phân bổ hoặc có văn bản đề nghị không nhận vaccine hoặc điều chuyển vaccine đã được phân bổ.
Theo báo cáo, Bộ Y tế đã tiến hành 148 đợt phân bổ vaccine cho các nhóm đối tượng, trong đó, phân bổ gần 219 triệu liều nhóm đối tượng là người lớn và trẻ từ 12 đến 17 tuổi. Hiện nay, tại tuyến quốc gia còn 15,8 triệu liều vaccine Pfizer dự trữ, với hạn sử dụng từ tháng 7-10/2022. Đối với nhóm trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, đã phân bổ 7 triệu liều vaccine Moderna và Pfizer và đang còn tại kho dự trữ 7,4 triệu liều 2 loại vaccine này. Số vaccine này hoàn toàn đáp ứng đủ nhu cầu cho các địa phương trong thời gian tới.
Trong đó, đợt phân bổ vaccine 146-147, Viện Vệ sinh dịch tế Trung ương đã phân bổ khoảng 7 triệu liều vaccine dựa trên tính toán số đối tượng cần phải tiêm mũi 3 và tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi để đạt được tỷ lệ bao phủ vaccine như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đến ngày 31/5, vẫn còn 13 tỉnh chưa tiếp nhận vaccine trong hai đợt phân bổ này, gồm Hà Nội, Hải Dương, Thanh Hóa, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, An Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Đồng Tháp, Kiên Giang, Cà Mau và Hậu Giang. Trong đó, Hải Dương và Thanh Hóa xin không tiếp nhận và Đồng Nai mới tiếp nhận một phần, số vaccine còn lại xin điều chuyển khoảng gần 650.000 liều.
Như vậy, tổng số tổng số vaccine mà các tỉnh đã tiếp nhận về là khoảng 3,2 triệu liều, con số chưa tiếp nhận là 3,8 triệu liều. Trong đó, còn rất nhiều vaccine có hạn tháng 06/2022 chưa được tiếp chấp nhận. Bên cạnh đó, các khu vực tồn khoảng 8,8 triệu liều, trong đó tuyến tỉnh tồn khoảng 2,7 triệu liều. Số vaccine tồn ở các địa phương khá lớn, khả năng tiêm chậm.
Chủ trì hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đề Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tăng cường triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19. Lãnh đạo Bộ Y tế nhấn mạnh, địa phương nào không tiếp nhận đủ vaccine COVID-19 để tiêm mũi 3, mũi 4 cho người từ 18 tuổi trở lên, cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi và để xảy ra dịch sẽ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Tính đến ngày 31/05/2022, Việt Nam đã tiếp nhận khoảng 234,6 triệu liều vaccine phòng COVID-19 cho người lớn và trẻ em từ 12 đến 17 tuổi. Đồng thời, tiếp nhận 14,5 triệu liều vaccine cho trẻ em, trong đó có hơn 7,2 triệu liều là Moderna và hơn 7,2 triệu liều Pfizer. Hiện, Viện Vệ sinh dịch tế T.Ư đã tiếp nhận hầu hết số vaccine từ các nguồn mua cũng như viện trợ và còn 4 triệu liều vaccine Moderna và Pfizer cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi sẽ tiếp nhận trong tháng 6/2022.
Nguyên nhân khiến việc tiêm vaccine Covid-19 bị chậm lại?
Theo Viện Vệ sinh dịch tế T.Ư, đến ngày 31/5, kết quả tiêm chủng mũi 1, mũi 2 cho người từ 18 tuổi trở lên cơ bản đạt 100%. Các tỉnh đều đạt tỷ lệ bao phủ 2 mũi vaccine trên 95%. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm nhắc lại lần một - mũi 3, hiện nay, Việt Nam mới đạt được 62,3%, với số được tiêm khoảng 42,2 triệu người. Như vậy, Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ phải cơ bản hoàn thành việc tiêm mũi 3 trong quý 2 (trong tháng 06/2022) rất khó có thể đạt được.
Hiện nay, một số địa phương đã bắt đầu triển khai tiêm nhắc lần hai - mũi 4, cụ thể đã có hơn 200.000 trường hợp được tiêm mũi 4. Nhóm trẻ em từ 12 đến 17 tuổi cơ bản đạt tỷ lệ tiêm 2 mũi rất cao, khoảng 97,4%. Khu vực Tây Nguyên tỷ lệ chung đạt 94,4 %, miền Nam đạt xấp xỉ 95%.
Với nhóm đối tượng là trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, tất cả 63/63 tỉnh, thành phố đã triển khai tiêm vaccine COVID-19. Theo báo cáo của các địa phương, khoảng 2,1 triệu trẻ bị mắc COVID-19 phải hoãn tiêm chủng và số trẻ mà dự kiến đủ điều kiện tiêm chủng trong tháng 6/2022 là khoảng 3,6 triệu trẻ. “Việc đạt được chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ yêu cầu là hoàn thành cơ bản tiêm mũi 2 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi trong tháng 06 là rất khó khăn. Điều này đòi hỏi các địa phương phải tăng cường, tăng tốc tiêm chủng. Đề nghị 13 địa phương khẩn trương ra soát và tiến hành tiếp nhận vaccine đợt 147 để triển khai tiêm vét cho các nhóm tuổi, tiêm mũi 3 và mũi 4 cho người từ 18 tuổi trở lên. Đợt 1 tiếp nhận từ ngày 6/6 và đợt 2 tiếp nhận trước ngày 15/6. Với các tỉnh đã tiếp nhận một phần vaccine trong đợt phân bổ này, đề nghị khẩn trương tiêm số vaccine mới chấp nhận, đồng thời có kế hoạch để tiếp nhận nốt số vaccine còn lại trước ngày 15/06 ”, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đánh giá.
Lý giải những vấn đề được nêu, lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, do dịch bệnh được kiểm soát tốt, tâm lý chung nhiều bậc phụ huynh từ chối tiêm vaccine cho trẻ. Trong tháng 6 và những tháng tiếp theo, tỉnh sẽ rà soát để triển khai tiêm vaccine cho trẻ đã khỏi bệnh được 3 tháng, với trường hợp gia đình chưa đồng ý tiêm sẽ tiếp tục vận động.
Trong khi đó, Thủ đô Hà Nội nêu khó khăn tồn tại, trong đó, nhóm trẻ từ 5 đến dưới 12 trên địa bàn thành phố có khoảng 1 triệu trẻ, với hơn 28% gia đình, bố mẹ hoặc người giám hộ chưa đồng ý tiêm. Và khoảng 48,6% trẻ mắc COVID-19 vào tháng 3/2022, phải hết tháng 06/2022 tiếp tục tiêm vaccine.
Về tiêm mũi 3, Hà Nội ghi nhận tình trạng biến động dân cư lớn, đặc biệt, trong đợt cao điểm tiêm chủng nhiều công ty, tập đoàn có trụ sở tại Hà Nội, nhưng cơ sở sản xuất kinh doanh lại đặt ở các địa phương khác, nên việc tiêm mũi 3 lại chủ động thực hiện ở tỉnh khác. Việc tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi chưa đạt tiến độ.
Do đó, Sở Y tế Hà Nội đã tham mưu cho UBND thành phố ban hành văn bản chỉ đạo gửi tới UBND tất cả các quận huyện. Sở Y tế cũng phối hợp với Sở GD-ĐT để xây dựng kế hoạch liên ngành để tăng cường công tác truyền thông để phụ huynh, người giám hộ đồng thuận cho trẻ tiêm chủng.
Hà Nội cũng tăng cường triển khai tiêm mũi 4 và tiếp nhận đầy đủ vaccine được phân bổ trong từ tuần tới.
Minh An (T/h)