Việc huy động các nguồn lực xây dựng đường xá bằng hình thức BOT không mới đối với Việt Nam, vì ở thập niên 90 của thế kỷ trước, con đường Trường Sơn nối từ sân bay Tân Sơn Nhất vào nội đô ở TP.HCM đã được xây dựng theo hình thức này.
Sau 10 năm khai thác, thu phí, các nhà đầu tư đã chuyển giao con đường khá đẹp này lại cho nhà nước. Trong tình hình tài chính của đất nước hiện nay, chắc chắn BOT vẫn là hình thức tốt nhất để xây dựng hệ thống đường, kể cả đường cao tốc trong cả nước, vấn đề còn lại là thực hiện như thế nào.
Hàng loạt vụ người dân tụ tập phản đối các trạm thu phí BOT bất hợp lý thời gian qua không chỉ gây mất an ninh, trật tự và an toàn giao thông mà còn làm ảnh hưởng lớn đến hình ảnh, chính sách kêu gọi đầu tư của nhà nước. Dù đã có những giải pháp miễn giảm phí cho người dân quanh khu vực các trạm thu phí này nhưng câu chuyện vẫn chưa thể dứt điểm bởi miễn, giảm phí không phải là cái gốc của vấn đề BOT.
Thời gian qua đã xuất hiện hàng loạt ồn ào về việc người dân tập trung phản đối trạm thu phí BOT cầu Bến Thủy 1, sau đó là người dân Hà Tĩnh phản đối trạm thu phí Cầu Rác, ở Cẩm Xuyên…trước đó thì người dân ở thị trấn Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình cũng đã tập trung phản đối chủ đầu tư trạm thu phí BOT QL6 và một số vụ phản đối khác.
Những ngày giữa tháng 3/2017, nhiều người dân địa phương đã dàn hàng phương tiện phản đối thu phí cao tại BOT Tam Nông (Phú Thọ)
Dư luận đặt câu hỏi vì sao người dân lại phản đối các trạm này và vì sao việc phản đối diễn ra ngày càng nhiều? Đã đến lúc chúng ta cần công khai để người dân biết đường nào là đường BOT và đường nào là đường không BOT, xây dựng bằng ngân sách nhà nước.
Đơn cử, Trạm thu phí BOT cầu Bến Thủy 1 thu phí để hoàn vốn cho dự án đường tránh TP. Vinh cách đó mấy cây số; trạm thu phí Cầu Rác trên QL1 là để thu phí cho đầu tư tuyến tránh TP. Hà Tĩnh cách đó vài chục cây số; trạm thu phí Tam Nông trên QL 32 là để thu phí cho đường Hồ Chí Minh qua Phú Thọ và đường nối vào QL32…
Còn rất nhiều điểm mập mờ, chưa thỏa đáng nên người dân không đồng tình và xảy ra việc tập trung đông người phản đối như thời gian vừa qua. Có nhiều ý kiến cho rằng, cần thiết phải cắm biển đường BOT ở đầu những tuyến BOT để người dân biết, lựa chọn. Đi đường BOT tốt hơn thì phải mất phí.
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh cho rằng: Người dân bức xúc như vậy thể hiện sự bất cập về việc đặt trạm thu phí không hợp lý. Ở miền Nam, những trạm thu phí xây dựng lên được người dân ủng hộ, tung hô vì cho họ đường tốt để lưu thông.
“Nhà nước, nhà đầu tư nói đúng quy trình, tôi đồng ý. Nhưng quy trình đó có vấn đề. Người dân sống quanh trạm BOT, hàng ngày đi qua nhiều lần, mỗi lần qua lại thu phí thì không thể chấp nhận được.
Trạm thu phí đặt chưa hợp lý, thành thử mới có chuyện. Còn nhà đầu tư anh giải thích thế nào thì giải thích, nhưng tôi không đi đường BOT thì không được thu phí của tôi…”, ông Thanh nhấn mạnh.
Là đại biểu Quốc hội đã từng chứng kiến người dân Lương Sơn, Hòa Bình tập trung phản đối trạm thu phí BOT QL6 và trực tiếp tiếp nhận ý kiến của người dân về việc này, đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng: Có nhiều việc cần phải làm sáng tỏ về các dự án đầu tư BOT hiện nay.
Theo đại biểu Dương Trung Quốc, điều mà người dân phản đối vì cho rằng còn nhiều mập mờ, không minh bạch là có cơ sở.
“Hiện các dự án BOT giống như một cái hộp đen, ai nhìn vào cũng không biết như thế nào. Cho nên cần thiết phải có sự minh bạch để người dân giám sát, kiểm tra. Ở đây nhiều tuyến đường nhà đầu tư chỉ “tráng men” mặt đường, sửa chữa vài hạng mục nhỏ rồi cũng đặt biển BOT, như vậy là không ổn chút nào. Cho nên cần thiết phải cắm biển cụ thể về dự án, làm gì, bao nhiêu tiền, thu phí bao nhiêu năm để dân giám sát và thực hiện", đại biểu Dương Trung Quốc nêu quan điểm.
Việc làm đường ở một nơi, nhưng lại “đặt nhầm” trạm thu phí ở một nơi là thực tế đang diễn ra hiện nay. Mặc dù quy định rất rõ là khi đầu tư làm đường BOT thì người dân có quyền được lựa chọn là đi đường BOT (mất phí) hoặc đường đầu tư bằng ngân sách (không mất phí).
Tuy nhiên, hiện nay việc này chưa được rõ ràng, minh bạch, khi thực hiện đầu tư, nhà đầu tư thường ngoằng thêm câu trong điều khoản hợp đồng, kiểu như “để đảm bảo khả năng cân đối tài chính, thu hồi vốn” nên cho xin thu phí cả đường cũ (đầu tư bằng ngân sách) song song với đường BOT mới. Nên kiểu gì thì người đi đường cũng phải “đưa đầu vào rọ”, không có sự lựa chọn.
Theo VOV