Thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) thay mặt Chính phủ ký trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021-2025.

Lý do chuyển 12 dự án thành phần sang đầu tư công

Nói rõ về việc chuyển toàn bộ 12 dự án thành phần của cao tốc Bắc-Nam sang đầu tư công, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết: Từ thực tiễn triển khai các dự án trong thời gian qua, đặc biệt là quá trình triển khai các dự án thành phần trên tuyến cao tốc Bắc-Nam phía đông giai đoạn 2017-2020 gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc.

Cụ thể, trong tổng số 11 dự án thành phần có 8 dự án triển khai theo phương thức PPP và 3 dự án đầu tư công vừa qua đã phát sinh một số yếu tố ảnh hưởng đến tính khả thi và tiến độ hoàn thành Dự án. Trong đó, chủ yếu là khó khăn về huy động vốn tín dụng. Thêm vào đó, sự bùng phát của đại dịch Covid-19 đã tác động nặng nề đến mọi mặt của đời sống, kinh tế-xã hội, hệ thống ngân hàng đã dành một lượng lớn vốn tín dụng để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, tăng tỉ lệ trích lập quỹ dự phòng rủi ro… nên hạn mức tín dụng cho vay trung và dài hạn càng hạn hẹp.

Cao tốc Hà Nội-Hải Phòng. Ảnh Báo Giao thông Vận tải.

Quá trình lựa chọn nhà đầu tư các dự án PPP cao tốc Bắc-Nam phía đông giai đoạn 2017-2020 cho thấy, nhóm các nhà đầu tư thực sự quan tâm đến các dự án kết cấu hạ tầng giao thông chủ yếu là các nhà đầu tư đã huy động vốn tín dụng để thực hiện các dự án BOT giai đoạn trước đây, nên khả năng tiếp tục huy động tín dụng để đầu tư các dự án mới sẽ khó khăn hơn…

Đầu tư công là hợp lý

Nói thêm về việc lựa chọn hình thức đầu tư công với dự án cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2021-2025, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm cho rằng, nếu triển khai các dự án thành phần theo hình thức PPP mức độ thành công sẽ không cao, có thể phát sinh các tình huống không lựa chọn được nhà đầu tư hoặc không huy động được vốn tín dụng để triển khai.

Ông Lâm cho biết, trường hợp đấu thầu không lựa chọn được nhà đầu tư, phải báo cáo cấp có thẩm quyền chuyển đổi sang đầu tư công, tiến độ kéo dài thêm khoảng 9 tháng. Ngay cả trường hợp lựa chọn nhà đầu tư thành công nhưng không huy động được vốn vay, tiến độ sẽ kéo dài thêm khoảng 13 tháng.

Gần 147.000 tỷ đồng cho 729 km cao tốc

Theo Tờ trình, để hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông, trong giai đoạn 2021-2025 cần đầu tư toàn bộ 12 dự án thành phần, chiều dài khoảng 729 km, gồm các đoạn: Hà Tĩnh - Quảng Trị (267 km), Quảng Ngãi - Nha Trang (353 km) và Cần Thơ - Cà Mau (109 km), đi qua địa phận 12 tỉnh, thành phố: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Cần Thơ, Hậu Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau.

12 dự án thành phần được đề xuất đầu tư bằng hình thức đầu tư công, gồm: Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi - Vũng Áng, Vũng Áng - Bùng, Bùng - Vạn Ninh, Vạn Ninh - Cam Lộ, Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, Hoài Nhơn - Quy Nhơn, Quy Nhơn - Chí Thạnh, Chí Thạnh - Vân Phong, Vân Phong - Nha Trang, Cần Thơ - Hậu Giang, Hậu Giang - Cà Mau.

Cao tốc Đà Nẵng -Quảng Ngãi. Ảnh: Chinhphu.vn.

Sơ bộ tổng mức đầu tư theo quy mô phân kỳ (4 làn xe) khoảng 146.990 tỷ đồng, gồm: Chi phí xây dựng và thiết bị (95.837 tỷ đồng), chi phí giải phóng mặt bằng, tái định cư (19.097 tỷ đồng), chi phí quản lý dự án, tư vấn, chi phí khác (12.015 tỷ đồng, chi phí dự phòng (20.041 tỷ đồng).

Trên cơ sở tiến độ triển khai, sơ bộ nhu cầu vốn và giải ngân trong giai đoạn 2021-2025 cần bố trí khoảng 139.640 tỷ đồng (khoảng 95% tổng mức đầu tư), phần còn lại khoảng 7.350 tỷ đồng (khoảng 5% tổng mức đầu tư, chi phí giữ lại bảo hành công trình) chuyển tiếp bố trí giai đoạn 2026-2030.

Q.N (t/h)