Việt Nam cần tự sản xuất vaccine phòng COVID-19
Chiều 07/01/2023, tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ hai, Quốc hội thảo luận tại hội trường về đánh giá việc thực hiện quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/07/2021 và đề xuất nội dung đưa vào Nghị quyết của Quốc hội về việc chuyển tiếp thực hiện một số chính sách theo quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15.
Đóng góp ý kiến tại hội trường, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Anh Trí (Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội) khẳng định, Nghị quyết đã góp phần quan trọng vào công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại Việt Nam.
Liên quan đến vaccine phòng, chống dịch COVID-19, đại biểu Nguyễn Anh Trí đánh giá cao vai trò của Quốc hội, Chính phủ trong ngoại giao vaccine nên dịch bệnh sớm được dập tắt. Bên cạnh đó, vị đại biểu đoàn TP. Hà Nội cho rằng, Việt Nam cần phải tự sản xuất vaccine phòng COVID-19 riêng.
Phân tích thêm về quan điểm này, đại biểu Nguyễn Anh Trí cho rằng, thời gian qua chúng ta đặt vai trò sản xuất vaccine lên vai các công ty tư nhân. Mặc dù các công ty này có kinh phí nhưng về đội ngũ trí thức, trí tuệ và trình độ khoa học chưa hội tụ đủ. Vì vậy, để có thể sản xuất vaccine thì phải hội tụ đủ tri thức của các nhà khoa học ở các đơn vị sản xuất vaccine và phát triển từ 15-40 năm, tiếp tục thu nạp kiến thức, kinh nghiệm trên thế giới.
Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Anh Trí cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo để sớm tổ chức một hệ thống sản xuất vaccine một cách bài bản, quy củ, đúng cách để phục vụ đất nước.
Cần có cơ chế đặc biệt về chỉ định thầu
ĐBQH Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương) cho rằng, đây là quy phạm pháp luật sát thực tiễn, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho các lực lượng phòng, chống dịch bệnh, tháo gỡ nhiều khó khăn, hạn chế trong tình huống vô cùng cấp bách, khẩn thiết.
Đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn, hiện nay chưa có cơ chế để các địa phương, đơn vị ứng trước hàng hóa, thuốc, vật tư y tế, trang thiết bị y tế của doanh nghiệp phục vụ cấp bách cho việc cứu dân.
Nhưng sau khi dịch được kiểm soát, các địa phương, cơ quan, đơn vị gặp nhiều khó khăn về quy trình, quy định thanh, quyết toán kinh phí. Các địa phương cũng không thể mua hàng hóa đã tạm ứng để trả lại cho doanh nghiệp; hoặc không có cơ chế thanh toán đặc biệt để hoàn tiền lại cho các doanh nghiệp.
Hơn nữa, việc xác định giá các loại hàng hóa tại thời điểm dịch bệnh rất bất cập do nguồn cung vô cùng khan hiếm, đẩy giá các mặt hàng y tế tăng cao. Bên cạnh đó, việc tham khảo giá trên các trang thông tin của Bộ Y tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có nhiều thông tin khác nhau, nhiều mức giá khác nhau tại cùng một thời điểm.
Đại biểu kiến nghị Quốc hội trên cơ sở quy định Nghị quyết 30 giao cho Chính phủ tiếp tục có cơ chế đặc biệt đặc cách về giá, chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền xác định và công bố giá hợp lý trong bối cảnh khan hiếm nguồn cung hàng hóa và có cơ chế đặc biệt về chỉ định thầu, nhằm tháo gỡ những khó khăn lớn nhất cho các địa phương, doanh nghiệp.
Đại biểu cho biết, với tinh thần chống dịch như chống giặc, Quốc hội đã quy định được mua sắm với số lượng cao hơn nhu cầu thực tế để dự phòng trường hợp dịch bệnh có diễn biến phức tạp phát sinh; đồng thời có giải pháp không để xảy ra tiêu cực, hạn chế tối đa lãng phí trong hoạt động này.
Vì vậy, nhiều địa phương, đơn vị đã mua sắm để dự phòng trong tình huống kịch bản xấu nhất, nhưng đến khi tình hình đã được kiểm soát thì việc giải quyết tình trạng dư thuốc, trang thiết bị, hóa chất còn chậm, rất cần được rà soát, chỉ đạo và có giải pháp giải quyết kịp thời.
Cần chi trả chế độ kịp thời
ĐBQH Huỳnh Thị Phúc (Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) cho rằng, trong tình hình dịch bệnh nguy hiểm, các địa phương đã huy động toàn lực để thực hiện công tác xét nghiệm, tiêm vaccine và các công tác phòng chống, kiểm soát dịch bệnh, bảo vệ vùng xanh, vùng an toàn. Tuy nhiên đến nay, việc chi hỗ trợ chưa thực hiện được, hoặc chi trả hỗ trợ cho các đối tượng tham gia chống dịch chưa đầy đủ.
Đại biểu cho biết, công tác phòng, chống dịch của nhiều tỉnh, thành phố đã có sự hỗ trợ của các đoàn công tác từ các địa phương, các bệnh viện trung ương tình nguyện đến vùng dịch để thực hiện công tác phòng, chống dịch. Đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét bổ sung các nội dung liên quan vào Nghị quyết của Quốc hội, của Chính phủ.
Ngoài ra, về việc chuyển tiếp thực hiện một số chính sách theo quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 về các chính sách phòng, chống dịch bệnh COVID-19, đại biểu cho rằng cần tuyên bố hết hiệu lực với các văn bản đã ban hành, ban hành các văn bản khác để giải quyết các vấn đề còn tồn tại trong thời gian qua, cập nhật các nội dung mới phát sinh cũng như các vấn đề đã được dự báo trước đối với những diễn biến bất thường của dịch bệnh.
Cũng liên quan đến việc thanh toán cho việc phòng, chống dịch bệnh COVID-19, đại biểu Nguyễn Anh Trí băn khoăn, tại sao việc thanh toán lại chậm? Do đó, cần quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan, cá nhân lại triển khai chậm…
Trong khi đó, ĐBQH Nguyễn Đại Thắng (Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên) kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện chi trả đầy đủ các chế độ, chính sách hỗ trợ cho lực lượng tăng cường điều động để tham gia công tác phòng, chống dịch COVID-19 được thực hiện trước ngày 31/12/2021 mà đến nay vẫn chưa thanh toán xong.
Đồng thời có chính sách hỗ trợ các địa phương có khó khăn về nguồn lực để chi trả, hỗ trợ, có giải pháp để tháo gỡ khó khăn, bất cập về hồ sơ, thủ tục bảo đảm thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với các cơ sở y tế và người bệnh COVID-19.
Theo SKĐS