Năm 2024, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST) đã có nhiều đóng góp thiết thực vào sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, cải thiện an sinh xã hội và chất lượng cuộc sống người dân.
Công tác xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách được quan tâm, chỉ đạo thường xuyên, góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để KH,CN&ĐMST thực sự là quốc sách hàng đầu, là động lực chính để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.
Nhiều thành tựu KH&CN được ứng dụng nhanh chóng và rộng rãi trong các lĩnh vực như y tế, nông nghiệp, công nghiệp, công nghệ thông tin, quốc phòng, an ninh...; hoạt động xúc tiến hỗ trợ tìm kiếm, trao đổi, chuyển giao công nghệ được đẩy mạnh.
Trong nông nghiệp, đã tiếp tục nghiên cứu khoa học, từng bước làm chủ công nghệ chọn tạo các giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản chủ lực năng suất cao, chất lượng tốt, hoàn thiện quy trình canh tác, nuôi trồng, bảo quản, chế biến. Nhờ đó, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản năm 2024 ước đạt mức cao kỷ lục 62,5 tỷ USD, tăng 18,7% so với năm 2023, xuất siêu tiếp tục đạt mức mới với 17,9 tỷ USD, tăng 46,8%, trong đó có 7 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD.
Trong khoa học y - dược, đã làm chủ công nghệ, kỹ thuật tiên tiến trong chẩn đoán, điều trị nhiều bệnh nguy hiểm, nâng cao vị thế của y học Việt Nam ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới như kỹ thuật ghép tạng; kỹ thuật cao trong phẫu thuật, can thiệp ít xâm lấn. Làm chủ công nghệ và sản xuất đáp ứng 11/12 vắc xin phục vụ Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia.
Trong lĩnh vực công nghệ cao, Việt Nam đã đạt được những bước tiến quan trọng trong phát triển công nghệ cao, công nghệ bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI), khẳng định vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng công nghệ cao toàn cầu. Chính phủ đã ban hành các chính sách ưu đãi thu hút đầu tư nước ngoài, nhiều dự án hợp tác từ các tập đoàn lớn như Samsung, Intel và NVIDIA, trong đó Việt Nam và NVIDIA đã hợp tác thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển về AI và Trung tâm Dữ liệu AI tại Việt Nam.
Trong lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng, hệ thống tiêu chuẩn quốc gia và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia thường xuyên được rà soát, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn và mức độ hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế (đến nay, đã công bố hơn 14.000 TCVN, gần 800 QCVN, tỷ lệ hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực đạt trên 62%).
Trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, Bộ đã triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu quả xử lý đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp, hướng tới giảm tình trạng tồn đọng đơn.
Để KH,CN&ĐMST ngày càng đóng góp thiết thực vào phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, cải thiện an sinh xã hội và chất lượng cuộc sống, tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2025 của ngành KH&CN, Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định cho biết, trong thời gian tới, Bộ KH&CN sẽ tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm:
Thứ nhất, khẩn trương phối hợp với Bộ TT&TT tham mưu, trình Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển KH,CN&ĐMST và chuyển đổi số quốc gia;
Thứ hai, quán triệt, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Chỉ đạo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW. Phối hợp với Bộ TT&TT triển khai thực hiện Đề án hợp nhất; bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ, liên thông theo đúng quy định của pháp luật, đúng mục tiêu, yêu cầu và tiến độ đề ra.
Thứ ba, tiếp tục sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật về KH,CN&ĐMST để tháo gỡ các điểm nghẽn, rào cản, giải phóng các nguồn lực, khuyến khích KH,CN&ĐMST phát triển. Hoàn thiện, trình Quốc hội thông qua 4 Luật chuyên ngành, gồm: Luật KH,CN&ĐMST; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa và Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi).
Thứ tư, triển khai hiệu quả, đồng bộ các Chương trình, nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia trung hạn đến năm 2025 và dài hạn đến năm 2030; xác định rõ công nghệ chiến lược, công nghệ lõi, công nghệ cao cần ưu tiên phát triển dựa trên thế mạnh, thực tiễn của Việt Nam; khuyến khích đầu tư, phát triển các trung tâm dữ liệu lớn về KH,CN&ĐMST, các kho dữ liệu khoa học dùng chung; kết nối các cộng đồng khoa học mở ở Việt Nam.
Thứ năm, phát triển mạnh nhân lực KH&CN, chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nguồn nhân lực ngành bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây…
Thứ sáu, phát triển hệ thống ĐMST quốc gia, hệ sinh thái KNST, tạo môi trường thuận lợi để các doanh nghiệp khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ và các mô hình kinh doanh mới...
Thứ bảy, đẩy mạnh hợp tác với các đối tác chiến lược, quốc gia tiên tiến về KH,CN&ĐMST nhất là trong các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, bán dẫn, công nghệ sinh học, công nghệ lượng tử và các công nghệ chiến lược khác; gắn kết các hoạt động hợp tác quốc tế về KH,CN&ĐMST với ngoại giao kinh tế, thúc đẩy nâng cao năng lực và chuyển giao công nghệ trong các thỏa thuận quốc tế, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Thứ tám, đẩy mạnh các hoạt động về tiêu chuẩn đo lường chất lượng, hỗ trợ nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hoá, trong đó ưu tiên triển khai mạnh mẽ hạ tầng chất lượng quốc gia; tập trung thúc đẩy bảo hộ, phát triển và khai thác tài sản trí tuệ phục vụ phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế. Tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hoà bình.
Thứ chín, tăng cường công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng theo quy định. Triển khai đồng bộ các giải pháp cải cách hành chính, trọng tâm là triển khai hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính, đẩy nhanh tiến độ các nhiệm vụ chuyển đổi số quốc gia, thực hiện hiệu quả Đề án 06.
Minh Anh(t/h)