Hiện các mặt hàng vật tư nông nghiệp phân bố khắp các huyện, thành phố với số lượng sản phẩm đa dạng phong phú, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân lựa chọn. Tuy nhiên, cùng với số lượng lớn VTNN có nguồn gốc, xuất xứ, đảm bảo chất lượng đang được lưu hành trên thị trường còn có tình trạng vật tư nông nghiệp không rõ nguồn gốc xuất xứ, khó phân biệt, kém chất lượng, vẫn luôn là nỗi lo của người nông dân.
Những năm gần đây, hoạt động kinh doanh VTNN trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã dần đi vào nền nếp; hầu hết các cơ sở kinh doanh VTNN đều chấp hành tốt các điều kiện kinh doanh theo đúng quy định của pháp luật.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện trên địa bàn tỉnh có 18 doanh nghiệp sản xuất phân bón, 1 doanh nghiệp gia công, sang chai, đóng gói thuốc BVTV và 2.248 cơ sở kinh doanh phân bón, thuốc BVTV. Các mặt hàng VTNN đa dạng, dồi dào là điều kiện thuận lợi cho nông dân lựa chọn để đầu tư phát triển sản xuất.
Để kiểm soát chặt chẽ chất lượng đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp, riêng trong 4 tháng đầu năm 2024 ngành nông nghiệp đã phối hợp với các ngành chức năng trong đó có lực lượng QLTT kiểm tra hơn 100 cơ sở sản xuất, kinh doanh VTNN, thuốc BVTV, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi. Bên cạnh các cơ sở kinh doanh có địa chỉ, thực hiện tốt các quy định của nhà nước trong kinh doanh, buôn bán VTNN thì vẫn còn không ít trường hợp không tuân thủ các quy trình, thủ tục đăng ký kinh doanh, không nắm bắt được các loại hàng hóa trong danh mục của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kinh doanh hàng hóa mà trên nhãn có hình ảnh, hình vẽ, chữ viết, dấu hiệu, biểu tượng và các thông tin khác không đúng bản chất, không đúng sự thật về hàng hóa đó; VTNN có nhãn không ghi đủ hoặc ghi không đúng các nội dung bắt buộc theo quy định của pháp luật; buôn bán thuốc BVTV chung với thuốc y tế...
Cùng với đó, vì số lượng cơ sở kinh doanh nhiều, một số cơ sở kinh doanh VTNN tại các địa phương khu vực nông thôn còn theo thời vụ khiến công tác kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn.
Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về VTNN, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa đã phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền, kiểm tra chuyên ngành đối với các cơ sở kinh doanh VTNN; kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh giống, phân bón, thuốc BVTV không rõ nguồn gốc, không bảo đảm chất lượng. Đồng thời, tăng cường công tác tập huấn nâng cao nhận thức, kiến thức pháp luật về kinh doanh VTNN cũng như tác hại của việc sản xuất, kinh doanh VTNN kém chất lượng làm ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng cây trồng.
Tiếp tục, phối hợp với các lực lượng công an, QLTT trong quá trình kiểm tra, kiểm soát. Đối với người dân, cần mua VTNN có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng tại các cơ sở kinh doanh cố định, có biển hiệu, địa chỉ rõ ràng, hợp pháp, được cấp chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh. Hạn chế mua bán các sản phẩm thuốc BVTV, thú y lẻ tại các chợ truyền thống, các đối tượng đến tận nhà mời chào... Qua đó, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng và bảo vệ môi trường.
Trên địa bàn huyện Thọ Xuân có 123 cơ sở sản xuất, kinh doanh VTNN. Nhằm bảo đảm chất lượng VTNN, hạn chế rủi ro, thiệt hại về kinh tế cho bà con nông dân, huyện Thọ Xuân đã phối hợp với các ngành chức năng thực hiện tốt công tác thanh tra chuyên ngành các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc BVTV, phân bón và giống cây trồng trên địa bàn huyện. Xử lý kịp thời các trường hợp kinh doanh VTNN vi phạm, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh. 4 tháng đầu năm 2024, huyện đã kiểm tra gần 10 cơ sở kinh doanh VTNN trên địa bàn. Qua kiểm tra, hầu hết các cơ sở kinh doanh đã thực hiện tốt quy định về sản xuất, kinh doanh, sử dụng VTNN, hàng hóa đúng nhãn mác, xuất xứ, niêm yết giá cụ thể; trên 90% cơ sở kinh doanh VTNN có chứng chỉ chuyên môn; 95% số cơ sở kinh doanh thuốc BVTV có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh.
Tại huyện Thiệu Hóa, thực hiện Kế hoạch số 05-KH/HNDH ngày 05/11/2024 của Hội Nông dân huyện Thiệu Hóa về việc giám sát việc thực hiện pháp luật về quản lý, sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật tư nông nghiệp, xử lý mùi chất thải trong chăn nuôi năm 2024, Đội Quản lý thị trường số 8, Cục QLTT Thanh Hóa đã triển khai nhiều biện pháp tuyên truyền, phổ biến pháp luật về kinh doanh vật tư nông nghiệp, tổ chức ký cam kết về việc chấp hành các quy định của pháp luật trong kinh doanh vật tư nông nghiệp tại 34 cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn huyện Thiệu Hóa.
Qua công tác tuyên truyền, nắm bắt, các cơ sở kinh doanh chấp hành đúng các điều kiện kinh doanh vật tư nông nghiệp như: giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, các giấy tờ liên quan đến hoạt động kinh doanh theo mặt hàng; đảm bảo các điều kiện kinh doanh; hàng hóa có hóa đơn, chứng từ; nhãn hàng hóa đảm bảo; các cơ sở thực hiện niêm yết giá hàng hóa theo quy định.
Trong thời gian tới, lực lượng QLTT tỉnh Thanh Hóa sẽ cùng phối hợp với các cơ quan chức năng tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về kinh doanh vật tư nông nghiệp; thực hiện có hiệu quả các biện pháp nghiệp vụ; phối hợp với các cơ quan chức năng, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh vật tư nông nghiệp; góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và lợi ích của các doanh nghiệp chân chính.
Lê Nam