Một trong những điểm nổi bật tại dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi do Bộ Công an đề xuất là nâng mức xử phạt đối với tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm (Điều 317), với mức tiền phạt tăng gấp 6 lần so với quy định hiện hành.

Theo đó, các hành vi như sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia thực phẩm bị cấm hoặc chưa được cấp phép tại Việt Nam; dùng động vật chết, nhiễm bệnh buộc tiêu hủy để chế biến thực phẩm; hoặc nhập khẩu, cung cấp, buôn bán thực phẩm có chứa chất cấm… sẽ đối mặt với mức phạt tiền từ 300 triệu đến 3 tỷ đồng, tùy mức độ nghiêm trọng và lợi nhuận thu được từ hành vi phạm tội. Trong khi đó, theo quy định hiện hành, mức phạt tiền cho hành vi này chỉ từ 50 - 500 triệu đồng.

Dự thảo cũng đề xuất tăng mức phạt tù tối thiểu từ 1 năm lên 3 năm. Khung hình phạt nhẹ nhất được đề xuất là từ 3 đến 7 năm tù (trong khi hiện hành là từ 1 - 5 năm tù).

Bộ Công an đề xuất là nâng mức xử phạt đối với tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm (Điều 317), với mức tiền phạt tăng gấp 6 lần so với quy định hiện hành. (Ảnh minh hoạ)
Bộ Công an đề xuất là nâng mức xử phạt đối với tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm (Điều 317), với mức tiền phạt tăng gấp 6 lần so với quy định hiện hành. (Ảnh minh hoạ)

Một thay đổi đáng chú ý là việc bỏ cụm từ “mà biết” trong quy định xử phạt. Theo Bộ Công an, điều này nhằm đảm bảo tính răn đe và trách nhiệm pháp lý, dù người phạm tội có ý thức được việc sử dụng các hóa chất, phụ gia độc hại hay không.

Ngoài ra, tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm (Điều 193) cũng được đề xuất tăng gấp đôi mức phạt bổ sung từ 20 - 100 triệu đồng lên 40 - 200 triệu đồng. Pháp nhân thương mại vi phạm có thể bị phạt tới 36 tỷ đồng, thay vì mức 18 tỷ đồng như hiện nay.

Đặc biệt, Dự thảo còn bổ sung hình phạt 5 - 10 năm tù đối với người sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm, phụ gia thực phẩm nếu hành vi được thực hiện trên các nền tảng thương mại điện tử có từ 500 người tiếp cận trở lên.

Không chỉ có vậy, dự thảo Luật còn đề xuất bổ sung 1 Điều luật mới liên quan đến tội phạm môi trường, đó là “Tội xả trái phép chất thải thông thường ra môi trường (Điều 235a Dự thảo). Tùy theo khối lượng chất thải bị xả trái phép, người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 2 tỷ đồng, hoặc phạt tù từ 3 tháng - 5 năm.

Pháp nhân thương mại có thể bị phạt tiền từ 300 triệu đồng đến 6 tỷ đồng, hoặc đình chỉ hoạt động 6 tháng - 2 năm.

Việc siết chặt các chế tài hình sự trong lĩnh vực an toàn thực phẩm được kỳ vọng sẽ góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng, đồng thời tạo môi trường kinh doanh minh bạch, an toàn hơn cho người tiêu dùng.

Phương Thảo(t/h)