Tính tới 9 giờ sáng nay (14/3), thế giới đã có 145.341 người mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và 5.416 ca tử vong.

Đại dịch Covid-19 đã chuyển tâm dịch từ châu Á sang châu Âu khi chứng kiến số ca nhiễm mới tại châu lục này tăng kỷ lục.

Italy lại có thêm một ngày mất mát nặng nề khi có thêm 250 ca tử vong vì dịch Covid-19 và 2.547 trường hợp mắc phải dịch bệnh này. Đã 4 ngày phong tỏa toàn bộ đất nước 60 triệu dân nhưng tình hình ở Italy vẫn chưa có bất kỳ tiến triển nào khi số ca tử vong và số người nhiễm mới liên tục tăng thêm hàng ngày. Cho tới nay, quốc gia này đã ghi nhận hơn 11.000 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 với ít nhất 1.266 ca tử vong. Chính quyền nước này cũng đang lo ngại dịch lan xuống các vùng miền Nam, nơi có hệ thống y tế yếu kém hơn nhiều so với miền Bắc.

Tây Ban Nha hiện là quốc gia thứ 2 chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 ở châu Âu với hơn 2.086 ca nhiễm mới và 47 trường hợp tử vong. Tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 ở nước này cũng đã tăng lên 5.232 trường hợp với 133 ca tử vong.

Khi tâm dịch chuyển từ Milan (Italy) sang Madrid (Tây Ban Nha), Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sánchez đã cảnh báo số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 ở nước này có thể lên đến 10.000 vào tuần sau.

Ít nhất 4 quốc gia: Ba Lan, Đan Mạch, Slovakia và Cộng hòa Séc thông báo họ sẽ đóng cửa biên giới hoàn toàn.

Trong khi đó, sau khi số ca nhiễm mới tăng thêm gần 800 ca và 18 người tử vong trong 24h, Pháp tiếp tục thực hiện các biện pháp mạnh mẽ nhằm đối phó với "cuộc khủng hoảng y tế tồi tệ nhất trong một thế kỷ qua" này. Ngoài việc cấm tụ tập trên 100 người, dự kiến, từ đầu tuần sau, các trường học tại Pháp sẽ phải đóng cửa ít nhất là trong vòng 15 ngày, thậm chí là đến hết kỳ nghỉ mùa xuân năm nay, tức là đến hết ngày 20/4 hoặc ngày 04/5 theo từng khu vực - một sự kiện "chưa từng có tiền lệ" trong lịch sử giáo dục Pháp.

Tại Đức, chỉ trong vòng 24 giờ cũng đã có 930 ca nhiễm mới với 2 trường hợp tử vong. Trước đó, ngày 11/3, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã cảnh báo nếu không quyết liệt ngăn chặn dịch Covid-19, sẽ có tới 70% dân số Đức nhiễm virus SARS-CoV-2. Tổng số ca nhiễm bệnh ở Đức hiện cao thứ 3 châu Âu với 3.675 ca.

Bên cạnh đó, hàng loạt quốc gia châu Âu khác cũng chứng kiến số ca mắc Covid-19 mới không ngừng gia tăng và thậm chí nằm trong "tốp đầu" những nước có số ca nhiễm cao nhất ngoài Trung Quốc.

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đã thông báo ngày 13/3 rằng: "Châu Âu hiện đã trở thành tâm chấn của đại dịch Covid-19", đồng thời hối thúc các quốc gia thực hiện mọi biện pháp để đối phó với dịch bệnh: "Bạn phải thực hiện các biện pháp một cách toàn diện, không chỉ riêng xét nghiệm, không chỉ riêng theo dõi liên lạc, không chỉ riêng cách ly, không chỉ riêng giữ khoảng cách khi giao tiếp. Hãy làm tất cả mọi thứ cùng lúc".

Trong khi châu Âu ngày càng có nhiều "điểm nóng" dịch Covid-19 thì tại Mỹ, Tổng thống Trump đã gấp rút hành động để ngăn chặn dịch bệnh khi quốc gia này có gần 600 ca nhiễm mới chỉ trong 24 giờ, nâng tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 lên hơn 2.000 trường hợp. Sau khi bất ngờ thông báo cấm các hoạt động đi lại từ châu Âu đến Mỹ, ngày 13/3, Tổng thống Trump đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia.

"Tôi chính thức tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia nhằm huy động toàn bộ sức mạnh của chính quyền liên bang. Việc này sẽ cho phép chúng ta huy động 50 tỷ USD, một số tiền lớn cho các bang, lãnh thổ và địa phương ở Mỹ trong nỗ lực chung chống lại dịch Covid-19", nhà lãnh đạo Mỹ khẳng định. 
Cho tới nay, đã có ít nhất 23 bang trên toàn nước Mỹ tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia nhằm đối phó với dịch Covid-19.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 13/3 tiếp tục hối thúc các chính phủ hành động nhanh chóng để giải quyết tình hình thay vì "vì tê liệt bởi nỗi sợ hãi" trước dịch Covid-19.

Hoan Nguyễn