Sáng 11/9, trong khuôn khổ các cuộc họp tại Tuần lễ Hội nghị Bộ trưởng Doanh nghiệp vừa và nhỏ APEC 2017 tại TP.HCM, Chính phủ Canada và Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) tổ chức hội thảo “Doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, khởi nghiệp đổi mới và năng động trong khu vực APEC”. Đây là hoạt động trước diễn đàn khởi nghiệp APEC 2017 do VCCI chủ trì vào ngày 12/9.
Hội thảo “Doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, khởi nghiệp đổi mới và năng động trong khu vực APEC” (Ảnh: Nguyễn Lánh)
Hội thảo tập trung chia sẻ kiến thức của các tổ chức đào tạo doanh nhân trẻ, chuyên gia đứng đầu các vườn ươm và các doanh nghiệp đã được ươm tạo, nhà đầu tư trong khu vực khởi nghiệp và chuyên gia chính sách. Hàng năm, Hội nghị Bộ trưởng doanh nghiệp vừa và nhỏ đều tổ chức để thảo luận về tầm quan trọng của doanh nghiệp MSMEs, định hướng cho chính sách, thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp MSMEs và đề xuất cho kế hoạch hành động của APEC.
Nhiều vấn đề trao đổi tại Diễn đàn Khởi nghiệp APEC 2017 (Ảnh: Nguyễn Lánh)
Tại hội thảo, các đại biểu thảo luận về giữa những người đứng đầu các tổ chức đầu tư về chuyên đề làm sao để đầu tư cho khởi nghiệp và nhanh chóng vượt qua giai đoạn khởi nghiệp để trở thành một MSMEs. MSMEs cần gì để tiếp cận khách hàng, các nguồn tài chính phù hợp cho MSMEs, các chính sách phù hợp hoặc cản trở sự phát triển của doanh nghiệp này. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư tìm kiếm gì ở các startup, lời khuyên cho khởi nghiệp và MSMEs trong việc kêu gọi vốn đầu tư.
Các đại biểu trao đổi, thảo luận ngoài lề (Ảnh: Nguyễn Lánh)
Chính phủ trong cộng đồng chung APEC cần phải thực hiện các chính sách để thúc đẩy đổi mới sáng tạo và công nghệ. Nguồn ngân sách hỗ trợ khởi nghiệp ở thời điểm khởi sự. Hội thảo chuyên đề sẽ cung cấp những hiểu biết mới cho các Bộ trưởng và các cơ quan đại diện, và sẽ tìm cách thúc đẩy hợp tác xuyên biên giới trong khu vực APEC.
Một startup tham gia Diễn đàn Khởi nghiệp APEC 2017 (Ảnh: Nguyễn Lánh)
Theo ông Hoàng Văn Dũng, Chủ tịch Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC (ABAC) Việt Nam, khuyến nghị đầu tiên của ABAC là áp dụng khoa học công nghệ để doanh nghiệp tiếp cận thị trường, kết nối khu vực. Đây được xem là giải pháp quan trọng nhất. Sau đó là giải pháp tài chính và đào tạo nguồn nhân lực. “Chúng ta đang có tỷ lệ 200 người dân mới có 1 doanh nghiệp. Đất nước muốn phát triển thì phải có nhiều doanh nghiệp và Nghị quyết Trung ương 5 đã chuyển đổi trọng tâm từ doanh nghiệp nhà nước sang hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân, đây chính là động lực để đất nước chúng ta phát triển, ông Dũng nhấn mạnh.
Còn theo ông Huỳnh Huy Hoà, Phó giám đốc Viện nghiên cứu phát triển kinh tế- xã hội Đà Nẵng: “Viện có những khuyến nghị, thứ nhất áp dụng công nghệ số, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường. Thứ hai hỗ trợ tiếp cận về mặt tài chính. Thứ 3 đào tạo nguồn nhân lực. Thứ tư, quan trọng nhất là tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thuận lợi nhất cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tạo sân chơi bình đẳng giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân”./.
Nguyễn Lánh - Hồng Mơ