Sự kiện có sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ - USAID) thông qua Dự án Quản trị nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện - GIG và Liên minh châu Âu - EU thông qua Dự án Hiện đại hóa tài chính công. Đây là diễn đàn thường niên được tổ chức từ năm 2017.
Diễn đàn nhằm tập hợp trí tuệ của các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý, các chủ thể, khách thể thụ hưởng và chịu tác động của các chính sách có liên quan trong và ngoài nước… để cùng thảo luận, chia sẻ các nghiên cứu, các quan điểm để hình thành một hệ thống các luận cứ khoa học cho việc đề xuất, kiến nghị về tái cấu trúc nền tài chính quốc gia hướng đến phát triển nhanh, toàn diện và bền vững.
Ảnh minh họa
Phát triển nhanh, toàn diện và bền vững là xu hướng, mục tiêu và mối quan tâm của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Đây cũng là chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước xuyên suốt từ Đại hội X đến nay và được cụ thể hóa trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020.
Trong quá trình tái cấu trúc nền tài chính quốc gia, chủ trương này cũng được thể hiện trong các văn bản quan trọng như Nghị quyết số 05/NQ-TW Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII ngày 01/11/2016, Nghị quyết số 24/2016/QH14 ngày 08/11/2016 của Quốc hội về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020, Chiến lược Tài chính Việt Nam đến năm 2020... Theo đó, hệ thống khung khổ chính sách pháp luật về tài chính - ngân sách nhà nước đã từng bước được đổi mới, hoàn thiện nhằm đạt được các mục tiêu phát triển nhanh, toàn diện và bền vững của Việt Nam.
Trong những năm qua, công tác tái cấu trúc nền tài chính quốc gia đã đạt được một số kết quả tích cực, đóng góp quan trọng đối với sự nghiệp phát triển kinh tế, bảo đảm quốc phòng, an ninh, và công bằng xã hội. Các cấu phần của nền tài chính quốc gia đã được từng bước được tái cấu trúc nhằm phát triển đất nước theo hướng nhanh, toàn diện và bền vững.
Chính sách thuế đã được hoàn thiện nhằm đáp ứng nhu cầu huy động nguồn lực phục vụ các chương trình phát triển kinh tế trong bối cảnh một số nguồn thu giảm như thu từ dầu thô, thu từ nhập khẩu (do thực hiện cắt giảm thuế theo các cam kết hội nhập quốc tế)… Quy mô thu ngân sách nhà nước (NSNN) được mở rộng, tổng thu ngân sách năm 2017 tăng, tạo điều kiện để tăng chi đầu tư đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo.
Bên cạnh đó, cơ chế về phân cấp ngân sách được điều chỉnh theo hướng tăng quyền chủ động của các địa phương. Cơ cấu thu NSNN bền vững hơn do được điều chỉnh theo hướng tăng tỷ trọng các khoản thu gắn trực tiếp với hoạt động sản xuất - kinh doanh trong tổng thu NSNN. Cơ cấu chi NSNN cũng được điều chỉnh theo hướng giảm chi thường xuyên, tăng chi đầu tư phát triển với việc đa dạng hóa, xã hội hóa nguồn lực đầu tư, chi cho y tế, giáo dục nhằm mục tiêu đảm bảo công bằng xã hội. Chính sách tài chính cho an sinh xã hội cũng tiếp tục được sửa đổi… Ngoài ra, các chính sách về bảo vệ môi trường cũng được tăng cường như thuế tài nguyên, thuế bảo vệ môi trường, chi sự nghiệp bảo vệ môi trường...
Thời gian qua, nhiều biện pháp đổi mới, tăng cường quản lý nợ công đã được thực hiện, qua đó chỉ tiêu an toàn nợ công nằm trong giới hạn được Quốc hội phê duyệt, đảm bảo an ninh, an toàn tài chính công. Cơ cấu nợ được điều chỉnh hợp lý hơn, nghĩa vụ trả nợ được thực hiện đầy đủ, đúng hạn.
Để phát triển nhanh, thị trường vốn, thị trường bảo hiểm từng bước được cơ cấu theo hướng đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng tổ chức kinh doanh chứng khoán, các doanh nghiệp bảo hiểm, phát triển nhà đầu tư có tổ chức, qua đó tăng cường huy động vốn, tạo nguồn vốn đầu tư trở lại nền kinh tế. Cùng với đó, việc cơ cấu lại khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN), cổ phần hóa, thoái vốn, nâng cao năng lực quản trị của các DNNN cũng được chú trọng nhằm đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế đất nước.
Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số vấn đề đặt ra cần được quan tâm, chú trọng nhằm hướng đến phát triển nhanh, toàn diện và bền vững. Thứ nhất, vẫn còn sự mâu thuẫn đan xen giữa các mục tiêu nhanh, toàn diện và bền vững. Tăng trưởng kinh tế ở mức thấp hơn tiềm tăng, năng lực cạnh tranh quốc gia còn thấp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm. Thứ hai, dư địa tăng thu có xu hướng giảm dần trong bối cảnh Việt Nam đang thực hiện cắt giảm thuế quan theo các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế.
Cơ cấu thu nội địa còn dựa nhiều vào các khoản thu có tính bền vững không cao. Thứ ba, chi NSNN ở mức cao, chi thường xuyên chiếm tỷ trọng lớn và là các khoản chi khó cắt giảm; trong khi đó, nhu cầu chi cho đầu tư phát triển, xây dựng cơ sở hạ tầng, đảm bảo an sinh xã hội vẫn rất lớn. Thứ tư, công tác an sinh xã hội còn nhiều thách thức do bất bình đẳng, khoảng cách giàu - nghèo trong xã hội, chênh lệch phát triển, tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai, già hóa dân số… Thứ năm, thị trường tài chính phát triển chưa tương xứng tiềm năng, thiếu tính đồng bộ, nợ xấu ngân hàng mặc dù đã giảm nhưng vẫn tiếp tục là thách thức trong quá trình tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng.
Trước những khó khăn và thách thức trên, yêu cầu tái cấu trúc tài chính quốc gia nhằm hướng đến phát triển nhanh, toàn diện và bền vững lại càng trở nên cấp thiết. Tại Diễn đàn lần này, các đại biểu sẽ thảo luận, đánh giá thực trạng tái cấu trúc tài chính công ở Việt Nam, nhận diện mối quan hệ tác động hai chiều giữa tái cấu trúc tài chính công và phát triển toàn diện bền vững; từ đó đưa ra những kiến nghị, đề xuất và thông điệp chính sách cụ thể nhằm góp phần giải quyết các vấn đề thực tiễn kinh tế - tài chính mà xã hội đặt ra.
Diễn đàn Tài chính Việt Nam quy tụ khoảng 300 đại biểu đến từ Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư… các tổ chức quốc tế bao gồm Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu, Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Ngân hàng Phát triển châu Á, Cơ quan Phụ nữ Liên Hợp quốc, Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc, Viện Nghiên cứu chính sách (Bộ Tài chính Nhật Bản)… các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp và các cơ quan thông tấn báo chí.
Thành công của Diễn đàn Tài chính Việt Nam năm 2018 sẽ là động lực quan trọng để Bộ Tài chính tổ chức Diễn đàn Tài chính trong các năm tiếp theo, mở rộng không gian khoa học của ngành Tài chính, tạo tiền đề cho những sáng kiến đối với các vấn đề về kinh tế - tài chính đang được quan tâm.
Minh Anh