Hiện nay, lãi suất cho vay VND cao hơn nhiều so với lãi suất ngoại tệ khiến DN tìm mọi cách để vay ngoại tệ.
Chênh lệch lãi suất USD và VND từ 4 - 6%
Ông Nguyễn Văn Tài, Giám đốc Công ty TNHH Mây Tre đan Liệp Tuyết (Quốc Oai, Hà Nội) cho biết, DN chuyên xuất khẩu hàng sang các nước châu Âu. Vì vậy, ông không mấy mặn mà vay VND vì lãi suất USD rẻ hơn rất nhiều.
Đa số DN sản xuất, kinh doanh vừa bán tại thị trường nội địa, vừa xuất khẩu nên số DN thuộc diện được vay USD rất lớn. Từ tháng 3, NHNN đã hạ trần lãi suất huy động VND kỳ hạn dưới 6 tháng xuống 6%/năm, hạ lãi suất huy động ở các kỳ hạn trung và dài hạn. Song lãi suất cho vay VND vẫn còn ở mức cao, nhiều DN phản ánh, muốn vay lãi suất ngắn hạn 9%/năm để sản xuất, kinh doanh phải chờ NH thẩm định 6 - 8 tháng mới duyệt cho vay. Do đó, các DN chuyển hướng sang vay USD để có lợi cho mình.
Phó tổng giám đốc một NHTM cho biết, lãi suất vay USD thấp hơn lãi suất VND khá nhiều, hiện vay USD ngắn hạn chỉ khoảng 4 - 6%/năm, trung và dài hạn 5,5 - 7%/năm, trong khi lãi suất cho vay VND các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thông thường ở mức khoảng 9 - 10%/năm đối với ngắn hạn, 10,5 - 12%/năm đối với trung và dài hạn.
Sự chênh lệch này khiến các DN tìm kiếm vay ngoại tệ. Theo TS. Lê Thẩm Dương (Trường Đại học Ngân hàng TP. HCM), các DN có xu hướng vay ngoại tệ là do nền kinh tế nước ta ưu tiên xuất khẩu, hơn nữa tỷ giá tăng chỉ 1% nên các DN muốn và tìm mọi cách vay USD là điều dễ hiểu. Chính vì vậy, hiện nay đang xảy ra tình trạng một số DN mang VND gửi tiết kiệm với lãi suất từ 6 - 7%/năm rồi thế chấp sổ này để vay USD khoảng 4 - 5%/năm, hưởng mức chênh lệch lãi suất từ 2 - 3%.
Tính đến giữa tháng 6/2014, tín dụng ngoại tệ tăng tới 10%, trong khi huy động tiền gửi ngoại tệ tăng trưởng âm. Với con số này, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, xuất khẩu vẫn tăng trưởng khả quan, trong khi sản xuất chậm phục hồi. Vì vậy, nhu cầu vay ngoại tệ (để nhập nguyên liệu sản xuất, xuất khẩu) tăng mạnh hơn VND là điều đương nhiên.
Nhiều ý kiến lo ngại, thanh khoản ngoại tệ chịu áp lực nhất định. Nếu tình hình này kéo dài, các NH sẽ cho vay vượt quá khả năng huy động của mình và rủi ro thanh khoản ngoại tệ sẽ gia tăng, nhất là vào thời điểm cuối năm, khi các khoản vay đến kỳ đáo hạn. Hơn nữa, tín dụng ngoại tệ tăng trở lại cũng đồng nghĩa với việc đô-la hóa nền kinh tế có dấu hiệu tăng lên. Vì thế, các NH cần có nguồn để đảm bảo an toàn về thanh khoản ngoại tệ khi khách hàng gửi tiết kiệm rút tiền.
Tín dụng USD tăng không đáng lo?
Trái ngược với những lo lắng khi tín dụng ngoại tệ tăng mạnh trở lại, TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, việc tín dụng ngoại tệ tăng 10% trong 6 tháng đầu năm không đáng lo.
Ông Nghĩa phân tích: “Trong bối cảnh tín dụng VND không tăng thì tín dụng ngoại tệ tăng là dấu hiệu đáng mừng. Bởi hiện nay, kinh tế vẫn phục hồi rất chật vật, trong khi các NH đang duy trì trạng thái ngoại tệ âm - nghĩa là các NHTM đã chủ động duy trì trạng thái ngoại tệ thấp hơn mức cho phép của NHNN. Điều này đồng nghĩa với việc các NH không lo ngại thiếu ngoại tệ trong tương lai, không cần cất trữ, để dành”.
Đồng tình với ý kiến này, một số chuyên gia kinh tế cho rằng, dù cho vay ngoại tệ tăng 10% thì rủi ro thanh khoản là khó xảy ra. Bởi bản thân các NH tự biết bảo vệ mình. Bên cạnh đó, NHNN đang quyết liệt thực hiện chủ trương chống đô-la hóa, thu hẹp đối tượng vay USD, chuyển mạnh quan hệ huy động - cho vay sang quan hệ mua - bán ngoại tệ… nên việc tăng mạnh tín dụng ngoại tệ hơn nữa là không dễ.
Theo đó, để khuyến khích DN vay VND, giải pháp lớn nhất là tiếp tục giảm lãi suất cho vay. Như vậy, lãi suất huy động vẫn có biên độ giảm thêm 1% để từ đó, giảm lãi vay xuống thấp hơn. Tất nhiên, nếu giảm lãi suất huy động cũng có thể khiến các NH bất lợi trong việc huy động vốn. Nhưng để chống tình trạng đô-la hóa, hạn chế găm giữ ngoại tệ và thúc đẩy cho vay VND thì lãi suất cho vay phải tiếp tục giảm.
Hoàng Hà