Xây dựng, nâng niu “đàn rồng Việt” trở thành yếu tố dẫn dắt nền kinh tế
Phát biểu mở màn toạ đàm, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh, tương lai của đất nước phụ thuộc vào các doanh nghiệp tư nhân, trong đó nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước là khơi dậy cho sự phát triển của khu vực này.
Bàn về cụm từ "đại bàng nội", chủ đề của hội thảo, ông Lộc bày tỏ mong muốn thay đổi cách gọi doanh nghiệp nội là "đàn rồng Việt". "Không phải 'dọn ổ' mà là mở cửa, hội nhập cho doanh nghiệp Việt, tham gia điệu tango giữa đàn rồng Việt và đại bàng nội, mang lại lợi ích cho cả hai bên", ông Lộc nói.
Lãnh đạo VCCI dẫn thực tế, các dự án nước ngoài tại nhiều địa phương được đánh giá cao, còn doanh nghiệp nội ví như "bụt chùa nhà không thiêng" dù mang lại giá trị, công ăn việc làm. "Cần xây dựng, nâng niu đàn rồng Việt để các doanh nghiệp dân tộc, doanh nhân dân tộc trở thành yếu tố dẫn dắt nền kinh tế, đảm bảo sự tự chủ của kinh tế Việt Nam. Vừa thịnh vượng vừa tự chủ", ông Lộc nói.
"Thực tế, khu vực kinh tế tư nhân đã là động lực quan trọng của nền kinh tế, khu vực này phải ngày càng trở nên quan trọng hơn", ông nói.
“Chúng ta có lực lượng kinh tế tư nhân đông đảo, không phải chỉ có 8 trăm nghìn doanh nghiệp, mà là trên 6 triệu, bao gồm các hộ kinh doanh", ông Lộc dẫn số liệu.
Tuy nhiên, Việt Nam chưa có nhiều doanh nghiệp lớn và mạnh. "Định hướng chính sách không phải tăng số lượng, mà nâng cấp chất lượng, quy mô doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp lớn, cỡ vừa. Hỗ trợ doanh nghiệp lớn không phải theo kiểu SME, cầm tay chỉ việc hay tiền bạc, đặc biệt trong bối cảnh Covid-19, mà quan trọng là thể chế, môi trường kinh doanh an toàn, bình đẳng, thuận lợi. Trong đó, an toàn là yêu cầu hàng đầu", vị chuyên gia đề xuất.
Theo đại diện VCCI, cần phải có một xã hội trọng doanh nhân. Để biết công cuộc phát triển đất nước có thành công hay không thì nhìn vào thái độ của xã hội nhà nước với doanh nhân. Cái nhìn tôn trọng chính là nền tảng cho sự phát triển của đội ngũ doanh nghiệp. Bối cảnh hiện nay cho thấy cần phải có môi trường công bằng, thể chế thuận lợi để doanh nhân có thể yên tâm kinh doanh.
Ông Lộc ví dụ về ngành công nghiệp bán dẫn của Mỹ, khi nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp bằng cách thực hiện một loạt hợp đồng với các doanh nghiệp tư nhân, đầu tư thông qua nghiên cứu, công nghệ để nâng cao sức cạnh tranh và giúp ngành này dành lại thế thượng phong. Từ đó nhấn mạnh, trong mọi lĩnh vực kinh doanh mối quan hệ giữa nhà nước và lực lượng kinh tế tư nhân đều có thể tận dụng phương thức này.
Đối tác công tư nên mở rộng ra các hoạt động xây dựng và phát triển các ngành công nghiệp dịch vụ quan trọng của đất nước. Coi việc xây dựng các ngành này không chỉ nhiệm vụ của nhà nước mà còn cả đội ngũ doanh nghiệp tư nhân. "Đây là thời điểm thích hợp để nhận thức lại vai trò doanh nhân lớn và xây dựng một chương trình yểm trợ cho các doanh nghiệp lớn. Covid-19 giúp nhận ra những yêu cầu về phát triển bền vững và trách nhiệm xã hội", ông Lộc nói.
"Chúng ta đang chậm so với thế giới và Trung Quốc về kinh tế số"
Phát biểu tại hội thảo, Ông Lê Đăng Doanh, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho biết, khu vực kinh tế tư nhân đã trải qua quá trình khó khăn để thể hiện được vai trò của mình. "Chúng tôi luôn lập luận rằng trong chiến tranh, người dân đã tự ra lấp hố bom, tự hành động, vì vậy cần phải phát triển kinh tế tư nhân, tạo điều kiện để phát huy tính năng động, sáng tạo của người dân", ông nhấn mạnh.
Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương nhận định, kinh tế tư nhân của Việt Nam đã phát triển kỳ diệu, các vùng sâu vùng xa, đã có những sản vật riêng, phát triển du lịch... Kinh tế tư nhân đã giúp Việt Nam phát triển một cách năng động và đồng đều.
Khối tư nhân cũng góp phần nâng cao sự bình đẳng nam nữ ở Việt Nam khi giám đốc các doanh nghiệp tư nhân là nữ hiện chiếm 28%, một tỷ lệ cao trong khu vực Đông Nam Á.
Covid-19 diễn ra, nhiều tập đoàn tư nhân đi đầu trong chuyển đổi số. "Chúng ta đang chậm so với thế giới và Trung Quốc về kinh tế số, điều này gây nên nhiều trở ngại khi muốn tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Thời gian tới, tôi hi vọng các hiệp hội và phòng thương mại sẽ quan tâm và thúc đẩy chuyển đổi một cách toàn diện mạnh mẽ về kinh tế số", ông nói.
Ngoài GDP, theo vị chuyên gia, nhiều doanh nghiệp tư nhân đóng góp quan trọng cho sự cải cách thể chế. Ông ví dụ Luật Doanh nghiệp thay đổi đã cho phép mỗi công dân đều có quyền đăng ký kinh doanh, không cần thông qua các cơ quan cấp tỉnh, đây là bước tiến vượt bậc để phát huy quyền tự do kinh doanh của người dân.
Trong bối cảnh Việt Nam mới tham gia RCEP - Hiệp định hợp tác kinh tế toàn diện khu vực, khi hàng hoá của Trung QUốc vào Việt Nam với thuế xuất bằng 0, các doanh nghiệp tư nhân sẽ đối mặt với áp lực và thách thức lớn. Vì vậy, khu vực kinh tế tư nhân phải có phương án để đối phó với RCEP, nhanh chóng số hoá, cải cách thể chế, giúp các doanh nghiệp nhanh chóng phát triển. Bên canh đó, các doanh nghiệp cần được tạo điều kiện thuận lợi về vốn, đất đai, Chính phủ nên phân cấp cho địa phương để hợp tác và thúc đẩy với doanh nghiệp.
Khánh Yên